14/09/2024 13:17
Tôi được nghe má kể rằng, những cây me cổ thụ trong vườn nhà ngoại đã có từ trước khi má tôi được sinh ra, tức là hơn tuổi má, đến bây giờ ít nhất cũng phải trên 70 năm.
Còn má tôi lại được nghe bà ngoại kể rằng, ngay cả ngoại cũng chẳng biết ai trồng. Ngoại chỉ nhớ là, thời chiến tranh, gia đình ngoại tản cư nhiều nơi, đến khi về sinh sống trên mảnh đất này thì tại góc vườn đã có những gốc me xanh tốt.
Má còn kể, đến mùa me ra trái non, má và mấy cậu mấy dì mừng lắm, trèo lên hái trái chấm với muối ăn. Me chua ăn vào làm cho cái bụng đang đói càng cồn cào hơn, nhưng má và mấy cậu, mấy dì vẫn ghiền.
|
Gốc me trong vườn nhà là nơi má và mấy cậu, mấy dì chơi mấy trò đồ hàng của con nít, thậm chí còn là chỗ ăn ở mỗi khi nhà bị bom đạn thiêu cháy. Má nhớ, những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, lúc ông ngoại còn ở nhà, mỗi khi nhà cửa bị cháy, ông thường làm nhà tạm cho cả nhà dưới những gốc me trong vườn.
Cũng chính những gốc me ấy đã chứng kiến cuộc chia tay của ông bà ngoại hồi chiến tranh. Khi còn sống bà ngoại kể, đó là mùa me thay lá, vào một đêm không trăng, ông ngoại đã tạm biệt vợ con dưới gốc me, rồi lặng lẽ rời đi trong đêm tối cho kịp bước chân của đồng đội lên căn cứ.
Mỗi ngày, má thường ru em trên chiếc võng mắc dưới gốc me trong vườn nhà. Gốc me trở thành nơi chốn thân thương của má và mấy dì mấy cậu từ nhỏ. Một năm có bão, cây me già nhất bị gió bão quật gãy một cành lớn, nó nằm vắt ngang mặt đất, ai cũng tưởng cành ấy sẽ chết khô, nào ngờ vẫn vươn mình lên xanh tốt. Cành me ấy vô tình trở thành bệ đỡ dài cho má và mấy cậu, mấy dì leo lên đó để chơi trò nhún nhảy.
Cho đến mùa me cho trái non, vào một đêm trăng thanh vắng, má đã gặp được ông ngoại trở về. Từ gốc me trong vườn nhà, ông bước đi thật khẽ, rồi thì thầm cất tiếng gọi con. Má chạy đến ôm chầm lấy ông ngoại mừng mừng tủi tủi rồi nghe ông dặn dò bao điều. Món quà má tặng ông ngoại trước lúc chia tay ông là mấy trái me non má hái lúc chiều còn bọc trong túi áo bà ba của mình.
Lần gặp ông ngoại má chẳng thể nào quên. Để rồi, mỗi lần nhớ cha, đêm đêm má lại chạy ra sân vườn chăm chăm nhìn về gốc me để xem cha mình có trở về.
Ngày ông ngoại hy sinh, bà ngoại đã mang ông về chôn cất ở trong vườn nhà, dưới gốc me cổ thụ tỏa bóng mát. Cây me trong vườn nhà che bóng mát cho mộ ông ngoại lúc nào cũng cho trái sai trĩu quả.
Mỗi mùa cây ra trái, bà ngoại thuê người hái xuống. Rồi bà lại tỉ mẩn ngồi bóc vỏ, phơi héo quả me trước khi chia ra gửi cho các con cháu của mình để dành chế biến món ăn.
Nói về món ăn nấu với me thì nhiều vô số kể, nào là canh chua cá đồng nấu me, canh rau muống nấu me, sườn xào chua ngọt (vị chua được lấy từ nước cốt me), rồi me ngào đường với muối ớt.
|
Người dân ở quê, vào mùa hè, thường hái lá me non để nấu canh chua với tôm, với cá đồng. Ngày nắng nóng, húp một chén canh chua lá me thật là mát lành, sảng khoái.
Ngày nhỏ, mỗi lần về ngoại, tôi thường thích lấy cây sào thật dài hái những chùm me bùi (me già sắp chín) để ăn. Chua chua, ngọt ngọt, bùi bùi, rất ngon. Dịp tết thì về ngoại hái me già về để má làm nón me ngâm đường hoặc mứt me.
Bà ngoại mất, thể theo nguyện vọng của bà, má và mấy cậu mấy mấy dì cũng chôn cất bà trong vườn nhà, gần mộ ông, dưới những tán me già. Căn nhà ngoại đóng cửa im lìm, mỗi ngày lễ tết con cháu mới trở về. Chỉ có những gốc me vẫn ngày đêm trò chuyện với ông bà ngoại.
Bao nhiêu năm, những cây me trong vườn nhà ngoại đã cao vời vợi. Mỗi mùa me thay lá, sân vườn nhà ngoại phủ một lớp lá me rụng lẫn với những trái me chín khô.
Những cây me trong vườn nhà ngoại là ký ức chẳng thể nào quên với má và mấy cậu, mấy dì cũng như những đứa cháu như tôi.
Mỗi lần trở về căn nhà nhỏ để thắp nén hương cho ông, bà ngoại, má và mấy cậu, mấy dì đều không quên ra vườn, ngồi dưới gốc me già cổ thụ để hồi tưởng về một thời.
Cậu tôi còn nhờ thanh niên trong xóm làm chiếc bàn đá đặt dưới gốc me. Mỗi khi trở về, cậu lại ra chiếc bàn đá ấy uống nước, ngắm trăng và kể chuyện ngày nhỏ, chuyện về ông bà ngoại cho con cháu nghe.
Và với tôi, mỗi lần về thắp hương cho ngoại cũng thường ra ngồi dưới gốc me mát rượi. Có một nỗi nhớ thương cứ dâng trào trong tâm khảm.
SÔNG CÔN