24/06/2024 12:59
Mới sáng sớm đã mưa tầm tã, tựa như ông trời đang giận dỗi trút bớt nước dự trữ xuống.
Dù vậy, hắn vẫn đến quán cà phê quen thuộc đúng giờ như mọi ngày, dù đôi mắt của cô chủ nhỏ cong lên hình dấu hỏi. Hắn chỉ cười, đi đến chiếc bàn gỗ thấp đặt trên bậc thềm quen thuộc. Cô chủ lặng lặng đem tới một phin cà phê đen.
Hắn tham lam hít hà hương thơm lẫn trong làn hơi nước mỏng manh. Một lý do quan trọng để hắn gắn bó với quán nhỏ này là phin cà phê ủ khéo, quyến rũ bởi sự hòa quyện hợp lý giữa đắng đậm và ngọt thanh. Nó làm bất kỳ ai nhấp ngụm đầu cũng phải chậm lại giây lát để cảm nhận cho kỹ, cho thấm trước khi nhấp ngụm thứ hai, thứ ba.
Quán có thêm khách, hẳn là hai cha con. Người cha bước vào trước, áo bộ đội bạc màu; thằng con có đôi mắt sáng, tóc cắt ngắn bước theo sau. Nó đeo một cái ba lô, trong khi người cha xách một cái túi to tướng.
Hai cha con chọn một cái bàn ở góc, sát cửa quán. Thằng bé giúp cha treo cái mưa lên, càu nhàu: Có mấy ngày mà bố đem chi nhiều đồ quá vậy?
Người cha cười xòa: Có chi mà nhiều. Mấy bộ quần áo cho con, thêm ít thứ hái trong vườn cho chú Bảy.
Thằng bé ngó ra cửa, mưa giăng trắng xóa, rồi hỏi: Khi nào ta tới nhà chú Bảy vậy bố? Ờ, đợi chút nữa, giờ hãy còn sớm- người cha nói, cũng ngó ra cửa nhìn mưa.
Rồi ông quay qua nhìn thằng con: Vài ngày nữa thi rồi, con nghỉ ngơi đi, đừng học nữa. Ở với chú Bảy không được thức khuya. Bố mẹ không đòi hỏi con phải đạt điểm cao, chỉ cần cố gắng, tập trung làm bài là được.
|
Thằng con cười rúc rích: Bố dặn câu này chắc mấy chục lần rồi. Ở nhà dặn, đi đường dặn, bây giờ dặn, kiểu gì tý nữa về cũng dặn cho coi. Người cha cũng cười, vầng trán giãn ra, gõ gõ lên trán con trai: Cái thằng này, bố dặn không thừa, nhá.
Nhìn cảnh ấy, hắn chợt thấy mũi cay cay, mắt như có khói kéo qua làm mọi thứ trở nên hư ảo. Và hắn như thấy mình của ngày đã xa, một gã trai quê vừa tròn 18 tuổi được bố đưa đi thi.
Giống lắm. Từ cái cách con đeo ba lô, cha khệ nệ xách túi, cách nói chuyện, đến việc người cha dặn dò đủ kiểu, thằng con cười rúc rích, rồi người cha gõ lên trán thằng con mắng yêu.
Ờ, mà cả cái kiểu ngồi nhìn ra trời mưa nữa. Hồi ấy, đã lâu lắm rồi, cũng vào cuối tháng Sáu, và trời mưa như vầy. Hai cha con hắn dắt díu nhau về phố để hắn thi đại học.
|
Quê hắn là vùng bán sơn địa, đất đai cằn cỗi “chó ăn đá gà ăn sỏi” nên nghèo. Nhà hắn dựa vào đồi, nhìn ra cánh đồng lúa bát ngát, xa hơn chút nữa là con sông nước luôn đỏ ngầu, dù nắng hay mưa.
Ở đây có những phận người cũng nhỏ nhoi, thầm lặng nhưng lại hết sức bền bỉ, kiên cường. Quanh năm họ dầm dãi mưa nắng, chẳng mấy khi thảnh thơi. Mỗi nhà có dăm bảy sào ruộng và ít đất bãi gieo trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, khoai dành cho kỳ giáp hạt.
Cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi thủy thần vẫn “năm năm báo oán, đời đời đánh ghen”, tháng 8 thúc nước sông tràn qua đê gây lụt khắp nơi. Đồng ruộng, cây cối, hoa màu, và cả những nhà ở dưới thấp ngập dưới biển nước trắng xóa.
Bởi thế, nhà nào cũng nghèo như nhau, nên gắn bó, tình nghĩa lắm. Bữa cơm nhà nào cũng thiếu cá nhiều rau, nhưng luôn sẵn sàng sẻ chia cho nhau từng chén gạo, dúm muối, ấm cúng vô cùng.
Thú vui duy nhất là mỗi khi mặt trời khuất sau dãy núi phía xa, mọi người tụ tập ngồi uống trà ở một nhà nào đó. Bên ngọn đền dầu quanh quẩn chuyện đồng ruộng, chuyện cơm áo. Ngồi đến khuya rồi ai về nhà nấy.
Thể nào cũng có người lẩm bẩm: Đến bao giờ thì làng mình có điện nhỉ? Hôm nọ tôi có đi chợ huyện, ngang qua làng trên, thấy họ đang đào hố, trồng cột rồi, nghe bảo ít hôm nữa có điện lưới. Dân làng ấy đang rục rịch mua bóng đèn điện rồi.
Người khác nói: Thế đã ăn thua gì, tôi mới xuống xã dưới, thấy đoạn đường qua xã họ đã được trải nhựa láng cóng nhé, đạp xe mà cứ chạy ro ro, lại nghĩ đến đoạn đường đất qua làng mình, mùa hè cứ ngập trong bụi đỏ, khi mưa thì ngập bùn, đi lại khổ thấu trời xanh mà ước ao.
Bởi vì nghèo nên chuyện học hành của con em cũng đâm ra dang dở. Hồi ấy ở làng, hầu hết bạn bè cùng lứa với hắn bỏ học khi hết lớp 9, ở nhà cày cuốc. Ít năm sau dựng vợ, gả chồng, rồi tay bồng tay bế.
Nhưng nhà hắn thì khác. Bố mẹ hắn kiên quyết không cho con cái nghỉ học giữa chừng. “Khổ mấy cũng phải cho mấy đứa ăn học đàng hoàng” là lời cam kết của bố mẹ. Thế là hắn học lên cấp 3, thi đậu tốt nghiệp, rồi đăng ký thi đại học. Cả xã đâu chỉ có 3-4 đứa.
Trước thi ít ngày, bố hắn gọi người bán lứa lợn đang lớn, đẹp như tranh vẽ, để lấy tiền cùng hắn ra Hà Nội. Theo kế hoạch, bố sẽ đưa hắn đến ở nhờ nhà đồng đội cũ của ông, vốn ở gần điểm thi.
Nghe kể, hai ông nhập ngũ cùng ngày, cùng đơn vị và cùng đi B, đã “vào sống ra chết” cùng nhau mấy bận. Trong thư gửi về trước đó, đồng đội của bố đã tha thiết đề nghị “đưa cháu đến ở nhà tôi”.
Ngày hai bố con ra Hà Nội, cũng mưa tầm tã. Ngồi ở quán nước trước cổng bến xe chờ đồng đội bố đến đón, bố dặn dò hắn đủ chuyện, rồi chốt: Cứ làm bài hết khả năng, còn điểm cao hay thấp không quan trọng.
Hắn cười rúc rích “Bố hay thật. Đi thi mà lại nói điểm cao hay thấp không quan trọng. Thế thì đi thi làm gì”. Bố hắn cũng cười: Thì bố nói thế để mày bớt áp lực.
Đoạn ký ức ấy cứ in trong tâm trí hắn, cho đến hôm nay. Sâu lắng, ngọt ngào mà tươi đẹp, rực rỡ như cầu vồng sau mưa!
Mưa ngớt hạt. Tiếng người cha gọi chủ quán tính tiền làm hắn sực tỉnh. Nhìn cậu bé đang thích thú nhìn ra phố bằng đôi mắt sáng, hắn thầm nhủ: Hãy cố gắng giữ gìn những ký ức tươi đẹp này nhé, con trai.
THÀNH HƯNG