25/07/2024 13:33
Lúc đầu, hắn không hiểu vì sao cứ vào khoảng thời gian đó, những âm thanh đó, những mùi vị đó lại khiến cho lòng như có sóng. Cứ bâng khuâng, cứ xao xuyến, cứ man mác, cứ trộn lẫn vào nhau như vừa qua đôi bàn tay cần mẫn nhào nặn mà thành một mớ cảm xúc không đầu, cũng chẳng cuối.
Có lần, đầu óc vốn giàu trí tưởng tượng của hắn khi muốn tìm một hình ảnh thân quen nào đó để ví von cho mớ cảm xúc hỗn độn ấy, lại nhớ đến những lần đôi bàn tay gầy guộc, đôi bàn tay cần cù, đôi bàn tay thật thà của mẹ hắn nhào nặn cả thau bột để làm nên những chiếc bánh tai vạc cong cong, nhỏ xinh. Chỉ mới liên tưởng thôi mà hắn như thấy cả không gian rộn rã tiếng nói cười và những chiếc bánh tai vạc có nhân tôm màu cam cam, nhân đậu xanh màu vàng vàng, lại được bao quanh màu xanh của hành lá thái mỏng sực lên một mùi hương rất riêng. Một mùi hương hoàn toàn có thật cho dù hắn đón nhận chúng bằng khứu giác, vị giác hay bằng ký ức đã trôi về phía rất xa.
Hắn chợt hiểu ra, vì sao cứ mỗi chiều, khi tiếng lách cách vang lên trong từng căn bếp, khi những mùi, những vị của món ăn quê nhà vọng lại – những món ăn ký ức, dẫu đơn sơ, dẫu quê kiểng lại khiến cho lòng như có sóng.
|
Những bữa cơm chiều sum họp, những món ăn quê nhà gắn chặt với cả cuộc đời hắn, gắn chặt với bao buồn vui, bao gian khó, nhọc nhằn. Những bữa sáng chỉ độc mấy củ sắn, củ khoai. Sang hơn một chút là chén khoai đã được thái lát phơi khô hầm với ít đậu xanh, lại ngòn ngọt vị đường bánh đen thô kệch quê mùa, mà đôi khi ăn còn lạo xạo cát. Có hôm, mẹ hắn hào phóng đãi món bánh tai vạc, mới thấy những bột, những đậu, những tôm, những thịt lấp ló trong chiếc làn nhựa chẳng còn rõ màu gì là lòng hắn đã reo vui như hát.
Giờ đây, mỗi lần ngang qua phố, nhìn mớ khoai, mớ sắn quê kiểng mà thân thương, thể nào hắn cũng dừng chân ghé mua một ít. Hắn hồ hởi, hắn chào mời hai đứa con, rồi hắn vừa ăn vừa rối rít khen ngon. Nhưng, cả hai đứa con hắn chẳng mặn mà, nếu không muốn nói là có phần dửng dưng. Thoạt đầu, hắn lấy làm lạ. Rồi dần dà, hắn cũng hiểu ra. Các con hắn đâu trải qua những bữa cơm với những món quê trong thoang thoảng mùi khói, mùi ẩm mốc từ những đụn rơm rạ và cả trong âm thanh láo nháo của lũ heo, lũ gà mỗi khi chiều về, nên làm sao mà thấy ngon, thấy quý.
Còn hắn, mỗi lần ăn những món quê, lúc thì củ sắn, củ khoai, trái bắp, lúc thì dĩa bánh tai vạc, mớ cốm xanh, tô cháo canh là nhớ lắm những ngày đã xa, nhớ những ngọt ngào, những gian khó và những thơm thảo. Nhớ những mùa khoai, mùa sắn được ươm lên từ đôi tay chai sần của mẹ, nhớ những đám ruộng lúa vàng nặng trĩu bông được vun lên bởi đôi tay cần cù của cha. Nhớ những hôm cả mấy chị em hắn ríu rít lội xuống mương xách từng xô nước tưới cho vạt bắp trồng trên khoảnh đất cát hợp tác xã phân cho bà ngoại mà lòng khấp khởi mơ ngày kĩu kịt gánh những trái bắp no tròn về. Và nhớ cả những bếp lửa được đốt lên thơm mùi khói quyện với mùi ruốc kho có lèo tèo dăm ba miếng thịt mỡ, mới ngửi thôi bụng hắn đã réo rắt, còn mẹ hắn nhìn nồi cơm chẳng mấy chốc hết veo trước mấy cặp mắt hau háu đang tuổi ăn, tuổi lớn của chị em hắn mà lòng rưng rưng.
Hắn nhớ những ngày hè gió Lào thổi ràn rạt sau lưng nhà. Mẹ hắn được nghỉ hè, vậy là tất tả bán buôn từ chợ này sang chợ khác. Có chút thời gian rỗi rãi, thêm đôi đồng lời từ chạy chợ bán buôn, mẹ hắn lại chế biến món này, món kia. Cũng khoai đấy, nhưng thay vì chỉ luộc, mẹ hắn chuyển sang làm món khoai hầm đậu, món khoai xéo, khoai ngào. Rồi cũng bắp đấy, mẹ hắn chịu khó bóc rời từng hạt làm món bắp xào tép, bắp hầm. Thỉnh thoảng, mẹ hắn hào phóng mua hẳn cả bọc bánh rán vàng vàng được bọc bên ngoài lớp đường trăng trắng, hôm thì cất công làm một thau bánh tai vạc, hôm thì nấu hẳn cả nồi cháo canh cá lóc là đặc sản của quê đãi cả nhà.
Mỗi khi chiều về, nhớ bữa cơm sum vầy với những món quê bình dị, quê kiểng mà thân thương, thần thánh của ký ức, hắn lại bâng khuâng, lại thổn thức. Dẫu chẳng có những thức, những vị cao sang nhưng lúc nào cũng thấm đẫm tấm lòng, thấm đẫm bao giọt mồ hôi chát mặn của mẹ, của cha nên hắn mãi mãi ngập tràn yêu thương, nhung nhớ, tìm về.
NGUYÊN PHÚC