06/03/2024 06:10
Mới sáng ra, nắng đã vào cửa. Được ngày cuối tuần nghỉ học, An cùng mẹ chuẩn bị cơm nắm, bầu nước, dao rựa lên rẫy. Mùa này, rẫy nhà An vẫn để không, cỏ đuôi chồn phất phơ. Từ khi thu hoạch vụ mì trước Tết, mẹ bỏ đất trống đến giờ.
Hôm nay An theo mẹ đi dọn rẫy. Cô bé có dáng người nhỏ nhắn mà giỏi giang lắm. Cứ hễ được nghỉ học hôm nào là lại theo mẹ đi rẫy. Rẫy cách nhà khá xa, được ông bà ngoại chia cho bố mẹ khi hai người ra ở riêng.
An thấy, rẫy là một phần trong cuộc sống của mẹ. Khi vui mẹ cũng lên rẫy, mà buồn mẹ cũng lên rẫy.
|
Nhớ ngày bố còn sống, gần như ngày nào cũng vậy, mới sáng sớm bố mẹ đã dậy. Trong khi bố lúi húi kiểm tra lại con dao cái rựa, chêm lại cán cuốc thì mẹ lục đục chuẩn bị đồ ăn sáng cho mấy chị em An, rồi nắm cơm, đổ nước đầy bầu.
Sau khi dặn chị em An đi học đúng giờ, để ý cài tấm liếp che lối vào vườn rau cẩn thận để đàn gà, đàn heo không vào phá, bố mẹ đi rẫy đến chiều tối mới về.
Rẫy nuôi sống cả nhà An bằng những vụ lúa, vụ mì, và bằng cả những đám rau rừng không cần trồng, chỉ mọc tự nhiên mà lên xanh tốt.
Những ngày tháng Ba, nắng nóng không làm chùn đôi chân đã quen với ruộng lúa, rẫy mì của bố mẹ An. Nhưng nắng gió và cán dao, cán cuốc làm cho nước da của bố mẹ thêm đen hơn, đôi bàn tay chai sạn hơn.
Bây giờ bố đã không còn, nắng tháng Ba vẫn chói chang. Mẹ và An lại nhớ da diết tấm lưng ướt sũng mồ hôi của bố mỗi khi ở rẫy, nhớ những ngày tháng cả nhà vui vẻ bên nhau.
|
Tháng Ba, đâu đâu cũng trải một màu nắng. Nắng sánh vàng như mật theo chân mẹ, chân An lên rẫy. Nắng reo vui trong những cánh rừng cà phê, cao su hun hút, bạt ngàn.
Rẫy nhà An nằm trên một triền đồi thoai thoải. Những con dốc bụi mù không làm nao núng bước chân nhanh thoăn thoắt của cô bé. Người ta bảo con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, An thì giống hoàn toàn, nhất là ở chỗ chịu khó, siêng năng, không ngại nắng gió bao giờ.
Hôm nay An và mẹ sẽ dọn cỏ, chuẩn bị đất để khi mùa mưa đến là gieo trồng. Mẹ nói, mấy bác, mấy cô ở làng chuyển đổi diện tích trồng lúa, trồng mì sang trồng cà phê giá trị kinh tế cao nên năm nay mẹ quyết tâm học hỏi và làm theo.
An ước gì rồi một ngày, rẫy nhà mình cũng xanh mướt màu xanh của cà phê, cao su như của mấy chú, mấy bác ở làng.
Mấy hôm trước, An vui vì nghe tin mẹ lên xã để xin hỗ trợ cây giống và đã được đồng ý rồi, chờ đến mùa mưa, xã sẽ cấp cây giống. Phần còn lại là sự nỗ lực của mẹ con An, nhất là mẹ.
“Phải tham gia lớp tập huấn, rồi kỹ thuật trồng trọt, phun tưới, chăm bón cho cây trồng thì vườn cây mới xanh tốt được. Bác cán bộ xã đã hướng dẫn như vậy”- mẹ kể. An cũng khuyên mẹ “nông dân bây giờ phải đủ kiến thức thì mới mong thoát nghèo và vươn lên làm giàu”.
Mẹ cười: “Con còn bé mà nói cứ như người già ấy nhỉ”. Nhưng An nhận thấy mẹ vui và háo hức, vì mẹ cũng muốn được học hỏi, muốn được thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Vượt qua một đỗi dốc nữa, rẫy nhà An hiện ra trước mắt. Lúc này, mặt trời cũng bắt đầu tỏa những quầng nắng cuồn cuộn xuống núi đồi. Thỉnh thoảng một cơn gió ào tới, cuốn theo hơi nóng hừng hực.
“Giờ mà phơi quần áo thì thích nhỉ, chỉ loáng cái là khô”- An tinh nghịch nghĩ thầm. Những đám cỏ đuôi chồn, cỏ tranh đã bắt đầu úa vàng, lắc lư trong gió.
Vừa đến nơi, hai mẹ con bắt tay ngay vào công việc phát dọn cây cỏ. Cái nắng, cái gió tháng Ba cũng đang reo vui cùng mẹ con An. Nhìn những giọt mồ hôi lăn trên đôi má đỏ hồng của cô bé mà thấy yêu quá đỗi.
“Con ngày càng lớn, rồi còn phải đi học cao hơn nữa, tốn nhiều tiền hơn, nên mẹ sẽ cố gắng làm lụng để có tiền nuôi con ăn học”- vừa phát cỏ mẹ vừa rủ rỉ với An.
Còn An thì mím chặt môi, lấy hết sức lực cuốc phăng một bụi cỏ đuôi chồn lớn. Cần phải giúp mẹ nhiều hơn nữa, cũng phải cố gắng học tốt hơn nữa- An thầm hứa với mình.
Ở phố, các bạn cỡ tuổi cô bé có lẽ đã biết làm đẹp, còn An thì vẫn quen với đầu trần, chân đất và lúc nào cũng bộ đồ bộ lửng tới gối, dù ở nhà hay đi rẫy. Tháng Ba, nắng cháy thịt da, mẹ la mãi, An mới chịu khoác chiếc áo sơ mi cũ mèm, rộng thùng thình của mẹ thường đi rẫy vắt ở hiên nhà.
Tôi đã nhìn thấy hình ảnh của mẹ con An trong ca khúc “Tháng Ba Tây Nguyên” (Văn Thắng): “Tháng Ba mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước, mùa em đi phát rẫy làm nương, anh vào rừng đặt bẫy cài chông”. Một bức tranh lao động thật đẹp của mùa khô ở Tây Nguyên, dưới nắng tháng Ba sánh vàng như mật chói chang khắp núi đồi.
Sông Côn