Ðám cưới ở làng

14/07/2024 06:03

Khi nắng chiều bắt đầu dịu lại, làng nhỏ bên sông Đăk Bla nhộn nhịp hẳn lên. Già trẻ, trai gái, ai nấy đều diện những bộ áo, váy đẹp nhất, được may từ những mảnh vải thổ cẩm dệt khéo, từng tốp từng tốp đi trên đường làng, rộn rã chuyện trò.

Hắn hòa vào một tốp người, toàn là thanh niên, con trai khoác áo thổ cẩm, con gái xúng xính trong bộ váy dài, khoe vai trần khỏe khoắn. Mọi người cười nói vui vẻ lắm.

Hắn hơi tò mò, nên níu một thanh niên lại hỏi rằng mọi người đi đâu mà vui thế? Đáp rằng: Đi mừng đám cưới, mừng cho A Hanh rước được cô dâu Y Thương ở làng bên. Mời anh đi cùng nhé.

À, hóa ra là đám cưới A Hanh và Y Thương. Hèn chi, hắn thấy trên tay mỗi người đều cầm theo quà, cũng đơn giản thôi, như ghè rượu, con gà, hộp bánh, nhưng mang nặng nghĩa tình.

Hắn  thấy vui lây, dặn mấy bạn trẻ chờ chút rồi chạy ra phố, mua   nước ngọt, rượu, bánh và một món quà kỷ niệm nho nhỏ, gói ghém thật đẹp để làm quà mừng.

Đã dự nhiều đám cưới ở làng, nhưng hắn vẫn vẹn nguyên sự háo hức, vẫn bị cuốn hút bởi không khí vui tươi, ấm áp nghĩa tình của đám cưới ở làng và những món quà trao tặng cô dâu, chú rể của khách mời.

Con gà, đĩa thức ăn là những phần quà cưới bà con dành tặng cô dâu chú rể trong ngày cưới. Ảnh: SC

 

Ở đây, bà con đi mừng đám cưới không nặng về vật chất mà quan trọng là ở tình cảm. Họ mang theo những món quà đơn giản, như ghè rượu, con gà, chục trứng hay chỉ là bịch bánh, chai nước ngọt để chúc mừng cho cô dâu chú rể được về chung một nhà.       

Nhìn đôi bạn trẻ đang đứng trước cổng đón khách mà trong lòng hắn khấp khởi niềm vui. Hắn nhớ lại một thời đám cưới ở quê hắn ngày trước cũng đơn giản mà nhiều niềm vui như vầy. Cô dâu chú rể trong trang phục truyền thống áo dài khăn đóng, nhà trai rước dâu trên những chiếc xe đạp đi trên con đường làng ngày nắng thì bụi mù, ngày mưa thì đầy sình lầy.

Bà con họ hàng đến mừng cưới, ngoài phong bao tiền, còn có những món quà tặng kỷ niệm là những vật dụng cần thiết, rất ý nghĩa đối với một gia đình mới, như bình thủy, mâm, chén.

Bây giờ đám cưới ở quê không còn thấy cảnh như vầy nên nhắc lại thấy có chút gì đó tiếc nhớ.

Trong mắt hắn, hôm nay cô dâu thật xinh, dù cô gái ấy không ra tiệm trang điểm, làm tóc như những cô dâu khác. Cô gái khoe với mọi người rằng “em được chị em trong làng tự trang điểm, làm tóc giúp cho đấy”. Chỉ chút phấn, chút son nhẹ nhàng và không có tay nghề kỹ thuật gì, nhưng làm toát lên được vẻ đẹp tự nhiên, vốn có trên gương mặt “rất nét” của cô dâu.

Đặc biệt là chiếc váy thổ cẩm của cô dâu nhìn sao mà yêu đến thế. Cô ấy bảo "tất cả đều do mẹ em dệt vải rồi đo, may". Trang phục của chú rể cũng khá đơn giản, chỉ khoác lên mình chiếc áo thổ cẩm, mà nghe đâu chiếc áo thổ cẩm ấy cũng là do mẹ cô dâu dệt vải rồi may cho.

Hắn nhìn đôi bạn trong vẻ đẹp mộc mạc, sánh bước cùng nhau để đi đón khách, mời khách ở khoảnh sân trong vườn nhà, đón nhận sự chúc phúc của bao người mà thầm nghĩ và so sánh với những đám cưới linh đình ở ngoài kia. Đám cưới vui đâu phải là ở chỗ tổ chức lớn hay nhỏ, nhà hàng sang trọng hay chốn thôn quê, mà là ở nghĩa tình.

Trước khi được ông mai, bà mối tuyên bố vào lễ chính thức, cô dâu, chú rể, với sự “hộ tống” của phù dâu, phù rể, ra đón tiếp khách, nhận những phần quà trao tặng và mời khách ngồi vào "bàn tiệc".

Mọi người cùng chung vui trong đám cưới ở làng. Ảnh: S.C

 

Hắn cũng được dẫn vào một gốc cây, nơi cột ghè rượu thơm nồng, xung quanh là những món ăn truyến thống được người nhà của cô dâu chú rể đặt sẵn. Hắn cùng mọi người ăn uống, và nồng nhiệt chúc mừng đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc dài lâu.

Món ăn truyền thống trong ngày cưới của bà con ở làng là những món ăn mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, gồm cháo đặc, gỏi lá chua, rồi cá suối, thịt nướng, cơm lam.

Khi cô dâu chú rể đi một vòng chào mời khách xong cũng là lúc âm nhạc nổi lên. Với bà con đồng bào DTTS ở các làng, ngày nay, cùng với việc nâng cao đời sống vật chất thì đời sống tinh thần của họ cũng khá phong phú. Họ rất yêu âm nhạc. Bởi vậy, đám cưới có thể thiếu nhiều thứ nhưng nhất định không thể thiếu âm nhạc.

Già làng A Phao bảo, ngày xưa, theo đúng phong tục, đám cưới của người Ba Na ở làng phải tổ chức trong mấy ngày. Trong mấy ngày ấy, nhà cô dâu chú rể lúc nào cũng tổ chức ăn uống linh đình, hát  hò vui nhộn. Bây giờ xây dựng đời sống mới, thời gian và quy mô tổ chức tiệc cưới đã được tinh giảm, vừa tiết kiệm thời gian vừa tiết kiệm tiền bạc.

Nghe già làng nói, hắn thấy vui cho đôi bạn trẻ. Vui vì may mắn là họ đã thoát được cái cảnh đám cưới linh đình kéo dài đến mấy ngày theo tập tục cũ để rồi sau đám cưới sẽ phải tính toán rất nhiều cho các khoản chi tiêu, thậm chí là nợ nần.

Càng mừng hơn vì dân làng đã thay đổi nếp nghĩ, xóa bỏ được hủ tục, từ đó xây dựng nếp sống mới.

Trong tiếng nhạc vui khuấy động không gian tĩnh lặng thường ngày ở làng, hắn xin phép về trước. Tản bộ trên con đường làng, men rượu cần vẫn làm hắn chuếnh choáng.

Nhưng có hề chi, khi hắn đã được dự một đám cưới thật vui ở làng!

SÔNG CÔN

Chuyên mục khác