Ký ức mùa bão

17/09/2024 13:01

Quê tôi ở miền Trung, mỗi năm ít gì cũng “gánh” năm ba cơn bão, lớn nhỏ đủ cả. Nhưng dù là bão lớn hay bão nhỏ đều để lại những thiệt hại nặng nề về nhà cửa, ruộng vườn.

Tuổi thơ của tôi cũng vì thế mà gắn liền với những ký ức mùa bão lũ. Bởi vậy, cho đến nay, cứ nghe đến bão sẽ đổ bộ là trong lòng lại thấp thỏm biết bao âu lo.

Còn nhớ, vào mùa mưa bão, lúc nào ba tôi cũng ôm khư khư chiếc đài chạy bằng pin nghe thông tin rồi nói lại cho cả nhà và cả mấy nhà hàng xóm nghe để nắm bắt tình hình bão lũ, cùng nhau ứng phó.

Có chiếc đài và sự hướng dẫn của ba mà các thành viên trong gia đình tôi cũng hình thành thói quen, bão cấp nào thì được ra đường, bão cấp nào thì phải lo chằng chống nhà cửa, bão cấp nào thì phải sơ tán.

Ảnh baodanang.vn

 

Nhưng dù bão ở cấp nào thì căn nhà cấp bốn của gia đình tôi cũng được ba má chằng chống cẩn thận. Trên mái ngói được ba gác chằng chịt những bao tải cát, phía hiên nhà được che chắn bằng những tấm lợp bằng lá dừa để cản gió, tránh nước mưa tạt vào nhà.

Cây cối trong vườn được ba tỉa bớt những cành già, cành sâu. Mấy cây chuối trong vườn được má chống bằng những đoạn cây khô, sau đó ba dùng dây kẽm cột chặt. Ngay cả cái chuồng gà cũng được má kiểm tra, cột dây thật kỹ lưỡng và che chắn cẩn thận.

Cũng có nhà không có radio, rồi lo đầu tắt mặt tối với ruộng rẫy mà không nắm được tình hình bão lũ. Ngày mưa to gió lớn, họ vẫn cố gắng chở những bó củi hay hàng nông sản mang ra chợ bán. Xóm nhà tôi ở đầu mặt đường liên thôn nên những người đàn ông, trong đó có ba tôi thường ra túc trực bên đường để nhắc nhở, thông tin đến bà con nhanh chóng trở về nhà trú bão.

Trong trí nhớ của tôi, ngày nhỏ, mỗi khi nghe đến bão, điều lo lắng nhất là chỗ trú bão, bởi căn nhà của ba má tôi ngày ấy cũng không mấy vững chắc.

Có một chỗ ba thường đưa chị em tôi trú bão khiến tôi nhớ hoài là dưới tấm phản gỗ nhà nội. Ba giải thích: Tấm phản gỗ nhà nội rất to và dày, chịu lực tốt nên nếu nhà có sập, cây cối quanh nhà có ngã đổ thì phải chui núp dưới chiếc phản này để tránh tai nạn, thương tích. 

Bởi thế, mỗi khi bão đến chỉ cần nổi gió to, chị em tôi đã được ba đưa vào nhà nội. Không cần người lớn dặn dò, mấy chị em cứ chơi đùa dưới tấm phản đến khi nào người lớn gọi mới được trở ra.

Mùa bão lũ, học sinh chúng tôi cũng không được thông tin rộng rãi việc nghỉ học như bây giờ. Nghe đài báo bão to, gió lớn là phụ huynh đã tự cho con em ở nhà. Học sinh nào cha mẹ không nắm được thông tin có bão, lỡ đến trường thì cũng được yêu cầu quay về. Nếu gặp phải mưa to gió lớn, thầy cô giáo sẽ trực tiếp “hộ tống” về nhà.

Ngày mưa bão, nước dâng ở những cánh đồng lúa bạt ngàn. Mưa tạnh, bà con trong xóm lại rủ nhau đi quăng chài lưới để bắt cá lúi, một loại cá đồng có thân nhỏ, thịt trắng, chế biến món ăn rất thơm ngon về để kho nghệ, kho nước dừa. Ngày mưa bão mà bắt được mớ cá đồng, hay vài ba con cá khô dự trữ ở gác bếp, là có được bữa ăn ngon không thể tả.

Rồi có năm mùa bão lũ đã cướp đi người cha của bạn tôi, khi ông đi tàu biển ngoài khơi xa chưa kịp quay vào bờ. Có mùa bão lũ, nhà của bạn tôi bị sập, sách vở của bạn bị cuốn theo dòng nước. Cả lớp đến nhà thăm bạn mà không kìm được nước mắt trước những mất mát đau thương.

Một dòng trạng thái chia sẻ trên mạng xã hội đầy xúc động hướng về các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Ảnh: SC

 

Những ngày đầu tháng 9, khi hay tin siêu bão số 3 sắp đổ bộ vào đất liền, cũng như bao người dân, tôi không tài nào ngủ được với biết bao nỗi lo. Cũng nhớ về những ngày tháng mùa bão ở miền quê.

Và rồi bão số 3 đã ập đến với sức tàn phá dữ dội. Bao tang thương, mất mát bao trùm lên nhiều tỉnh thành ở miền Bắc. Nhà cửa sau một đêm đã bị san bằng, đất đá bồi lấp ngổn ngang. Tang thương nhất là những người bị vùi lấp còn nằm lại đâu đó trong đống đổ nát và bồi lấp kia, người dân và lực lượng chức năng đang không ngừng tìm kiếm. Ai cũng thấp thỏm chờ đợi thông tin tìm kiếm người dân mất tích do bão lũ mà lòng như lửa đốt.

Đọc những dòng trạng thái chia sẻ từ những người bạn về bão số 3: “Mấy ngày nay nhìn mưa bão, lũ lụt mà chẳng còn muốn buôn bán gì nữa”, “Mong chúng ta đừng úp hình đi chơi hay vui vẻ để gánh chung nỗi đau với bà con miền Bắc nhé. Xin cảm ơn”. Rồi những sự kiện vui chơi, giải trí cũng tạm hoãn mà thấy ấm áp nghĩa tình.

Trong khó khăn hoạn nạn mới thấu tỏ được tấm lòng của đồng bào ta. Người người, nhà nhà quyên góp giúp đỡ bà con vùng lũ. Nhìn những chuyến xe chở hàng nối từ Nam ra Bắc mà thấy xúc động vô cùng. Cầu mong sao bà con ở vùng bão lũ sớm vượt qua khó khăn.

Nhưng bên cạnh bao việc làm nghĩa tình, cũng rất giận cho những ai kia đã cố ý đã tạo ra những hình ảnh, đoạn clip phản cảm để câu like, câu view vì lợi ích cá nhân, thay vì dành thời gian ấy cùng chung tay phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ.

Nhưng tôi tin rằng, đó chỉ là những hành động lạc lõng, và sẽ bị cuốn trôi trong dòng chảy yêu thương đang hướng về miền Bắc.

SÔNG CÔN

Chuyên mục khác