13/02/2024 07:29
Xe chui qua một vạt rừng rậm rạp, vượt qua một con dốc lọt vào một vùng đất bằng phẳng, tít tắp cao su. Mặt trời hắt những tia nắng cuối cùng lên vạt rừng cao su khiến ngọn cây sáng bừng lên một màu vàng rực, chạy hút tầm mắt.
Anh bạn đi cùng hắn ngẩn ngơ ngắm, rồi hét toáng lên: Lạ quá đi! Cái gì lạ? Hắn hỏi. Cao su. Ở nơi biên giới núi rừng trùng điệp này mà lại bạt ngàn thì thật lạ. Nếu không phải xung quanh vẫn xanh thẫm núi, bạt ngàn rừng thì cứ ngỡ đang dạo bước trong đồn điền cao su miệt Bình Phước, Bình Dương.
Rừng cao su đang vào mùa thay lá. Trên mặt đất đã trải một lớp lá khô, còn trên cây thì lá vàng, lá đỏ chen lẫn lá xanh. Thời gian này, người ta sẽ ngưng thu hoạch mủ, vệ sinh vườn.
|
Không còn vết cứa mới trên thân, hàng cao su đứng im lìm tích tụ sức sống cho mùa sau, chiếc chén nằm úp bên những dòng mủ lâu ngày, chuyển sang màu nâu.
Kỳ lạ, khi nhìn những vườn cao su vươn cành khẳng khiu trụi lá, hắn lại cảm nhận rất rõ sức sống mới đang vươn lên trên vùng biên giới đầy nắng và gió này.
Ấy cũng là bởi mùa cao su thay lá mang theo một thông điệp khác: báo hiệu Tết đến Xuân về. Vậy cho nên, người ta còn gọi cao su bằng một cái tên “văn vẻ” là “cây báo Tết”.
Có một nhà văn đã viết thế này: Những người sống giữa đại ngàn, có nhiều thứ phải lo toan, thường không để ý đến thời gian, chỉ khi nhìn thấy vườn cao su rụng lá mới giật mình thảng thốt: Trời, vậy là đã tới Tết.
Nói chuyện này, không thể không cảm phục ý chí, nghị lực của những người lính đã đánh thức cả dải đất biên cương bằng màu xanh cao su bạt ngàn hôm nay.
Khi ấy, nơi đây chỉ có rừng già, không có đường đi, lối lại, hiếm khi gặp bóng người. Về mùa mưa, đất cứ nhão nhoét ra, giao thông chia cắt, vào không dễ mà ra thì càng khó; mùa khô thì bụi thôi rồi là bụi, cứ như người bốc từng vốc ném tung lên trời...
Ngay cả dân các làng cũng không tin cây cao su sống được ở đất này. Người già nói: Chúng tao sống nhờ vào núi rừng nhiều đời nay rồi, cây cao su lạ như thế sống sao được. Người trẻ lắc đầu: Cây cao su không sống được đâu. Con nai, con mang ăn hết nó.
Thế mà bộ đội trồng được. Các đội sản xuất được hình thành, những lô cao su đầu tiên vươn lá trong ánh nhìn ngỡ ngàng của bà con. Bộ đội còn làm đường, bắc cầu, trồng bắp, trồng mì, dựng trường học, khám chữa bệnh cho dân. Nhiều việc lắm. 7 năm sau, những dòng “vàng trắng” bắt đầu tuôn chảy, đem lại sức bật mới cho vùng biên, đem lại cuộc sống mới ấm no cho dân làng..
|
Dân làng tin vào “cái miệng” của bộ đội nói, tin vào “cái tay” của bộ đội làm. Một người mạnh dạn xin vào làm công nhân, nhận khoán vườn cây, rồi nhiều người xin vào. Bây giờ nhà nhà trong làng có cao su, cuộc sống thay đổi hẳn.
Trong ký ức của hắn, làng từng là một vùng “thâm sơn cùng cốc”. Những năm trước, đường vào làng là nỗi ám ảnh cho bất cứ ai được nếm trải. Mùa mưa, bùn đất lầy lội, trơn trượt, núi rừng sâu hun hút. Mùa khô thì bụi trùm kín người, kín xe, lộc cộc đá tảng, khấp khểnh ổ voi.
Lần này trở lại, dù đã được nghe về sự thay đổi của làng, nhưng được mắt thấy tai nghe, hắn vẫn ngỡ ngàng. Đường vào làng đã được trải nhựa; những ngôi nhà ngói xen kẽ nhà sàn đơn sơ yên bình nằm bên dốc, mái nhà rông nổi giữa nền trời đen thẫm; điện lưới về từng nhà.
Chiều về, những cô gái, chàng trai mặc đồng phục công nhân cao su chạy xe máy trên đường, bó lá dong rừng xanh mướt cột vắt vẻo sau yên xe. Cội mai già ven đường đã bung những cánh hoa vàng tươi, làm ai nhìn thấy cũng ấm lòng.
Những ngày cuối năm vội vã trôi qua. Ở làng đang vào mùa gió, dù trời không thật xanh trong, bởi những vẩn mây trắng ngà lang thang trôi dạt, nhưng vẫn cao lồng lộng.
Còn nắng, cứ vàng quánh lại, làm săn da mặt. Và hoa nở miên man trên triền đồi, theo gió bay khắp nơi, đến độ trong hơi thở của mình cứ thoang thoảng lẫn vào hương vị của các loài thảo mộc. Hắn thấy mình đã hòa với thiên nhiên và thấy đời tươi hơn.
Chỉ vài ngày nữa là Tết, ở nhà đã rối tinh rối mù, mà hắn vẫn chưa rời xa được ngôi làng nhỏ bé, nằm nghiêng nghiêng trên sườn đồi van vát, vây quanh bởi rừng cao su này. Cái vùng đất đến lạ, tới được đã khó, đến lúc về lại cứ lần lữa, hết hẹn này qua hẹn khác.
Yêu quá cái đêm đầu tiên mới đến làng. Già làng đóng khố, khoác tấm dồ thổ cẩm, cổ đeo vòng đồng, ngồi bên bếp lửa, nâng cần rượu, cất tiếng thay mặt dân làng mời các vị khách chung vui đêm nay. Mọi người cùng vỗ tay, trao nhau cần rượu, mắt long lanh.
Thương quá cô gái có đôi mắt như chứa cả trời đêm tay nâng cần rượu mời. Hắn uống dòng nước nồng cay, ngòn ngọt như uống cả ánh mắt sâu thăm thẳm ấy.
Bếp lửa bập bùng, vòng người ngồi quanh, xa xa là rừng cao su đang thay lá, tự nhiên cảm thấy như đứng sát với trời và nghe rõ ràng hơi thở của mùa Xuân, của tình người nồng ấm.
Rồi chợt giật mình khi vút lên tiếng chiêng. Những thanh âm của đại ngàn âm vang hồn đất mẹ, vía trời cha; mang hồn núi, hồn sông, hồn suối, hồn rừng, mang hơi thở của làng.
Tiếng chiêng du dương, réo rắt dội vào vách nhà rông, quẩn quanh những mái nhà ám khói, ngược về phía núi rừng. Nhịp chiêng giục giã tâm hồn ta bay bổng theo thanh âm rộn ràng của ngày xuân.
Hương rượu cần vẫn lan tỏa giữa rừng cao su xào xạc “thay áo”. Những thân cây mốc thếch vươn cành khẳng khiu, trơ trụi, nhưng bên trong đang cuộn chảy một sức sống sung mãn, chỉ chờ đến ngày là bung lên mầm nụ mới.
Hắn cầm chiếc lá khô bất chợt sa vào tay mình, nghe gió thổi mà lòng bâng khuâng tưởng như đang nghe tiếng vọng của đất.
Mùa Xuân đang về!
Thành Hưng