Bản sắc Kon Tum

30/03/2022 13:03

Trong giai đoạn phục hồi du lịch, chúng ta phải đối mặt với sự cạnh tranh sòng phẳng. Trong điều kiện không còn lợi thế “đi trước”, thì ai khai thác và phát huy tốt bản sắc riêng có, bắt đúng “mạch” thị hiếu các “thượng đế” sẽ thắng.

Gần 1 tuần nay, tôi khá bận rộn với việc trả lời tin nhắn của bạn bè nhiều nơi nhờ tìm kiếm các tour du lịch có thời gian vừa phải cho kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 sắp tới.

Hầu hết các “đơn đặt hàng” đều đề nghị được đến những nơi mang bản sắc của Kon Tum. Yêu cầu này làm tôi căng thẳng. Bởi cho đến nay, bản sắc của Kon Tum là gì vẫn đang là câu hỏi mở, không có công thức chung, mà tùy theo trải nghiệm của từng người.

Tôi từng hỏi người bạn hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực du lịch, hiện đang điều hành một doanh nghiệp lữ hành khá lớn ở Hà Nội, đã đưa nhiều đoàn khách đến Kon Tum, rằng: Với góc nhìn độc lập và khách quan, ít nhất là hơn tôi- một người luôn có kiểu nhìn “Kon Tum mình là tốt nhất”, theo anh, bản sắc Kon Tum là gì?

Nói thật nhé, Kon Tum có thế mạnh về du lịch, có tiềm năng để phát triển du lịch, điều đó đúng. Nhưng nhiều người cho rằng, Kon Tum chưa tạo nên khác biệt, hấp dẫn du khách- anh ta nói.

Kon Tum có sự hấp dẫn đặc biệt đối với du khách, đó là bản sắc văn hóa (bao gồm phi vật thể và vật thể) của các dân tộc tại chỗ- tôi cãi.

Kon Tum có, vậy Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông không có chắc? Hàng xóm của Kon Tum là Gia Lai cũng không thiếu- anh ta thủng thẳng nói với giọng “muốn ăn đòn”. 

Vậy theo anh, bản sắc của Kon Tum là gì? Tôi nhắc lại. Và bồi thêm: Ý anh là, Kon Tum vốn không có bản sắc gì đủ để thu hút du khách?

Anh lắc đầu: Đừng vội nóng. Trước hết, anh hãy hạ cái sự “hăng tiết vịt” của mình đi. Theo lý giải của tôi, nếu tour nào cũng tham quan di tích lịch sử văn hóa, về làng trải nghiệm văn hóa, lễ hội, xem chiêng- xoang, ngắm núi rừng, sau đó là đốt lửa trại, ăn gà nướng, cơm lam, uống rượu cần, thì du khách chỉ cần đến một điểm là đủ.

Dù không muốn, tôi cũng phải ngầm thấy anh ta có lý. Từng có những phàn nàn rằng, sự “na ná nhau” này vừa làm mất tính đặc trưng riêng có của từng điểm du lịch, vừa tạo cảm giác đơn điệu, nhàm chán cho du khách.

Trong mắt của người làm du lịch chúng tôi, có những điều tưởng như bình thường, lại làm nên bản sắc cho Kon Tum. Cần có chính sách, hướng đi để quảng bá chúng, lấy đó làm điểm thu hút du khách- bất ngờ anh ta nói.

Ví dụ, ở ngay trong thành phố Kon Tum vẫn có những ngôi làng hiện diện nhẹ nhàng như hơi thở tất yếu của đời sống đô thị, điều mà không thể thấy ở Buôn Ma Thuột, hay Pleiku. Ở đó, làng lạ lẫm và tách biệt, muốn đến làng, muốn trải nghiệm cuộc sống ở làng phải đi khá xa.

Nhưng ở Kon Tum, chỉ cần đi ít phút là đã hết phố, lạc vào làng. Rất gần. Những Kon K’tu, Kon Tum Kơ Pâng, Kon Rờ Bàng, Plei Tơ Nghia, Plei Đôn… Ngay trong phố cũng có thể thấy thấp thoáng những ngôi làng nhỏ ẩn hiện dưới tán lá xanh tươi, với mái nhà rông cao vút.

Chỉ cần xuống làng, du khách tự nhiên sẽ hòa nhập vào cuộc sống thường ngày của dân làng, chứ không phải “dàn cảnh”. Bà con vẫn gieo trồng và chăn nuôi theo cách riêng của mình. Đầu làng vẫn thấy đám trẻ nghịch ngợm hoặc người già ngồi trước cửa cười hiền lành, hay ánh mắt của cô gái Ba Na sáng long lanh như chứa cả khoảng trời xanh.

Văn hóa ẩm thực các dân tộc tại chỗ có sức hút hơn với du khách khi chính họ được tham gia. Ảnh: HL

 

Hay như những bữa “buffet lồ ô” trong làng, do du khách trực tiếp thực hiện các công đoạn chế biến, từ tìm ống lồ ô, bắt cá, hái rau rừng, đến đốt lửa và nướng dưới sự hướng dẫn của dân làng. 

Không có gì làm du khách thích thú hơn khi ngắm đống lửa rừng rực cháy, và một hàng dài  ống lồ ô xanh mướt gác trên một giá đỡ, ngọn lửa vươn lên, trùm kín. Và sau đó là thưởng thức những món ăn do chính mình chế biến theo cách truyền thống trong tiếng chiêng ngân nga.

Đó chính là bản sắc. Du khách thích như thế. Tôi cam đoan như vậy - anh ta “chốt hạ”.

Trong giai đoạn phục hồi du lịch, chúng ta phải đối mặt với sự cạnh tranh sòng phẳng. Bài học quan trọng nhất là biết cách vận hành như thế nào để vừa bảo đảm an toàn, vừa hài lòng du khách.

Trong điều kiện không còn lợi thế “đi trước”, thì ai khai thác và phát huy tốt bản sắc riêng có, bắt đúng “mạch” thị hiếu các “thượng đế” sẽ thắng.

Du lịch văn hóa là thế mạnh, nhưng cần liên kết để tạo nên sản phẩm du lịch khác biệt. Ảnh: HL

 

Thực tế này đòi hỏi cơ quan quản lý và chính quyền địa phương có sự nghiên cứu và xây dựng chính sách cụ thể nhằm phát huy hiệu quả những khác biệt, không chỉ thỏa mãn nhu cầu, mong đợi của du khách mà còn tạo được ấn tượng bởi sự sáng tạo.

Theo đó, cần quan tâm hỗ trợ các làng du lịch cộng đồng phát huy những giá trị riêng, những sản phẩm mang tính khác biệt, từ đó tạo nên một “hệ sinh thái du lịch”. Mà ở đó, trong cái chung có cái riêng, và ngược lại.

Một số chuyên gia cho rằng, Kon Tum có thế mạnh về du lịch văn hóa, sinh thái, trải nghiệm, nhưng có thể tránh sự “na ná nhau”, dẫn đến nhàm chán, bằng cách tạo nên chuỗi sản phẩm.

Ví dụ, thế mạnh của làng Kon K’tu (thành phố Kon Tum) là dệt thổ cẩm, chèo thuyền trên sông Đăk Bla; làng Kon Brăp Du (Kon Rẫy) có thế mạnh về du lịch văn hóa, với lễ Et Đông của đồng bào Ba Na; làng Kon Pring (Măng Đen, Kon Plông) là du lịch sinh thái, khám phá rừng..., thì việc cần làm là liên kết thành tour, vừa phong phú lại vừa độc đáo và hấp dẫn.

Đây chính là những yếu tố có vai trò quan trọng hàng đầu đối với quyết định lựa chọn của du khách, cho dù giá sản phẩm cao hơn.           

Hồng Lam

Chuyên mục khác