20/11/2023 13:17
Nhà nghèo, lo được mấy miệng ăn bữa đói bữa no đã khó, lấy đâu lo chuyện học hành. Thầy cô dạy được chữ nào hay chữ nấy, cha mẹ cậu cũng biết đâu mà nhắc nhở. Ngày ngày tới lớp, là đã cố gắng lắm rồi. Nhiều lần đến tận nhà, lên tận rẫy tìm gặp mẹ cha xin cho cậu bé đến lớp, thầy biết rõ điều đó hơn ai hết. Nhìn đôi mắt tròn to ngân ngấn nước, miệng lí nhí trả lời khi thầy hỏi bài, thầy giáo trẻ thấy sao mà giống mình gần hai mươi năm trước thế.
Ngày ấy, thầy giáo trẻ cũng tầm tuổi như cậu bé. Bữa đói, bữa no, người gầy gò, đen nhẻm. Đến lớp, tiếng phổ thông nghe chưa rõ, ngồi học bài mà mắt cứ nhìn ra ngoài cánh rừng kia. Hết ngong ngóng chiều mẹ cha về mang theo trong chiếc gùi vài ba trái cây rừng chan chát, lại nghĩ đến quãng đường xa từ nhà đến trường mà bước nhân nhỏ bé lấm lem như chùn lại. Đi học được một, hai hôm, cậu bé lại ở nhà ba, bốn hôm. Chữ được, chữ mất, cậu muốn nghỉ học hẳn. Thầy giáo chủ nhiệm cậu năm đó mới từ dưới đồng bằng lên biết chuyện đã lội bộ theo con đường rừng đến tận nhà không biết bao nhiêu lần, hết khuyên nhủ lại chuyển sang dỗ dành cậu tới lớp.
Biết cậu học yếu, thầy cầm tay nắn nót từng chữ, giảng lui giảng tới từng bài toán. Hết giờ học, thầy còn cắt tóc, bấm móng tay, móng chân. Quần chẳng lành, áo không đủ ấm, thầy tìm bạn bè, người quen giúp cho cậu và bạn bè đi qua những ngày đông mưa lạnh.
Ủ ấm tình thương từ thầy, những cô cậu học trò nhỏ bé gầy gò như cậu trên đỉnh Ngọc Linh mây mù bao phủ dần yêu những con chữ, bài toán và yêu quý người thầy khi nào cũng tận tình dạy dỗ. Chuyện vui, chuyện buồn đều tìm gặp thầy.
|
Chẳng mấy chốc, cậu bé gầy gò từng muốn bỏ học ngày ấy đỗ đại học sư phạm tiểu học, đúng với ước nguyện lớn lên được làm thầy như thầy giáo chủ nhiệm năm nào. Ngày nhận giấy báo đỗ đại học, cậu mừng không kể xiết. Cả làng cậu chưa từng có ai đậu đại học. Cầm tờ giấy báo đậu đại học, cậu đọc to cho cả nhà cùng nghe mà chẳng ai tỏ ra vui hay buồn. Sau một hồi im lặng, cha cậu thở dài, rồi nói, thầy đã biết chưa.
Người thầy mà cha nhắc đến chính là người thầy chủ nhiệm cậu từ ngày học tiểu học. Cùng thầy chuyện trò thủ thỉ, bao nhiêu nỗi niềm lo toan, lo nhất là tiền đâu để về phố lớn theo học mấy năm đại học như vơi đi. Cậu đâu biết rằng, thầy kể câu chuyện của cậu, câu chuyện của một học trò nghèo nơi ngôi làng xa xôi hẻo lánh lần đầu có người đỗ đại học đăng lên mạng xã hội đã nhận được sự cảm thông, chia sẻ của nhiều người hảo tâm.
Chuẩn bị đi nhập học, thầy chở cậu trên chiếc xe máy cọc cạch vượt qua bao đèo dốc giữa cơn mưa rừng ra tận phố huyện mua cho cậu một bộ quần áo mới. Thầy nói nhỏ nhẹ, cho cậu bằng bạn bằng bè. Gương mặt cậu sáng bừng niềm vui nhưng trong lòng như bao sóng xô gợn về, cậu khăng khăng sẽ mặc bộ áo quần thật cẩn thận để giữ hoài những kỷ niệm về thầy.
Sóng đời xô đẩy bao chật vật, bao lo toan cơm áo nhọc nhằn, nhưng cậu biết mình không bao giờ đơn độc. Vẹn nguyên trong ký ức vẫn là gương mặt hiền lành luôn nở nụ cười thật tươi của thầy. Thầy luôn đồng hành, chia sẻ cùng cậu những khoảng lặng tâm thức mệt mỏi, từ ngày cậu học tiểu học cho đến lúc cậu lớn lên, lúc cậu ở gần bên hay cả lúc ở xa. Lúc nào thầy cũng lựa lời khuyên nhủ để trên đường đời cậu đi bớt những khúc khuỷu, gian nan. Thầy nhắc, trong cái dở có cái hay, từng có những sợ hãi, từng có những khó khăn, nhưng gian khó cũng là cơ hội tôi rèn nghị lực để có những vững vàng cho nụ cười luôn hiện hữu.
4 năm đại học ngược xuôi, hết giờ học lại chuyển sang sấp ngửa chạy bàn bưng bê cũng trôi qua. Cậu bé gầy gò đen nhẻm, mắt luôn ngân ngấn nước từng muốn bỏ học ngày nào hoàn thành ước nguyện trở thành thầy giáo, may mắn trở thành đồng nghiệp với người thầy chủ nhiệm xưa ở ngôi trường mây mù heo hút gió.
Ơn nghĩa với thầy giáo chủ nhiệm xưa – đồng nghiệp nay chẳng thể nào đong đếm hết. Chỉ biết lắng nghe trái tim mách bảo, thầy giáo trẻ tự dặn lòng mình tiếp bước thầy, chăm chút cho mối dây tình nghĩa thầy trò, chăm chút cho cậu bé đang nép bên góc tường kia và cho bao cô cậu học sinh khác nữa nơi vùng khó này hiểu rằng đường còn xa nhưng sau mỗi ngày luôn là nắng mới.
NGUYÊN PHÚC