23/07/2024 06:09
Càng lay động hơn, càng cảm động hơn khi tôi từng được đọc bài thơ, được biết về câu chuyện tình của vợ chồng nhà thơ – nhà văn, và được bao lần đặt chân đến những vùng đất, những địa danh từng một thời bom sôi đạn lửa, được dằn lòng nhẹ bước giữa những hàng mộ chí trong những nghĩa trang mịt mù mưa tháng Bảy.
Mỗi lần đứng trước những hàng mộ chí có tên hay chưa xác định được tên, đứng trước những vùng đất đã đi vào lịch sử, đứng trước những kỷ vật là chiếc mũ tai bèo dầu dãi nắng mưa, chiếc xe đạp thồ hàng đơn sơ, đôi dép cao su mòn vẹt tôi lại thầm đọc những câu thơ trong “Bài thơ về hạnh phúc”: “Thôi em nằm lại/Với đất lành Duy Xuyên/Trên mồ em có mùa xuân ở mãi/Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên/(…)/Em ra đi chẳng để lại gì/Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi/Và anh biết khi bất thần trúng đạn/Em đã ra đi với mắt cười thanh thản/Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai/Bởi biết mình có mặt ở tương lai…”.
|
Nhớ những lần đứng lặng im trước những phần mộ ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Đọc đôi dòng thông tin về các anh, về năm sinh, ngày mất, về quê hương xứ sở mà lòng thầm thổn thức. Xót xa biết bao và cũng kính quý biết bao khi để góp sức làm nên hạnh phúc chung của cả dân tộc, những chàng trai từ vùng đất Lạng Sơn, Sơn La, Thái Nguyên… đã vượt chặng đường hơn nghìn cây số trong mưa bom bão đạn, trong muôn vàn cách trở, gian nan và nằm lại trên mảnh đất Kon Tum.
Nhớ hai lần được đặt chân đến Thành cổ Quảng Trị. Thắp nén tâm nhang mà bao niềm trào dâng xúc động. Lần nào, trời cũng mưa. Mặc cho cơn mưa mịt mù giăng lối, tôi cùng dòng người vẫn lặng lẽ tiến về phía tượng đài. Nơi vùng đất lịch sử này, cỏ cây vẫn “xanh non tơ”, nhưng “nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ”, biết bao người xếp bút nghiên và mãi mãi nằm lại trên dải đất miền Trung gió Lào cát trắng này.
Nhớ lần đến Ngã ba Đồng Lộc - nơi 10 cô gái đang ở độ tuổi đôi mươi đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe. Trên từng phần mộ, những tên gọi thân thương hẳn còn ríu rít gọi nhau vào hầm trú ẩn là những cành hoa cúc màu trắng gợi nhớ, gợi thương.
Nhớ lần đến thăm Di tích lịch sử Quốc gia Đại đội thanh niên xung phong 915 ở Lưu Xá (Thái Nguyên), nơi 60 thanh niên xung phong hy sinh khi đang vận chuyển lương thực, hàng hóa quốc phòng được viện trợ mà ấn tượng làm sao hình ảnh chiếc xe đạp thồ hàng, là kỷ vật của liệt sĩ Lưu Xuân Thanh - Tiểu đội trưởng Đại đội 915 sử dụng ngay trước lúc hy sinh.
|
Lần nào cũng vậy, tôi đều chăm chú đọc những dòng thông tin ít ỏi trên mộ chí và xót xa làm sao khi nhẩm thầm phép trừ giữa năm mất - năm sinh. Các anh, các chị đang độ tuổi thanh xuân phơi phới, đang tràn đầy khát khao về hạnh phúc. Có anh chưa một lần cầm tay bạn gái. Có chị chưa một lần được nhận lá thư chuyền tay của bạn trai. Có người vĩnh viễn ra đi, thân xác hòa tan vào đất, khi chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi là chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông thu về một mối.
Lại nhớ đến câu thơ “Và em gọi đó là hạnh phúc”. Lại bùng lên những cảm xúc thật thiêng liêng, thật lớn lao, cảm xúc về tình đất nước, nghĩa đồng bào, về sự hy sinh âm thầm, lặng lẽ. Lại như được chầm chậm ngược dòng lịch sử, được xem những thước phim của những ngày đã xa. Về những vùng đất chi chít những hố bom, những vạt rừng nham nhở bởi chất độc hóa học. Về những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi trong đoàn quân điệp trùng ra trận, họ đi không chỉ bằng đôi chân mà còn bằng ý chí, bằng niềm tin và niềm hạnh phúc được cống hiến, được chiến đấu và chiến thắng.
Hạnh phúc của các anh, các chị luôn lung linh trong hạnh phúc chung của đất nước, của dân tộc, niềm hạnh phúc được sống, được cống hiến và được cả hy sinh. Người đi bộ đội, người thanh niên xung phong, người làm du kích… Ai nấy có nề hà gì đâu chuyện gian khó, chuyện sinh tử, chuyện đói no. Chỉ mong sao góp chút sức đánh đuổi giặc, góp sức hiện hữu một niềm hạnh phúc chung mang tên “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”.
Lớp người sinh ra sau chiến tranh như tôi, đôi khi nghe câu chuyện kể, đọc những vần thơ mà cứ ngỡ như huyền thoại. Cũng đúng thôi, ai không từng trải qua những năm tháng chiến tranh khó mà hình dung hết những đau thương, mất mát, sự gian khó, kiên cường và cả niềm hạnh phúc khi được tận hiến, được hy sinh để hòa chung trong niềm hạnh phúc độc lập, tự do của đất nước của những chàng trai, cô gái lứa tuổi đôi mươi ngày ấy
“Và em gọi đó là hạnh phúc”. Lan man trong mạch nguồn nghĩ suy, tôi cứ nghĩ mãi về câu thơ ấy. “Đó là hạnh phúc” - niềm hạnh phúc được tận hiến đã kéo dài, kéo dài mãi mãi, đã góp phần làm nên hạnh phúc cho biết bao người ở lại, cho bao thế hệ mai sau.
NGUYÊN PHÚC