Bàn về bảo tồn văn hóa truyền thống

21/05/2023 13:01

Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS tại chỗ đã đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm.

Nhận diện thực trạng

Trong câu chuyện về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS tại chỗ, có thể nói việc nhận diện đúng thực trạng sẽ giúp ích nhiều cho việc hoạch định những chính sách bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

Đối với Kon Tum, hiện nay tốc độ đô thị hóa làng bản khá nhanh, mặt khác, rừng đang ngày càng xa các cộng đồng dân cư, vì vậy, kiến trúc nhà ở-nhà sàn-nhà rông ít có điều kiện để tồn tại, giữ gìn được.

Ở hầu hết các làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh chỉ còn tồn tại kiến trúc nhà rông, còn kiến trúc nhà sàn-nhà dài gần như mất hẳn, thay vào đó là kiến trúc nhà xây, nhà trệt. Kèm theo đó là sự mai một về các loại hình văn hóa dân gian truyền thống, nghệ thuật diễn xướng dân gian, văn hóa trang phục, thổ cẩm, đan lát truyền thống.

Một lớp dạy học sinh múa xoang. Ảnh: HL

 

Cồng chiêng và các loại nhạc cụ bằng tre, nứa, bầu đang đứng trước nguy cơ mất dần do không có điều kiện và môi trường sống, bởi nhiều nghi lễ và lễ hội đang mai một dần từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ngày nay, cồng chiêng, dù vẫn được lưu giữ ở các làng DTTS, nhưng không còn vai trò là “vật thiêng”, là nhạc khí dân gian chủ đạo trong đời sống tinh thần của người dân. Lớp nghệ nhân lớn tuổi dần qua đời mà không trao truyền lại được kỹ năng chế tác, do vậy mà nhiều loại nhạc cụ dân tộc cũng mai một theo.

Trong quá trình tiếp biến và giao lưu văn hóa, khi kinh tế-xã hội và khoa học công nghệ phát triển vượt bậc thì văn hóa cũng có sự biến đổi theo quy luật. Sự giao thoa văn hóa, bên cạnh sự tiếp nhận những tinh hoa một cách tích cực cũng dẫn tới những hệ quả về sự “bào mòn” văn hóa truyền thống; sự pha tạp diễn ra ở nhiều phương diện khác nhau.

Thực trạng nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Về mặt khách quan, một phần do đời sống của đồng bào DTTS đã được nâng cao, phương thức sản xuất thay đổi, theo đó nhu cầu đời sống tinh thần và tâm linh cũng có nhiều biến đổi. Các hình thức hoạt động văn hóa phù hợp với cơ sở kinh tế-xã hội và điều kiện sinh sống ngày nay lại chưa hình thành rõ nét.

Sự nhìn nhận chưa đúng của cấp ủy đảng, chính quyền một số địa phương đối với văn hóa dân gian và đời sống tinh thần, tâm linh của đồng bào trong một thời gian khá dài đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc khôi phục, gìn giữ, bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa ở địa phương.

Mặt khác, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa chưa thực sự am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của các DTTS; không có cán bộ chuyên trách về công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc từ huyện đến cơ sở.

Phục dựng phải đi đôi với duy trì

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền tỉnh Kon Tum đã rất nỗ lực trong việc bảo vệ, gìn giữ và khôi phục văn hóa truyền thống của các DTTS tại chỗ. Tuy nhiên, đã có không ít lễ hội hay hoạt động văn hóa chỉ “sống” trong thời gian phục dựng, sau đó là “chìm” luôn.

Vấn đề đặt ra hiện nay là phải nhanh chóng tạo lập môi trường, điều kiện và “đất sống” cho văn hóa lễ hội của đồng bào, tất nhiên phải phù hợp với nhận thức và đặc thù của từng cộng đồng dân tộc. Đi cùng đó là vận động, khuyến khích đồng bào tổ chức thực hiện một cách tự nguyện theo chủ trương, chính sách phát triển văn hóa các DTTS.

Phục dựng cần đi đôi với duy trì. Ảnh: H.L

 

Việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa lễ hội, trước hết phải do chính đồng bào DTTS thực hiện, và chỉ họ mới có thể bảo tồn, gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống một cách thiết thực và hiệu quả.

Đơn cử như trong giữ gìn, khôi phục nghề dệt của các DTTS tại chỗ. Hiện nay, tỉnh đã lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa nghề dệt thủ công truyền thống, trang phục truyền thống của dân tộc Ba Na và Gia Rai vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

Tuy nhiên, một bài toán chưa được giải chính là làm sao để nghề dệt tồn tại thực sự trong chính những làng DTTS. Làm sao để mỗi thành viên trong một gia đình người DTTS đều sử dụng sản phẩm dệt hàng ngày, từ chiếc khăn cõng con, tấm chăn đắp đến quần áo.

Nếu ngay cả “người mình” còn “nói không” với thổ cẩm; trong làng hiếm khi thấy người mặc váy áo thổ cẩm; trên dây phơi toàn quần áo hiện đại thì rất khó nói đến gìn giữ nghề dệt.

Bên cạnh đó, không phủ nhận thực trạng hiện nay là công tác bảo tồn và phát triển văn hóa ở vùng DTTS vẫn dựa trên vận động nhân dân là chính, trong khi các nguồn lực (con người, kinh phí) đều khá hạn hẹp. Như vậy, vấn đề đặt ra cho tỉnh Kon Tum là bên cạnh việc vận động nhân dân tham gia bảo tồn và phát triển văn hóa DTTS, cần kèm theo những cơ chế, chính sách cụ thể, nhất là nguồn kinh phí thực hiện bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa các DTTS tại chỗ.

Có thể nói rằng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc là một trong những nội dung có quy mô rộng lớn, nếu không có sự quan tâm đầu tư kinh phí của Nhà nước thì rất khó khăn khi triển khai. Vì vậy, trong thời gian tới, cần có chính sách ưu đãi với đội ngũ nghệ nhân dân gian nắm giữ vốn văn hóa truyền thống và có khả năng truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.

Quan trọng nữa là cần có cơ chế chính sách ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học và ưu tiên dành kinh phí cho việc bảo tồn, gìn giữ, kế thừa và phát huy từng loại hình di sản văn hóa phi vật thể thông qua các đề án cụ thể của từng lĩnh vực.

Hồng Lam

Chuyên mục khác