Ấn tượng Đền Wat Phou

06/01/2018 08:07

​Đến với đất nước Lào xinh đẹp, chúng ta không chỉ được thưởng thức điệu múa lăm vông, ngắm hoa chăm pa rực rỡ mà còn được tham quan di sản thế giới nổi tiếng-Đền Wat Phou.

Mới đây, tôi may mắn được đến với các tỉnh Nam Lào đúng dịp hai nước đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Năm đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt- Lào, Lào- Việt 2017. Và càng may mắn hơn, trong chuyến công tác này, tôi được đến thăm Đền Wat Phou - được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 2001.

Xuất phát từ thị xã Pắc Sế (tỉnh Chămpasak, Lào) chưa đầy một tiếng đi xe ô tô, với quãng đường hơn 40km chúng tôi đã đến được ngôi đền nổi tiếng này. Wat Phou (Vat Phu, hay còn gọi là chùa Núi), tọa lạc dưới chân núi Phu Cao, tỉnh Chămpasak. Tại đây còn nhiều dấu tích văn minh cổ với các lâu đài bằng sa thạch, các chùa. Theo lời giới thiệu, Wat Phou là đền thờ cổ xưa nhất ở Lào, được xây dựng khoảng thế kỷ thứ 5 và từng là trung tâm của đạo Hindu, thờ thần Shiva.

Du khách tham quan di sản Đền Wat Phou. Ảnh: P.N

 

Trước khi vào đền, ngay cổng một bảo tàng được trưng bày hơn 100 bức tượng đá, phù điêu, họa tiết trang trí chạm khắc trên đá đẹp tuyệt vời để giới thiệu cho các du khách trước khi vào tham quan ngôi đền. Những cổ vật này có niên đại từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 11.

Đi vào đền, trước đền là hai hồ nước lớn, nằm giữa hai hồ là con đường lát đá phía trước có tượng rắn thần chắn giữ. Hai bên đường là hai hàng trụ đá được tạc theo hình linga dẫn lối du khách vào. Ở đây có hai ngôi đền lớn nằm đối xứng xây bằng đá sa thạch nguyên khối nặng hàng tấn được lắp ráp một cách tinh xảo. Hai ngôi đền đều quay mặt về hướng đông để đón mặt trời mỗi sớm mai. Cổng trước và mặt chính của hai ngôi đền vẫn còn những bức phù điêu chạm khắc các vị thần linh của đạo Hindu với những họa tiết tinh tế, sắc sảo.

Nhìn kiến trúc ngôi đền, những tảng đá lớn được chạm trổ hoa văn cầu kỳ, tinh xảo. Đặc biệt, việc những khối đá lớn được đẽo, chạm khắc hoa văn, tượng Phật, thần linh rồi lắp ghép lại để tạo thành một quần thể kiến trúc hài hòa, vững chãi... Trong đoàn chúng tôi ai cũng trầm trồ thán phục sự sáng tạo và bàn tay khéo léo của người xưa để tạo dựng được một Wat Phou kỳ vĩ của hôm nay.

Qua cổng chính, hơn 100 trụ linga dẫn du khách thẳng đến lối lên đền thờ chính. Các công trình kiến trúc ở đây có cả đá lẫn gạch, được chạm trổ hoa văn tinh xảo. Muốn lên đền thờ chính, du khách phải đi bộ và leo hàng trăm bậc cấp được xếp từ đá. Hai bên đường vẫn là hai hàng trụ đá hình linga dẫn lối du khách lên đền. Theo hướng dẫn viên, không ở đâu hình tượng linga được nhắc đi nhắc lại nhiều như ở đây và người ta cho rằng đó là đặc trưng văn hóa của thời kỳ tiền Ăng Ko. Đường lên khá cao, được người xưa xếp bằng đá sa thạch chồng lên nhau với 77 cấp. Hai bên đường là hàng cây hoa Chăm pa cổ thụ có đến trăm năm tuổi xòe tán, tỏa bóng mát cho du khách nghỉ ngơi, tạo cảm giác thoải mái, yên bình.

Dù phải trải qua đoạn đường dài leo lên đền chính nhưng tôi lại không hề mệt mỏi mà ngược lại còn có cảm giác thật sự thư thái, dễ chịu. Tọa lạc trên một cánh rừng hoang vu, ngôi đền chính lưng tựa vào vách núi đá. Ngôi đền nằm ở vị trí trên cao nhìn bao quát. Phóng tầm mắt rộng từ ngôi đền chính chúng ta có thể thấy được vùng rộng lớn Chămpasak.

Điều đặc biệt, ngôi đền này không lớn nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn. Toàn bộ ngôi đền được làm bằng những khối đá sa thạch và cả bốn mặt đều được chạm khắc tinh xảo. Mặt trước đền có ba cửa, cửa chính lớn hơn ở giữa, hai cửa phụ hai bên được trang trí bằng những tượng đá và những mảng phù điêu với hoa văn tinh tế khắc chạm tượng thần Shiva, vũ nữ Apsara, và những linh vật của đạo Hindu. Ở chính điện có bức tượng Phật Thích Ca bằng đá lớn với các hương án hàng ngày nghi ngút khói hương của du khách thập phương và người dân đi lễ Phật, tham quan…

Sau đền, trên vách núi đá dựng đứng, hình chạm khắc các con vật voi, ngựa, cá sấu... như một sự gắn kết, gần gũi của các vị thần linh với đời sống của người dân nơi đây. Đặc biệt, đã hàng nghìn năm nay, trong vách núi sau ngôi đền, một khe nước trong lòng núi chảy ra mát lạnh. Theo người hướng dẫn, dòng nước này là nguồn nước sinh hoạt dùng cho các giáo sĩ, các nhà tu hành trông coi Wat Phou. Nguồn nước linh thiêng giúp cho các phật tử, du khách phương xa gột rửa bụi trần để tìm thấy sự thanh thản, an lành giữa chốn thiên nhiên u tịch nơi cửa Phật.

Tồn tại hơn nghìn năm lịch sử, những gì còn lại cho thấy Wat Phou là một quần thể kiến trúc tôn giáo quan trọng, là nơi lưu giữ các giá trị về lịch sử và văn hóa Lào. Wat Phou không chỉ là điểm đến hấp dẫn của du khách về vẻ đẹp kỳ vĩ độc đáo kiến trúc công trình mà còn hấp dẫn bởi yếu tố tâm linh thần bí của vùng đất thiêng gắn liền với khát vọng cuộc sống bình yên của con người.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác