Lựa chọn

13/06/2024 13:16

Khi được tự lựa chọn nghề nghiệp dựa trên sở thích và năng lực của bản thân, con trẻ sẽ có động lực và trách nhiệm hơn. Lựa chọn đúng hay sai đều có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai.

Chiều muộn. Những đám mây xám nặng nề trôi thật chậm, như muốn đè xuống mái nhà, nhưng vẫn không mưa nổi, khiến không khí oi bức thêm ngột ngạt, nặng nề. Suốt mấy ngay qua, ông trời cứ như vậy, dậm dọa chán mà không rớt một giọt mưa nào.

Không khí trong nhà anh A Neo còn muốn ngột ngạt, nặng nề hơn, Tuấn cảm nhận rõ điều ấy ngay khi mới đặt chân vào cửa. Anh Neo ngồi ở bàn, gương mặt cau có, còn vợ con anh ngồi dồn một cục trên cái giường kê ở gian kế bên.  

Thấy Tuấn bước vào, gương mặt anh A Neo mới giãn ra đôi chút, dợm đứng dậy đón khách, Tuấn xua xua tay: Anh để em tự nhiên. Em sang chơi, nhân tiện hỏi thăm xem Y Lá thi cử thế nào rồi.

Đại học không phải là lựa chọn duy nhất. Ảnh: TH

 

Là bí thư đoàn phường, lại là người cùng thôn, Tuấn thường qua lại nhà anh A Neo chơi nên khá thân thiết. Anh thường trò chuyện, động viên, hỗ trợ mấy đứa con của anh A Neo học hành, nên gia đình quý lắm, thường hỏi ý kiến trong chuyện làm ăn, dạy dỗ con cái.  

Trong 5 đứa con của anh A Neo, con gái đầu là Y Lá chăm chỉ học hành, luôn đạt học sinh tiên tiến ở các cấp học. Không nói thì  cũng biết, anh A Neo tự hào lắm. Năm nay Y Lá hết lớp 9, anh luôn mong mỏi con mình cố gắng để thi đậu đại học.

Nhưng đùng một cái, chiều nay, Y Lá nói với bố là muốn được đi học nghề. Anh A Neo nghe vậy giận lắm. Trong tính toán của anh, mấy năm nữa, sau khi tốt nghiệp THPT, Y Lá sẽ vào đại học, làm bố mẹ hãnh diện.

Khó khăn đến mấy tôi cũng sẽ quyết tâm cho con học đại học để sau này đời chúng đỡ cực nhọc. Đời mình vì ít học nên khổ nhiều rồi. Có chú Tuấn đây, nhờ chú nói chuyện với con bé giúp- anh A Neo “cầu cứu” Tuấn.

Tuấn bật cười: Ơ hay, nói như anh chẳng nhẽ chỉ có học đại học ra mới khá? Nói vậy thôi, anh để em nói chuyện với cháu xem sao. Nhưng em nghĩ là lựa chọn của cháu chưa hẳn đã là một hướng đi tồi đâu.

Thật ra Tuấn cũng đã nghe Y Lá nói về chuyện này. Cô bé muốn đi học nghề may như chị Y Vân- một thợ may có tiếng trong làng. Theo lời kể của Lá,  chị Y Vân may rất giỏi, có thể may được những váy áo thổ cẩm đẹp.

Quan trọng nhất là, chị Y Vân đã rất dũng cảm khi học xong lớp 9 liền đăng ký đi học nghề. Sau khi tốt nghiệp, có tay nghề vững, chị Y Vân trở thành trụ cột của gia đình, nuôi bố mẹ già và các em ăn học.

Những lần đến nhà chị Y Vân chơi, Y Lá đã ấp ủ suy nghĩ về việc học nghề may. Nó thấy đây là lựa chọn đúng. Khi đã có nghề thì không lo đói.

Y Lá kể với Tuấn: Bố mẹ luôn cho rằng, học đại học là cách duy nhất để sau này đời cháu đỡ khổ. Nhưng cháu lại nghĩ khác. Vào đại học sẽ là một gánh nặng quá sức với gia đình. Đó là chưa kể, học xong liệu có xin được việc làm hay không.      

Cháu sẽ đăng ký học nghề may tại Trường Cao đẳng Kon Tum. Bố mẹ không cho, cháu sẽ thuyết phục đến khi bố mẹ đồng ý mới thôi- Y Lá bật thốt với vẻ mặt nghiêm túc.

Rõ ràng là cô bé không lý giải được vì sao bố lại nóng giận như vậy khi nghe mình nói về chuyện học nghề.

Nhiều bạn trẻ đã thành công khi lựa chọn học nghề. Ảnh: T.H

 

Mà không chỉ có nhà anh A Neo. Nhiều câu chuyện như vậy đã và đang diễn ra ở nhiều gia đình trong những ngày này, khi mà con trẻ đứng trước những cánh cửa vào đời khác nhau.

Nãy giờ ngồi khép nép ở góc giường, thấy có chú Tuấn đến, Y Lá cũng mạnh dạn hẳn: Con không muốn bố mẹ phải vất vả quá sức để lo cho con học đại học. Nên bây giờ, cứ học nghề rồi đi làm giúp bố mẹ nuôi các em, rồi sau này có nhu cầu, có điều kiện sẽ đi học tiếp cũng không sao mà.

Nhìn đôi môi mím lại kiên quyết của Y Lá, Tuấn quyết định thuyết phục anh A Neo tôn trọng, ủng hộ lựa chọn của con bé.

Anh phân tích rằng, việc lựa chọn ấy cho thấy con bé có trách nhiệm với bản thân mình, có trách nhiệm với gia đình anh ạ. Không phải chỉ có vào đại học mới có thể “đổi đời”, hay vào đại học là “cánh cửa” duy nhất để kiếm sống và thành đạt.

Rằng, áp lực nuôi con học đại học với gia đình anh A Neo không hề nhỏ. Ấy là chưa kể, mấy năm sau, với tấm bằng đại học trong tay, liệu Y Lá có thể tìm được việc làm hay không?

Báo chí đã nói nhiều về những cử nhân thất nghiệp “dài dài”; nhiều cử nhân đành cất kỹ tấm bằng tốt nghiệp đại học vào đáy rương để đi làm tiếp thị, công nhân, bán hàng rong, bán hàng đa cấp, thậm chí quay về quê… làm ruộng.

Rằng, đi học trường nghề, Y Lá cũng sẽ vừa được học nghề vừa học văn hóa. Khi tốt nghiệp lớp nghề, con bé cũng sẽ có bằng tốt nghiệp THPT. Quan trọng hơn, khi ấy đã có nghề trong tay, có thể tự nuôi sống mình, giúp đỡ bố mẹ. Nhà trường cũng sẽ hỗ trợ trong việc giới thiệu, tìm việc làm.

Trời đã tối lúc nào không hay. Điếu thuốc rê lập lòe trên tay anh A Neo. Mọi người ngồi im lặng, như thể đã nói hết những điều cần nói. Ánh sáng của bóng đèn điện giữa nhà hắt mấy cái bóng lên tường nhà, không gian như đặc lại.

Nếu anh không cho con bé đi học nghề, có khi đem lại tác hại không mong muốn. Khi được tự lựa chọn nghề nghiệp dựa trên sở thích và năng lực của bản thân, con bé sẽ có động lực và trách nhiệm hơn. Lựa chọn đúng hay sai đều có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của cháu- Tuấn kiên trì nói.

Nhìn Tuấn, rồi lại nhìn sang Y Lá, anh A Neo đắn đo: Chuyện này để anh nghĩ kỹ lại đã nhé. Tuấn mỉm cười. Anh A Neo nói vậy thì tình hình cũng có chuyển biến rồi.

Chú sẽ nói chuyện với bố thêm. Chuyện này không nóng vội được. Chắc là bố sẽ đồng ý với cháu thôi. Cứ bình tĩnh thuyết phục dần dần. Tuấn dặn dò Y Lá trước khi về.

THÀNH HƯNG

Chuyên mục khác