06/03/2024 13:30
Ngày ấy rừng rú còn mênh mông, đất đai còn trống vắng, các trò chơi của trẻ con cũng không nhiều như bây giờ, nên việc đi chăn bò là thú vui. Cái thú của việc chăn bò ở chỗ là sau khi thả bò xong thì thoải mái bẫy chuột, bắt chim, đào dế, nướng bắp, nướng khoai và khám phá nhiều thứ mới lạ, bí ẩn của rừng của núi.
Làm nghề gì cũng có dụng cụ, chăn bò cũng vậy. Lũ trẻ làng đồng bào thiểu số thì có gùi đan bằng mây tre có đế gỗ để đựng dụng cụ và đồ ăn trong cả ngày và nhất là cái đế gỗ ấy sẽ làm giá đỡ cho việc đưa lên vai được dễ dàng một bó củi kiếm được lúc chiều về. Còn bọn trẻ con miền xuôi chúng tôi lên Tây Nguyên làm gì có gùi, và cũng không quen đeo gùi. Chúng tôi vào bới những đống rác phế liệu tìm nhặt những túi đựng mìn Claymore do lính Mỹ bỏ lại làm túi đựng dụng cụ đi chăn bò. Trong túi đựng vài vật dụng như dao ngắn cán, ná bắn chim, bẫy chuột và gói cơm muối vừng ăn trưa.
Quẹt lửa là thứ lũ trẻ chăn bò ao ước và ít khi được có. Chúng tôi giữ lửa bằng con cúi rơm mang đi từ nhà. Lũ trẻ chăn bò chúng tôi có cách giữ lửa rất hay. Phân bò khô thu nhặt được, gom lại, cho vào một hố nhỏ đã đặt sẵn con cúi rơm khô ở dưới cùng, lửa bén cháy sang đống phân bò khô như than hồng, nóng mà lại lâu tàn nữa, không thua gì than củi.
|
Khi cả nhóm đưa bò đến bãi chăn, chỉ để lại một đứa trèo lên cái chòi tự làm ở chạc một cây to sót lại trên bãi cỏ để quan sát cả đàn bò xem con nào đi quá xa vùng cỏ thì gọi mấy đứa ở dưới sẽ thay phiên nhau chạy đi lùa chúng trở lại gần, còn lại mỗi đứa mỗi việc: đặt bẫy chuột rừng, tìm hang đào bắt dế, mót sắn khoai về nướng, rình bắn chim trong bụi cây… Chưa đến canh trưa mùi thơm của các loại nướng đã sực nức bay luồn vào mũi rồi. Thế là chia nhau… chén! Khi đã no bụng, một vài đứa thì đi bẻ măng, hái nấm, hái rau rừng ven suối, có đứa thì chui vào tán cây lót lá ngủ khò.
Lúc ông mặt trời đã dịu bớt và đang đi dần về rặng núi phía chân trời thì cả bọn mới lùa bò ra về. Sau khi điểm danh bò xong, mỗi đứa sẽ chọn một con bò trông to khỏe nhất trong bầy của nhà mình rồi leo lên lưng cưỡi ngất nga ngất ngưởng về nhà với túi Claymore vắt sau lưng có đủ măng, nấm, dế, chuột, rau rừng… làm thực phẩm cho cả nhà buổi tối.
Học hết lớp ở trường làng, tôi theo các các anh chị lớn hơn đi học trường Vừa học - Vừa làm, được ở luôn nội trú. Học một buổi và một buổi đi làm. Bữa đầu nhận lớp, thấy tôi thấp bé, thầy chủ nhiệm hỏi: Ở nhà biết làm việc gì? Dạ chăn bò. Thế là tôi cùng ba đứa nữa có thâm niên chăn bò được phân công chăn đàn bò hơn năm chục con của trường. Ở đây rừng rú rậm rạp hơn nên bốn đứa phải trấn giữ bốn góc không cho bò đi xa. Những mùa khô hiếm cỏ bò men theo dải cỏ non ven suối mà tiến dần lên đầu nguồn, có hôm theo bò lạc rừng, chúng tôi ngủ luôn trong chòi giữ rẫy của đồng bào, xin củ mì nướng ăn, hôm sau mới lùa bò và tìm đường để về.
Rồi những năm ra phố lớn học hành, thỉnh thoảng gặp đâu đó cảnh chăn bò là nhớ quay quắt. Chăn bò ở đâu chẳng có, nhưng tôi cứ… “tự hào” hình ảnh chăn bò của chúng tôi trên mảnh đất Tây Nguyên là đẹp nhất!
Lâu lâu, về làng đi theo lũ trẻ chăn bò tôi thấy tụi nhỏ bây giờ không thèm chơi các trò như chúng tôi ngày xưa nữa. Đứa nào đứa nấy đều có điện thoại để nghe, gọi, chơi game, nhắn tin… Rất nhiều đứa dùng cả Smart phone kết nối 3G, 4G online ào ào. Chơi chán chúng xách bao đi nhặt phân bò khô trên các bãi cỏ bán cho những người thu gom để trồng rau, cà phê, tiêu. Mỗi bao bốn, năm chục ngàn. Đó là giá tại bãi chăn chứ những người thu mua bán lại còn cao hơn. Phân bò khô loại này được dân trồng tiêu trồng cà phê rất chuộng nên nhặt ra đến đâu bán hết đến đấy, thậm chí người mua cứ gọi điện thoại hối thúc tụi nhỏ siêng đi nhặt.
Một thời chăn bò là những kí ức đẹp tôi luôn cất giữ trong hồn. Được chăn những chú bò đáng yêu là hạnh phúc rất lớn của tuổi thơ tôi. Hoài niệm về một thời xa cũ cứ mãi theo tôi cho đến bây giờ…
HOÀNG VIỆT