14/11/2023 06:02
Ở quê tôi, ngày mùa, dường như ai cũng thức dậy thật sớm. Mới sáng tinh mơ, khi đường làng còn đen thẫm bởi màn đêm và những tàng cây, hơi sương còn lành lạnh, đã nghe tiếng nói cười, hỏi han nhau rôm rả của ông, bà, cô, bác hàng xóm.
Ai ai cũng tranh thủ ra đồng sớm để chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Đàn ông tranh thủ khiêng máy tuốt lúa ra những ruộng lúa chuẩn bị gặt. Phụ nữ thì chuẩn bị liềm, tấm bạt, nong, nia, rổ xảo, bao bì đựng lúa.
|
Ngày ấy, gặt lúa phải dùng sức người, với dụng cụ duy nhất là liềm (để cắt), và chủ yếu là công việc của phụ nữ. Còn đàn ông thì khuân vác, tuốt lúa bằng máy tuốt, cũng quay bằng sức người, chứ chẳng có máy móc gì hiện đại. Những bó lúa vừa mới cắt xong sẽ được tuốt lấy hạt thóc, rồi được các bà, các chị cảo ra tấm bạt lớn, dùng rổ xảo để lọc bỏ bớt phần rơm, trước khi mang đi rê cho sạch.
Những người được phân công nhiệm vụ bếp núc thì tranh thủ đi chợ sớm để mua đồ ăn về chuẩn bị bữa sáng, rồi ăn nửa buổi, bữa ăn trưa cho những người đến phụ giúp gia đình mình gặt lúa.
Bọn con nít chúng tôi đi học một buổi, buổi còn lại cũng lăng xăng phụ giúp gia đình những công việc vừa sức như dọn dẹp nhà cửa, mang nước uống, mang bữa ăn nửa buổi ra đồng cho mọi người.
Tôi thích nhất là được phụ mang ra đồng bữa ăn nửa buổi cho mọi người. Bữa ăn được chuẩn bị đơn giản thôi, thường là các món ăn do nhà tự làm hoặc mua sẵn ngoài chợ như bánh ướt, bánh hỏi, bánh mì, có khi là bánh ổ, bánh đúc, bánh gói, để “tiếp sức” cho người lao động có thêm năng lượng làm việc năng suất và hiệu quả hơn. Ngồi bên bờ ruộng mát lành, mùi thơm của lúa lấn át cả mùi của bùn đất, mọi người vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ. Con nít chúng tôi cũng được người lớn chia cho những phần ăn nửa buổi cảm giác ngon làm sao.
|
Ngày mùa, con nít chúng tôi tha hồ được mò cua bắt cá ở những chân ruộng có nước. Ở những ruộng lúa vừa cắt xong, bờ ruộng ló ra những hang cua với những ụ đất đùn, đám con nít mừng rơn, thò tay vào kéo ra những con cua béo. Ngày ấy, cua đồng nhiều lắm. Mỗi đám ruộng, nếu chịu khó lội giáp vòng chắc cũng bắt được cả thau to. Cua mang về được rửa sạch, giã nhuyễn, lọc lấy nước rồi cho thêm ít gia vị và lá gừng vào nấu chín, chan với cơm ăn thì ngon không gì sánh bằng.
Ngày mùa, con nít tha hồ lăn lê, đùa nghịch trên những cánh đồng trơ gốc rạ với những trò chơi hay chạy nhảy, trốn tìm bên những ụ rơm trên đường làng mà chẳng bị người lớn rầy la.
Khi những đám ruộng vừa gặt xong, thì từng đàn vịt chạy đồng cũng ào tới “chiếm lĩnh trận địa”. Chúng phủ kín đám ruộng mải miết tìm kiếm những hạt lúa còn sót lại. Thỉnh thoảng, cả đàn lại nháo nhác lên vì tranh nhau rượt đuổi những con cua, con nhái. Sau một hồi lội bùn dưới ruộng nước, đàn vịt cũng no nê, nằm trên bờ rỉa lông cánh kêu cạc cạc. Mùa gặt cũng là thời điểm vịt chạy đồng cho những quả trứng thơm ngon nhất.
Ngày mùa, thích được ăn những bữa cơm gạo lúa mới. Từng hạt gạo trắng ngần, dẻo thơm làm sao. Sáng sáng, má nấu bữa cơm gạo mới làm thơm nức cả gian bếp. Cơm gạo mới chỉ cần chan chút mắm kho quẹt hay cá khô thôi là đưa cơm vô cùng.
Mùa gặt ở Tây Nguyên cũng rộn ràng như ở quê. Mỗi buổi sớm mai, bà con nông dân cũng thức dậy thật sớm để chuẩn bị bầu nước, nấu cơm mang lên rẫy, ra đồng. Trên những sườn đồi, ruộng bậc thang, vì không thể sử dụng máy gặt đập liên hợp nên bà con thu hoạch lúa bằng cách gặt tay, đập lúa hay dùng máy tuốt lúa theo lối truyền thống. Còn với những cánh đồng lúa rộng lớn, có địa hình bằng phẳng, máy gặt đập liên hợp đã vào tận nơi hỗ trợ các khâu. Tuy có khác nhau trong cách làm lúa ở mỗi vùng, nhưng với những đứa trẻ ở vùng nông thôn thì dường như thời nào cũng giống nhau, đều rất háo hức khi ngày mùa đến, có lẽ bởi chúng được thỏa thích vui đùa trên cánh đồng trơ gốc rạ với những trò bắt cua, bắt ốc mà chẳng bị ai la rầy.
Ngày mùa ở Tây Nguyên càng vui hơn bởi còn gắn với các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS như lễ hội ăn cơm mới, lễ “làm nhà” cho lúa, rước lúa vào kho.
Là con nhà nông, nên bức tranh làng quê ngày mùa luôn in đậm trong tôi. Rộn ràng, vui tươi và tuyệt đẹp.
Sông Côn