Mùa đót

17/01/2024 06:12

Tờ mờ sáng, gian bếp nhà Y Lưk đã chập chờn ánh đèn. Cô đang lục đục dỡ cơm, nướng cá, soạn bầu nước, chuẩn bị cho chuyến đi.

Trong khi đó, A Glưng, chồng Y Lưk, khoác vội cái áo ấm, kéo tấm liếp đan bằng nứa đập dập bước ra sân, vươn vai mấy cái rồi mò mẫm kiểm tra lại từng con dao, cái liềm và mấy bó dây.

Ở những góc khác của làng, vài ba ngôi nhà cũng “mở mắt” thức dậy. Tiếng chuẩn bị đồ ăn, thức uống lịch kịch. Tiếng ai đó dặn con nhỏ: Ở nhà, nhớ nhìn vườn rau mới trồng, đừng để con heo, con gà vô phá mất.

Tiếp đó, từng cánh cửa hé mở, bóng người tụ dần về đầu làng. Vợ chồng Y Lưk cũng nhập vào nhóm người. Bắt đầu rộn ràng tiếng gọi nhau, tiếng trêu đùa. Gió lạnh táp vào mặt, ai cũng phải bịt mặt thật kỹ. người ta chỉ nhận ra nhau qua giọng nói, tiếng cười.

A Glưng bàn bạc gì đó với mấy thanh niên rồi quay ra nói với Y Lưk: Hôm nay ta đi phải xa hơn thì mới nhiều đót. Y Lưk gật đầu.

Thì ra, đã vào mùa đót. Và vợ chồng Y Lưk đang cùng dân làng vào núi để hái đót.

Khi những cơn gió núi tràn về báo hiệu mùa khô tới, cây đót lại trổ bông nhuộm tím phơn phớt núi rừng. Ảnh: SC  

 

Bao năm nay, thành nếp rồi, từ cuối tháng 11 âm lịch hàng năm, khi vùng núi cao chất ngất kia “thay áo”, chuyển từ màu xanh xám của đá núi, của cây rừng sang màu phơn phớt tím của hoa đót là dân làng sẽ có thêm một nghề lúc nông nhàn. Đó là hái đót.

Thật ra, đây không được xem là một nghề, bởi mùa đót chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Nhưng có hề chi, những cây đót đang nở hoa tim tím kia có thể đem lại thu nhập kha khá cho dân làng.

Tốp người bắt đầu lên đường. Tiếng máy xe, tiếng nói cười lao xao cũng tỏa dần theo từng con đường mòn dẫn vào dãy núi còn đen thẫm.

Sáng sớm, mây mù chân núi. Người đi hái đót chia thành từng tốp, mỗi tốp chừng 5-10 người. Dãy núi nhìn như trước mắt, thế nhưng thực tế cũng cách làng cả chục cây số. Để đến được khu vực hái đót trên núi, người hái đót phải vượt qua những dốc núi dựng đứng, rất nguy hiểm.

Vì vậy, thông thường phụ nữ phải thức dậy sớm từ 4-5 giờ sáng để theo các xe công nông đi chở đá chẻ (khai thác trong núi). Còn đàn ông thì dễ hơn, họ thường đi xe máy, vừa chủ động về phương tiện, thời gian, lại đỡ phải… nhờ vả.

Nhưng do lần này đi xa hơn nên Y Lưk và mấy chị em cùng đi xe máy với cánh đàn ông.

“Hành trang” của người đi hái đót, ngoài dao, rựa để phát cây mở đường đi hoặc dùng để cắt dây bó đót, là cơm nắm, nước uống để ăn bữa trưa trên núi, vì thông thường phải đến tối mịt mới về được tới nhà.

Vất vả là vậy, nhưng Y Lưk cười mà bảo rằng đã sướng lắm rồi, vì lên núi đã có đường, xe công nông, xe máy có thể đi được.

Chở đót về nhà. Ảnh: SC 

 

Trước đây, để lấy được đót, không còn cách nào khác ngoài… cuốc bộ từ nhà lên núi. Người đi khỏe, như A Glưng đây, cũng mất ít nhất 4 tiếng đồng hồ mới có thể đến được những nơi có nhiều đót.

Nhiều năm nay, cứ đến mùa đót là vợ chồng Y Lưk cơm đùm cơm nắm lên núi hái đót về bán. Có năm mất mùa đót, buổi sáng hai vợ chồng theo xe công nông của những người đi chở đá chẻ lên núi Chư Hreng, buổi chiều đã chuyển hướng đi xe máy lên vùng núi xã Đăk Rơ Wa (xa hơn cả chục kilômét) để tìm.

Gần như cả ngày len lỏi trên đường rừng, đã thế nhiều đoạn dốc đá gồ ghề, đàn ông còn thấy ngán ngại, nói gì phụ nữ. Nhưng mình đi thế này miết cũng thành quen rồi. Sợ nhất là lúc xuống núi, trơn trợt, có hôm ngã bầm mình bầm mẩy, nhưng vì cuộc sống nên phải ráng thôi- Y Lưk nói.

Đường đi đã khó, nhưng để có thể cắt và gom được bó đót mang về càng không dễ, vì đót thường mọc thành từng bụi rải rác ở các khe núi với độ dốc cao hoặc mọc ven khe suối. Thân đót rất cứng và cao. Trên ngọn có nhiều nhánh nhỏ, có hoa màu xanh lợt khi còn non và chuyển thành màu tím phơn phớt khi già. Hoa đót bám rất chặt trên thân cây cho đến khi thân cây khô kiệt, gục xuống.

Để lấy được hoa đót, trước hết phải cắt thân đót, tước lá đót ra khỏi thân rồi mới bứt được hoa đót ra. Mỗi một công đoạn đều phải tốn không ít thời gian, công sức.

Vì vậy, những người có kinh nghiệm thường tập trung bẻ thân đót rồi tập trung lại một điểm, đến lúc nghỉ ngơi, ăn cơm xong thì chuyển sang công đoạn tước lá, bứt hoa đót ra khỏi thân cây.

Khi mặt trời lặn xuống chỉ còn một nửa, thì bắt đầu gom đót lại, bó thành từng bó chất lên xe, chuyển xuống núi. Làm cật lực, trung bình mỗi ngày một người đi lấy được 2-3m đót (cách tính của người làm đót); người nào chịu khó hơn thì lấy được 3,5-4 m.

Vì hàng năm mùa đót chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng, với số lượng có hạn, trong khi nhu cầu của thị trường khá lớn nên đót cũng khá “được giá”.

Năm nay đót bán dễ và giá cũng khá ổn định. Hiện tại các thương lái thu mua đót tươi với giá từ 150.000-160.000 đồng/mét (tùy loại tốt xấu). Với mức giá này, từ đầu mùa đót đến nay, trung bình mỗi ngày, vợ chồng Y Lưk cũng kiếm được 500.000-600.000 đồng.

Với thu nhập khá như vậy, hiện nay, ở làng của Y Lưk, và nhiều làng đồng bào DTTS khác ở gần núi, đều có người đi hái đót, có khi đi cả nhà. Và hái đót đã trở thành “nghề” đem lại thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, nhất là có tiền sắm sửa dịp tết.  

Cũng may, cây đót là loại cây sống khỏe, dễ sinh sôi. Mùa khô, những bụi đót tàn rụi, nhưng chỉ cần mưa xuống là các gốc khô lại nứt mầm, những thân đót lại vươn mình lên xanh tốt, bắt đầu một chu kỳ phát triển mới.

Để khi những con gió núi tràn về báo hiệu mùa khô tới, cây đót lại trổ bông nhuộm tím phơn phớt núi rừng.

Và lại rộn rã vào mùa đót.

Sông Côn          

Chuyên mục khác