Âm vang tiếng trống trong dàn cồng chiêng

29/09/2016 14:16

Không chỉ là hiệu lệnh trong sinh hoạt ở cộng đồng làng, tiếng trống còn có vị trí không thể thiếu trong dàn cồng chiêng của đồng bào DTTS Tây Nguyên. Tiếng trống khai hội, tiếng trống đệm âm, hay mở đầu cho những đoạn chuyển tiết tấu, làm cho những giai điệu cồng chiêng thêm hay, sinh động và cuốn hút...

Trong dàn hòa âm các nhạc cụ truyền thống, thường không thể thiếu trống đệm. Trống dẫn đầu đoàn cồng chiêng. Trống đánh nhịp chậm rãi, khoan thai hay dồn dập, tưng bừng tùy vào giai điệu chính của bài chiêng. Trống cùng hòa âm, điểm tô cho tiếng cồng chiêng thêm đa thanh, đa sắc.

Trống cùng hòa âm, điểm tô cho tiếng cồng chiêng thêm đa thanh, đa sắc. Ảnh: T.N

 

Mỗi dân tộc ở Bắc Tây Nguyên đều có một số loại trống và cách sử dụng trống trong dàn cồng chiêng, song phổ biến, dàn cồng chiêng chỉ cần một chiếc trống chính gõ bằng dùi, được treo, đặt cố định, hay được khiêng theo đoàn chiêng - xoang.

Tuy vậy, có nơi, trong những lễ hội lớn, cùng với trống đánh bằng dùi, dân làng còn sử dụng thêm một số loại trống nhỏ, vỗ bằng tay, làm cho dàn hòa âm thêm hay. Trống nhỏ được đeo vào người và đi theo vòng người biểu diễn cồng chiêng, xoang. Cũng như các loại nhạc cụ truyền thống khác, trống được chế tác bởi nghệ nhân trong cộng đồng làng.

 Già BRôl Vẻ, nghệ nhân lão luyện chế tác nhạc cụ dân tộc ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cho hay, người Triêng có hai loại trống. Trống lớn (Hagơr) để treo trong nhà rông, mang tính chất trưng bày, trang trí. Trống nhỏ (Ptai )được làm để sử dụng. Không độc tấu mà trống chỉ hỗ trợ cho dàn cồng chiêng.

Ngày trước, khi còn sống trong lòng núi rừng, da sơn dương là chất liệu lý tưởng nhất để làm mặt trống. Sau này, người ta chủ yếu dùng da bò, da trâu, hay da dê mà âm thanh cũng hay không kém, nhờ tài nghệ của người chế tác trống.

Tang trống được làm bằng gỗ rừng, loại gỗ từ cây cổ thụ nhiều năm tuổi, lõi chắc, độ bền cao, không mối mọt. Người Triêng thường dùng gỗ dổi hay loài thông tùng để làm tang trống. Thông tùng có ưu điểm là nhẹ, dẻo dai, nhưng dổi thì bền hơn.

Trống lớn, nhỏ tùy vào kích thước của khúc cây để làm tang trống, song âm thanh cao, thấp, có “hay” hay không lại phụ thuộc vào sự khéo léo trong quá trình đẽo tang trống. Trải qua thực tế “hành nghề”, nghệ nhân chế tác tích lũy được những kinh nghiệm cần thiết để tạo ra những chiếc trống khác nhau.

Ở nhà rông làng Kon Xà Lạt 1, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, có treo một chiếc trống, dài khoảng 70cm, mặt trống chừng 40cm. Mỗi khi làng có hội, biểu diễn cồng chiêng, trống được đưa ra để dùng.

Ông A KRúp 61 tuổi còn nhớ, cách đây hơn 30 năm, ông A Gơng và A Hon người làng đã làm nên chiếc trống này. Ngày ấy, ông A KRúp và một số trai trẻ chỉ đi theo để phụ việc.

Nguyên liệu để làm trống là một khúc cây sao già, để lâu, lõi chắc. Hai nghệ nhân lão luyện dùng loại rìu thật bén, lưỡi mỏng để đục tang trống theo chiều dọc của khúc cây. Ban đầu, đục từ từ cho rỗng ruột, sau mới gọt phần vỏ trống theo hình bầu dục.

Da bò được dùng làm mặt trống bằng cách: Lấy tấm da bò đã phơi khô cả tháng ra ngâm nước 1-2 ngày cho dẻo, rồi dùng đá căng ra. Khi miếng da bò căng ra đã khô và đạt đến độ phẳng như mong muốn, mới được gắn vào hai đầu của tang trống.

Trước kia, người thợ trống thường dùng gốc tre già hay dây mây kết hợp với nhựa cây để gắn mặt trống với phần thân trống, nhưng sau này, đã có thể thay thế bằng đinh lớn, dây thép và keo công nghiệp mà không ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh của trống.

Cũng như cồng chiêng, trống của làng được bảo quản ở nhà rông. Trống của các gia đình được họ gìn giữ để sử dụng trong sinh hoạt cộng đồng. Dàn cồng chiêng không có trống, như thiếu đi hồn chiêng. Hồn trống hồn chiêng hòa quyện mới làm nên những âm thanh độc đáo và không gian văn hóa linh thiêng, quyến rũ của núi rừng.

Thanh Như 

Chuyên mục khác