03/11/2024 13:00
Đây cũng không phải là lần đầu tiên tôi than vãn với Hai Triều về cái nỗi chồn chân, bứt rứt vì cả ngày ngồi lì một chỗ trong căn phòng rộng chưa tới chục mét vuông.
Và lần nào cũng vậy, Hai Triều “dụ dỗ”: Nếu ông mệt nhoài, rã rượi với công danh, với việc kiếm tiền rồi (cười lớn), thì lên với tôi, sống nơi núi rừng, sông hồ, cuốc đất, kéo lưới ít ngày, sẽ thấy cuộc sống ý nghĩa ngay.
Công danh thì không có, kiếm tiền thì rõ rồi- tôi nhấm nhẳng. Hai Triều cười khùng khục: Lên đây, bảo đảm mọi ý nghĩ cong queo trong đầu cũng trở nên thẳng băng ngay.
Không nghĩ đến thì thôi, nghĩ đến lại thấy nhớ về nơi chốn bình yên ấy. Chỉ đến lần đầu tiên, tôi đã thấy mê cái làng chài nhỏ lênh đênh giữa lòng hồ mênh mông dợn dợn sóng nước. Mê những gian nhà bè “đậu” trên lồng bè ghép bằng những phao nổi bằng thùng phuy, mặt lát tre, luồng, không bao khép cửa nên luôn ngập tràn gió.
|
Thậm chí mê cả mùi gió hơi nồng, mang theo vị của nước hồ, của bùn đất và của những giàn lưới đang phơi trên giá hay mùi béo ngậy của cá nướng khi chiều về.
Những ngày ở đây, chiều đi giăng lưới, gần sáng thu lưới, thích thì cho cá ăn, phơi khô cá, tối làm mấy li rượu rồi lăn ra ngủ, tôi thấy tâm hồn trở nên thanh thản, mọi suy nghĩ đơn giản, thẳng băng, bớt vẩn vơ về những thứ phiền não. Đúng là đầu óc sáng ra, lành mạnh ngay.
Tôi càng mê con người nơi đây. Họ xù xì, thô ráp, nhưng phóng khoáng, hiền lành như cây rừng, chân thật đến bày cả gan ruột.
Và cuộc sống của họ nữa. Đơn giản, hiền hòa, không bon chen, gắn bó với nhau núi rừng, sông suối. Khi ông mặt trời còn chưa thức giấc, bếp đã đỏ lửa. Phụ nữ sửa soạn bữa sáng, sau đó đàn ông đi gỡ lưới, phụ nữ ở nhà làm khô, vá lưới, đi chợ bán cá.
Tình nghĩa nơi đây không màu mè, không lấy lòng, mà tự nhiên, đậm đà. Nó là sợi dây neo giữ họ lại, là động lực để họ vượt qua và chiến thắng gian nan, thử thách.
|
Tôi mê nhất là Hai Triều- một ngư dân miền Tây chính hiệu, cởi mở, rộng rãi, hào sảng và mến khách vô cùng.
Kể ra thì giữa tôi với Hai Triều cũng có duyên tri ngộ. Vào năm 2013, trong một chuyến công tác lên vùng biên giới Nam Sa Thầy, tôi được một người bạn dẫn đi thăm làng chài sinh sống giữa lòng hồ thủy điện Sê San 4 mịt mờ mây nước.
Tại đây, tôi gặp Hai Triều mới đi lưới về, người ướt rượt sương đêm, nước da đen cháy, nụ cười cởi mở, ánh mắt thân thiện.
Hôm ấy, Hai Triều đã trải lòng về những chuyến đi tìm kiếm vùng đất có thể nuôi sống mình và gia đình.
Đời ngư phủ, cuộc sống gắn liền với sông hồ, vui buồn theo nước lớn, nước ròng, Hai Triều không nhớ được mình đã rong xuồng, đã lặn ngụp ở bao nhiêu sông, bao nhiêu hồ, hết ở quê nhà An Giang, Đồng Tháp, đến Tây Ninh, thậm chí cả Campuchia, rồi lại ngược lên Đăk Lăk, Gia Lai, và cuối cùng là cắm sào ở lòng hồ thủy điện Sê San 4 này.
Bây giờ thì khỏe rồi. Chú xem, cuộc sống ổn định, có nhà trên bờ, có nhà dưới hồ, tivi, xe máy đủ cả, vợ con không phải lo lắng chuyện no đói nữa, đời này vậy là an lòng rồi- Hai Triều xoa tay nói.
Chị vợ bĩu môi: Coi, mới hơn 40 tuổi mà nói như ông già. Hơn 40 là bao nhiêu- tôi tò mò hỏi. 43- cô vợ trả lời. Vậy là cùng tuổi rồi, uổng cho tôi hồi giờ cứ anh Hai Triều kêu miết- tôi đùa.
Hai Triều cười khùng khục, thò bàn tay đen nhẻm, cứng như kìm sắt ra nắm lấy tay tôi bóp bóp, nhẹ hều mà tay tôi như muốn gãy. Rồi chất phác nói: Ờ, cùng tuổi, làm bạn thôi.
Kể từ hôm ấy, tôi kết Hai Triều. Mỗi chuyến công tác lên huyện mới, tôi luôn cố sắp xếp thời gian vào làng chài để thăm. Rồi cùng cư dân làng chài nhậu sương sương với lẩu mắm, khô cá và nghe ca “Bông ô môi” đầy nhung nhớ quê hương.
Bây giờ không chỉ đánh bắt, nuôi cá lồng, Hai Triều còn làm… du lịch. Cái tính ít nói, nhưng nói câu nào chắc như gạch câu đó lại thành có duyên, nhiều khách cứ thích mê.
Và đặc biệt, họ thích cái tính hào sảng, chân thật như bày cả gan ruột ra của Hai Triều. Nên điện thoại của Hai Triều réo liên tục. Khách đoàn có, khách lẻ có, đều được tiếp đón với sự nồng hậu, chân thành pha lẫn nét phóng khoáng, hào sảng của dân sông nước miền Tây.
Họa hoằn lắm tôi mới ghé thăm, nhưng mỗi lần đến là một lần Hai Triều cuống quýt cả lên. Thôi thì đủ loại món ăn, chế biến đủ kiểu, ngon lạ ngon lùng. Giống như Hai Triều muốn bắt hết những gì có ở hồ lên để bỏ… vào nồi nấu lên đãi khách.
Cái cách Hai Triều chuẩn bị đón khách làm cho tôi có suy nghĩ rằng Hai Triều sợ mình thiếu nợ khách, sợ khách không vừa lòng, không ấn tượng mạnh, không thương nhớ dài lâu, và sẽ “một đi không trở lại” làng chài nhỏ bé.
Nhưng tôi nói với Hai Triều rồi. Tôi mến là mến làng chài, nơi tôi có thể ngả lưng trên mảnh chiếu trải dưới nhà bè, giữa sóng nước lao xao, thoảng vị tanh nồng của cá, tôm mà ngủ ngon lành.
Nơi tôi không còn phải suốt ngày vò đầu bứt tai tìm ý tưởng, đang đêm vùng dậy ngồi lẩm bẩm như ma ám; rũ hết bụi đường khi cười nói ồn ào trong tiếng sóng vỗ.
Tôi quý là quý những con người mang tính cách đặc Tây Nam Bộ, ăn ngay nói thật nhưng lại rất ngọt, làm choáng váng, ngất ngây khách lạ. Tôi đã trở nên thân thuộc mà còn thấy thích, thấy mê nữa mà.
Bởi vậy, sáng nay nghe Hai Triều dụ “vậy thì sao lại không lên chỗ tôi chơi” là tôi thấy nhấp nhổm muốn về ngay nơi chốn bình yên ấy rồi.
Về để được tưng tửng say, ngả lưng xuống sàn nhà mà ngủ, sau khi làm hết xị đế với cá lóc nướng cùng bạn làng chài.
Về để được nghe Hai Triều ca đôi câu vọng cổ “Bông ô môi… Gió cuốn rụng đầy trên sông. Nhìn mây trời mênh mông. Kẻ ly hương nay đã quay về. Sao trong dạ não nề” cho vơi bớt nỗi nhớ quê da diết.
Và về để thấy lòng mình cởi mở, rộng rãi, hào sảng hơn.
THÀNH HƯNG