Tờ lịch cuối cùng

30/12/2023 06:33

Những tờ lịch vơi dần. Mới ngày nào còn trịnh trọng treo bloc lịch mới dày cộp lên tường, mà nay chỉ còn lại tờ cuối cùng mỏng manh và đơn lẻ. Một năm mới lại đến.

Những ngày cuối năm, đừng ở yên trong nhà, hãy ra phố để tận hưởng gió Xuân, để dầm mình vào trong nắng, để nghe nhịp thở âm thầm của cỏ cây đang hé những mầm non bé xíu, xanh mướt

Chạy xe trên phố, nhìn xung quanh thấy ai cũng vội vàng. Những gương mặt lướt qua. Có quen thân, cũng có xa lạ. Có vui tươi, nhẹ nhõm, cũng có buồn bã, đăm chiêu.

Yêu những ngày cuối năm không biết bao nhiêu mà kể. Lúc này, tiết trời cứ sóng sánh như rượu cần ủ lâu, ngọt mà không nồng, đủ làm say lòng người, làm vui ánh mắt, làm lời nói, tiếng chào càng thêm duyên.

Và thấy nhựa sống trong người đang căng lên, như những mầm non của cây cối, không thể nằm im mãi dưới lớp vỏ thô ráp, xù xì kia, mà phải nứt ra, phải vươn lên những cái lá nhỏ tí ti để mà nhìn, mà vẫy chào.

Cuốn lịch dày cộp chỉ còn lại tờ cuối cùng, mỏng manh và đơn lẻ. Ảnh: TH

 

Khi ấy, không phải là thi sĩ, tự dưng cũng muốn làm thơ. Ngay cả cơn gió vờn trên đám hoa cánh bướm la đà bên tường rào cũng làm ta thấy có một cái gì gợi cảm. Một chiếc lá vàng rơi xuống, nhường chỗ cho mầm non mới nhú, cũng có thể để cho người đa tình suy nghĩ vẩn vơ.

Hay một cái quán cà phê bên đường thưa thớt khách, cô chủ đang nhóm lò than đun vội ấm nước, những đốm hoa lửa bung ra như pháo hoa trong làn khói mờ mờ như sương cũng có thể làm cho ta xúc động mà tưởng tượng ra sự ấm cúng của bữa cơm gia đình ngày cuối năm.

Bạn đến chơi nhà, tặng một bloc lịch năm 2024. Đo đo, ướm ướm để treo, lại không nỡ lòng  tháo bloc lịch năm cũ 2023 xuống, vì trên đó vẫn còn lại một tờ mỏng manh. 

Khẽ vuốt ve tờ lịch mỏng manh và đơn lẻ ấy mà nhớ về thời thơ dại, với những bloc lịch cũ kỹ, quê kiểng.

Thời ấy, ở quê tôi, một vùng nông thôn heo hút, nghèo nàn chưa có loại lịch cuốn (4, 6 hoặc 12 tờ) đẹp đẽ như bây giờ, chỉ có loại “lịch bản”, gồm một tấm bìa carton cứng in màu đỏ, với cành đào giản đơn, trên gắn bloc lịch dày.

Nếu là nhà khá giả thì có loại bloc to, in giấy láng nên khá đẹp và sang. Cũng vì sang nên  tết đến mà nhà nào mua, hoặc được biếu một bộ lịch to (gồm bản lịch và bloc lịch) thì quý lắm lắm, con nít tha hồ mà khoe khoang với đám bạn. Nhưng dù đẹp hay xấu, sang trọng hay quê kiểng thì chúng luôn được treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà.

Gia đình “bậc trung” thì mua bloc cỡ vừa. Còn nhà nghèo thì chỉ dám mua loại bloc tiểu, nhỏ cỡ bàn tay, giấy mỏng tang, có thể quấn thuốc hút dù khét mù. In ấn thì khỏi nỏi, lèm nhèm lắm, tôi nhớ ngày thứ Bảy in mực xanh, Chủ nhật in mực đỏ, các ngày thường in mực đen.

Và như phần lớn gia đình trong làng, nhà tôi chỉ dùng bloc lịch cỡ nhỏ vì nó rẻ. Không chỉ thế, để tiết kiệm, cuối năm, khi lịch năm cũ hết, bố sẽ giữ lại tấm bìa lịch bằng carton, chỉ mua bloc lịch mới về dán đè lên vết cũ. “Còn dùng được, mua chi tốn tiền”- mẹ nói.

Tất bật ngày cuối năm. Ảnh: TH

 

Cứ như vậy, năm này qua năm khác, hết bloc này đến bloc khác, đến khi tấm bìa lịch tróc hết lớp phủ màu đỏ bên ngoài, mép gãy hết, mẹ mới cho mua cái mới. Mấy chị em đùa “tấm bìa này có thể giữ làm của gia truyền được rồi”, mẹ cũng cười theo, nhưng mặt lại thoáng nét buồn.

Những bloc cũ và mới cứ thay nhau trên tấm bìa lịch bong tróc loang lổ ấy. Và mỗi khi những tờ lịch cuối cùng đang vơi dần, người lớn lại thảng thốt: Ít ngày nữa là tháng Chạp rồi, lụi hụi là tới Tết. Mau vậy. Mau quá ha. Rồi thở dài “đủ thứ phải lo”.

Thời gian này, bên cạnh những lo toan thường nhật, mọi người sẽ bàn nhiều đến chuyện tết nhất. Mà nhắc đến Tết thì chỉ có tụi con nít thấy vui, chứ người lớn thì mệt bởi bao nhiêu chuyện cần làm.

Dù gì thì cũng là Tết, phải sửa sang nhà cửa đi, để xập xệ vậy coi sao được. Rồi chuẩn bị chút gì đó để cúng gia tiên, đãi xóm giềng. Rồi cũng phải chắt bóp sắm đồ mới cho tụi nhỏ. Bao nhiêu chuyện đó thôi lo cũng đã bứt gân, tóc tai tơi bời rồi!

Vậy cho nên, tết của người lớn cứ thấy dài thăm thẳm!

Nhưng con nít lại chờ mong tết đến thật nhanh. Với chúng, những ngày cuối năm sao mà lề mề, sao mà rù rì quá. Chúng biết hết một bloc lịch nghĩa là hết năm, đồng nghĩa là... sắp tết. Vì vậy, chúng rất chăm chỉ… xé lịch. Đến mức mẹ phải than “đến ngày đến tháng tự nhiên tết đến, chi mà bay hóng ghê vậy”.

Càng đến những ngày cuối càng sốt ruột, đứa nào cũng muốn được xé lịch, nên xảy ra tình trạng… giành nhau, đứa nào nhanh chân thì xé được. Thành ra bố phải xếp phân cho mỗi đứa một ngày, cứ thế mà xoay vòng.

Thế rồi, đàn con lít nhít cũng lớn dần lên với khoai sắn. Tóc bố mẹ bạc thêm, sức yếu dần đi theo mỗi tờ lịch.

Cũng chẳng biết tự bao giờ, việc bóc những tờ lịch không còn nằm trong sự háo hức của đám con. Theo thời gian, chúng lớn khôn, học hành đàng hoàng rồi “bay” tứ tán, mải miết theo cuộc mưu sinh.

Cuối năm, con cái lại gửi về những cuốn lịch được trình bày, in ấn đẹp và sang. Nhưng bố mẹ vẫn giữ thói quen dùng lịch bloc, quen với việc bóc những tờ lịch vào mỗi sáng. Tất nhiên không còn là lịch bloc cỡ nhỏ như trước, mà thay bằng bloc lịch cỡ đại, in offset trên giấy tốt.

Sáng cuối năm này, khi mà bàn tay nhẹ nhàng cầm tờ lịch cuối cùng, cảm nhận sự rộn ràng giữa năm cũ và năm mới, có đứa con xa quê chợt nhớ lại tấm bìa lịch loang lổ năm xưa mà ngậm ngùi.

Và rồi, như đâu đây trong sâu thẳm tâm hồn bùng lên ước muốn nắm níu lại cái sự háo hức ngày xưa, khi được xé từng tờ lịch trong sự mong chờ tết đến.

Tất nhiên, dù tiếc nuối thời gian, muốn níu kéo lại đôi chút, thì cũng chỉ bằng cách “tờ lịch cuối cùng ta để lại đó/Ngày mai là Năm Mới/Cùng chúc cho nhau bình an/Bình an...! (Tờ lịch cuối cùng- Lê Viết Hòa).

Thành Hưng

Chuyên mục khác