11/03/2024 06:07
Xung quanh chị, thỉnh thoảng lại có những nhóm chị em xúng xính áo dài xanh đỏ, thướt tha “thả dáng” chụp ảnh trong ngày mà mọi người dành sự yêu thương và những chúc phúc cho “một nửa của thế giới”.
Tôi không quen biết người phụ nữ ấy, mà chỉ tình cờ gặp trên đường trong một ngày nắng tháng Ba chói chang. Hôm ấy, tôi xúng xính trong bộ áo dài để đi chụp ảnh cùng mọi người. Và chị, với đôi quang gánh nặng trĩu trên vai chậm rãi bước qua chúng tôi, để lại tiếng rao đầy mệt mỏi.
Hẳn là với chị, nắng tháng Ba không sánh như mật, không tươi tắn, rực rỡ, mà nóng nực, khô khát vô cùng.
Lâu lắm rồi tôi mới nhìn thấy lại hình ảnh đôi quang gánh, nhưng không phải ở quê mà ở phố. Giữa tấp nập ngược xuôi dòng người và xe cộ qua lại, hình ảnh chị với đôi quang gánh làm tôi suy nghĩ mãi.
Một chút nhớ, một chút thương cứ vấn vít, cứ giăng mắc trong lòng. Giống như tơ nhện, nửa muốn quét đi nửa muốn giữ lại.
|
Khi tôi còn nhỏ, những đôi quang gánh là hình ảnh quen thuộc mà tôi thấy mỗi ngày trên đường làng. Nó luôn gắn với đôi vai gầy của các bà, các má, các chị thức khuya dậy sớm tảo tần.
Sáng sớm, những đôi quang gánh ấy đã kẽo kẹt trên vai mang hàng ra chợ bán. Ngày mùa, cũng những đôi quang gánh ấy lại nặng trĩu trên vai chuyển nào lúa, nào khoai từ ruộng về nhà.
Bà tôi, má tôi, cũng vì bao ngày tháng oằn nặng đôi quang gánh mà còng cả lưng.
Ở làng tôi có thím Ba chuyên bán tàu hủ. Cứ chiều chiều đã thấy thím gánh đôi gánh tàu hủ có mặt bên bóng cây cổ thụ ở ngã ba đường dẫn vào làng. Gánh tàu hủ nho nhỏ ấy lúc nào cũng có khách ghé đến. Bà con trong xóm ra ăn một chén tàu hủ rồi sẵn tiện ngồi hóng mát chuyện trò cùng nhau.
Một đầu gánh tàu hủ của thím Ba có chiếc tủ gỗ nho nhỏ, xinh xinh đựng nào chén, nào muỗng; lỉnh kỉnh hũ to hũ nhỏ đựng nước cốt dừa, nước đường; chậu nước để tay, rửa chén muỗng. Đầu gánh bên kia là chiếc khạp sành sẫm màu, bên ngoài được bao bọc rất kỹ bằng rơm, bọc ni lông để ủ ấm, giữ nhiệt.
Có khách ghé đến ăn tàu hủ, thím Ba lại mở nắp khạp sành ra để múc vào chén cho khách. Mùi thơm của tàu hủ tỏa ra từ chiếc khạp sành hòa với mùi thơm của nước cốt dừa, nước đường nấu với gừng cứ lan tỏa trong cái nắng tháng Ba làm dịu cả một khoảng trời.
Bây giờ thím Ba lớn tuổi, gánh tàu hủ ấy không còn. Lâu lâu về quê, trong các câu chuyện kể và trong ký ức của nhiều người, hình ảnh thím Ba với quang gánh tàu hủ luôn được nhắc đến.
|
Gánh tàu hủ của người phụ nữ tôi gặp trên đường kia cũng giống gánh tàu hủ của thím Ba. Nhưng trông chị tất tả hơn. Để bán được hàng chị phải rảo bước trên phố, rồi lâu lâu lại cất tiếng rao: “Ai tàu hủ không?”, để thực khách còn biết đến có sự hiện diện của chị.
- Chị ơi bán cho em một bịch tàu hủ mang về? Tôi dừng xe gọi chị.
Người phụ nữ đang đi bỗng “thắng gấp”. Khuôn mặt chị cháy nắng, lấm tấm mồ hôi nhưng vẫn tươi cười, vui vẻ: Em lấy đầy đủ hay sao?
- Dạ, chị cho em tàu hủ, không cốt dừa và ít đường thôi nhé!
Người phụ nữ nhanh tay mở chiếc khạp sành ra, mùi thơm của tàu hủ bốc lên trong cái nắng tháng Ba làm dịu cả một khoảng trời.
Chợt thấy da diết nhớ đôi quang gánh tàu hủ của thím Ba nơi quê nhà một thuở.
- Của em hết năm ngàn đồng nhé! Chị đưa bịch tàu hủ đã cột gọn gàng cho tôi vẫn giữ nụ cười hiền lành, chân quê.
- Ngày Quốc tế phụ nữ mà chị không nghỉ à? Tôi hỏi.
- Buôn bán mà em, làm gì có ngày ấy.
Câu trả lời của chị khiến lòng tôi se sắt. Bắt chuyện một hồi, tôi được biết chị cùng quê với tôi. Vì cuộc mưu sinh nên chị lặn lội lên đây lập nghiệp. Chị nói, thời buổi này chẳng ai muốn gánh tàu hủ đi bán cho nhọc tấm thân, nhưng vì hoàn cảnh nên phải luôn cố gắng, nhiều đêm về đến nhà đau nhức khắp người.
Trong cuộc mưu sinh mỗi người một hoàn cảnh. Nhưng điều đáng quý ở chị là luôn biết nỗ lực vươn lên. Dù nắng, dù mệt, chị vẫn không chùn bước, với đôi quang gánh trên vai, chị rảo bước khắp các con phố cùng tiếng rao.
Thay vì chúc chị có một ngày lễ nhiều niềm vui, tôi chúc chị hôm nay bán thật đắt hàng.
Tháng Ba, nắng trải rộng trên đường. Bóng chị với đôi quang gánh hòa cùng bóng nắng xa dần theo tiếng rao.
SÔNG CÔN