Thân thương giọng quê

22/05/2024 06:03

Mỗi khi lắng lòng sau bao tất bật mưu sinh là hắn lại nhớ làng, nhớ nhà, nhớ cái giọng nằng nặng rặt quê. Với hắn, cái cảm giác nhớ làng, nhớ nhà, nhớ giọng quê thường là vào những ngày hè. Khi cái nắng nóng nơi quê hương thứ hai khiến hắn liên tưởng đến cái oi bức của gió Lào trên miền cát trắng quê nhà, khi đám con trẻ sau bao tháng ngày vất vả học hành được thoải mái nô đùa, í ới gọi nhau, cười đùa vang vọng cả không gian là hắn nhớ đến giọng quê nằng nặng chở bao đầy vơi thương nhớ.

Cũng những ngày đầu hè này của mấy chục năm trước, hắn như đám con trẻ đang nô đùa trước ngõ kia, nhỏ chút, đen thui, tóc tai rối bời, quần ống thấp ống cao, lau nhau cùng đám bạn rúc rỉa khắp xó xỉnh làng quê trong những ngày hè nắng nóng đến như thiêu như đốt. Và chao ôi, cái giọng quê của hắn khi ấy đã nặng lại càng thăng hoa thêm nặng, cũng lên bổng xuống trầm trong đủ trò chơi con trẻ, hết chí chóe tranh giành nhau cướp cờ, chơi trốn tìm, lại đến hùng hồn bày tỏ quan điểm khi bày biện món ăn chơi đồ hàng.

Lớn lên, hắn vẫn mang theo cái giọng quê nằng nặng, đầy ắp những “mô”, “tê”, “răng”, “rứa” từ những trò chơi con trẻ ấy đi xa. Nơi vùng đất mới, cái giọng của hắn rất lạ, rất khó nghe. Biết là vậy nhưng dẫu xa quê đã hơn hai mươi năm rồi hắn vẫn giữ giọng quê. Phần vì cái giọng quê nằng nặng ấy đã thấm vào từng tế bào máu thịt của hắn khi mới cất tiếng khóc chào đời nơi làng quê nghèo khó, muốn đổi, muốn thay, dễ gì mà đổi, mà thay được. Phần vì như một cách hắn muốn được mãi là mình, hắn cần được nghe giọng mình, dẫu chẳng hay, dẫu chẳng dễ nghe nhưng mà luôn hằn sâu trong kí ức, nhắc nhở hắn về cội nguồn thương nhớ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Đôi lúc hắn tự hỏi, sao giọng quê mình vừa nằng nặng thổ âm, vừa chênh vênh hỏi ngã. Có lẽ vì đời cha truyền, đời con nối, giọng quê nằng nặng mang đậm hồn cốt quê hương cứ quấn quýt với người quê hắn ngay từ khi cất tiếng khóc oe oe chào đời. Hay vì cái vùng đất nắng mưa lam lũ, đã mưa, mưa thối đất, đã nắng, nắng đỏ trời đã gánh theo bao nỗi nhớ, niềm thương, đã chở bao giọt mồ hôi nhọc nhằn gian khó mà thành, mà da diết.

Mỗi lần về quê, thể nào hắn cũng theo mẹ ra chợ. Tiếng chào hỏi, tiếng mời mua hàng lảnh lót, hắn lắng tai nghe như để cảm nhận rõ hơn giọng quê thân thương, giọng quê chất phác, tha thiết, giọng quê chất chứa bao nhọc nhằn mưu sinh, gồng gánh phía sau cả một gia đình khiến hắn vô cùng yêu thương và trân quý.

Giọng quê hắn đã nặng, đã khó nghe, lại lắm phương ngữ. Chỉ cất tiếng lên, dẫu giữa phố xá đông người, là như chỉ dấu quê hương nơi đó. Người lạ không có “phiên dịch” lắm khi chỉ biết cười trừ. Vậy mà giữa muôn vàn giọng nói đủ vùng miền, đôi khi hắn thèm được nghe câu nói mang âm sắc thổ ngữ, lại rặt những phương ngữ quê nhà. Không phải chỉ để nghe, để hiểu, mà cái “mô”, “tê”, “răng”, “rứa” mộc mạc thốt lên như đưa hắn trở về với quê nhà, trở về với điểm tựa cân bằng trong những lúc tâm hồn cần sự tĩnh suy, trở về những ngày xa xưa đầy ắp yêu thương, nhung nhớ.

Khi ấy, hắn lại thấy mình như được bước đi trên con đường cái quan chạy qua trước nhà với những chuyến xe từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc chở theo bao người cất lên bao nhiêu giọng nói khác với giọng nói người quê hắn, lại mang theo bao món ăn, bao nhiêu loại trái, bao nhiêu món đồ là lạ khiến lũ trẻ như hắn sao mà giống “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam ngóng chờ những điều mới mẻ từ những chuyến tàu. Lại nhớ những chiều muộn, hắn cùng đám trẻ trứng gà, trứng vịt trong xóm gánh những gánh lá phi lao vượt qua bao đồi cát trắng nhấp nhô, chỉ mong sao sớm đến đồi cát gần làng để thả phịch đôi gánh trĩu nặng, thư thả ngồi nhìn về làng, nhìn về những vệt khói  theo những kẽ hở thành từng sợi nhỏ nhẹ tỏa, vấn vương trên từng chái bếp trước khi hòa tan vào không gian mênh mông. Nhớ mùi ruộng vườn, mùi hanh hao của gió Lào cát trắng, mùi cơm gạo mới, mùi cá kho, mùi khoai nướng  theo những cơn gió đưa hương. Nhớ những câu hát ru bên vành nôi xưa của mẹ, vẫn nằng nặng giọng quê sao mà da diết, mà mênh mang, như lời nhắc nhở hắn vẳng lại từ miền ký ức xa thẳm. Nhớ những buồi chiều, cha hắn cả đời mê cây hoa, cây cảnh, loay hoay tỉa tót cành, ngắt mấy lá sâu, úa vàng cho cây tường vi, còn mẹ hắn ngồi bên bếp lửa, vừa nhanh tay đảo đảo, xới xới vừa cất tiếng gọi đàn con mải chơi về chuẩn bị bữa cơm chiều.

Chiều nay, hắn lại nhớ làng, nhớ nhà và nhớ cái giọng quê rặt những “mô”, “tê”, “răng”, “rứa”. Mới nghĩ đến thôi mà hắn như được trở về miền ký ức xa thẳm. Lại được nghe giọng quê nằng nặng như hiệu lệnh thúc giục của mẹ hắn mỗi chiều và lòng hắn vui như tết, khấp khởi bước thật nhanh để sớm trở về nhà.

NGUYÊN PHÚC

Chuyên mục khác