02/03/2024 06:11
1. Hắn vốn theo “chủ nghĩa xê dịch”. Những lúc thấy mệt nhoài, rã rượi với công việc rồi, thấy ho khan với khói bụi thành phố rồi, hắn thường khoác ba lô và đi. Và lần này, hắn được bạn thân giới thiệu về một ngôi làng của đồng bào Gié- Triêng nơi biên giới.
Cháu ở lại một đêm thôi ạ- hắn nói với già làng. Ông già im lặng gật đầu. Nhưng đã qua một đêm, hắn không rời đi nổi như đã nói.
Những ngày tháng Giêng ở đây thật lạ. Lúc này, Tết đã qua nhưng không khí Tết chưa hết hẳn. Những cành anh đào núi, mai rừng vẫn còn khoe những mầm nụ bẽn lẽn, vẫn còn treo đám mây hoa đón nắng.
Tiết trời cũng đẹp hơn. Nắng vàng nhưng không quá gắt, làm cho nền trời xanh và cao vời vợi. Trưa và chiều có nóng, nhưng không nóng quá. Tối đến thì mát mẻ, đêm xuống hơi se se lạnh. Về khuya, sương có rơi, nhưng không dày như tháng Chạp, chỉ phảng phất, tình tứ và nên thơ.
|
Buổi chiều đầu tiên, hắn lang thang trong làng, và được một gia đình mời ăn cơm, một bữa cơm bình thường. Ấy là lúc thịt mỡ, bánh chưng đã ngán, người ta bắt đầu trở về bữa cơm giản dị, có cà đắng, bắp chuối nấu cá suối, đọt mây luộc chấm muối tiêu rừng, hay bát canh lá mì chua.
Ngon đến không thể ngon hơn!
Tối đến, đống lửa ở sàn nhà rông rừng rực cháy. Già làng nâng cần rượu mời khách. Vòng người ngồi quanh, mắt long lanh. Xa xa là rừng cao su đang rì rào. Hắn thấy như đứng sát với trời và nghe rõ hơi thở của mùa Xuân, của tình người nồng ấm.
Khi bếp lửa lụi dần, một thanh âm văng vẳng từ đâu đó, ban đầu nhẹ nhàng, thánh thót, mượt mà, dần dà quấn quýt, đuổi bắt nhau. Rồi hòa quyện như hơi thở nhịp nhàng, khoan thai. Rồi bay bổng, như muốn đưa người nghe lang thang trên các triền núi cao.
Buồn buồn và đẹp, như tiếng thì thầm của tâm hồn con người, hay chính tiếng trò chuyện của đại ngàn đang ngày một xa xôi.
Thấy hắn nghiêng đầu nghe ngóng, già làng cười: Sáo đinh tút đấy!
Thật là đẹp- hắn thì thầm. Già làng có vẻ bất ngờ khi hắn khen thanh âm đinh tút đẹp, thay vì khen hay. Nhưng sau đó lại cười: Đúng, thật đẹp.
Và già làng khẽ khàng rút một cây đinh tút từ trong ngực áo ra. Tôi tò mò ngắm và thấy bất ngờ khi những âm thanh độc đáo, gợi mở đầy vơi, khiến người ta muốn nhún nhảy ấy lại phát ra từ ống nứa chế tác rất đơn giản: Một đầu chặt vát đi hai bên miệng ống, tạo thành một hình tam giác cân, đầu kia vẫn được bịt kín bằng mắt ống.
2 Đinh tút có từ thời nào? Không ai nhớ nữa. Chỉ biết loại nhạc cụ đơn giản này, âm thanh gần gũi mà huyền bí này đã gắn với dân làng từ lâu lắm. Qua bao thăng trầm, đinh tút vẫn cất cao âm thanh huyền diệu cùng vui cùng buồn với dân làng.
Theo tiếng Gié Triêng, “đinh” có nghĩa là ống, “tút” có nghĩa là âm thanh, hoặc giai điệu. Một bộ đinh tút thường có sáu ống, tương ứng với 6 người thổi, mỗi ống dài ngắn khác nhau. Ống dài nhất cho âm thanh trầm, ống ngắn nhất cho âm thanh cao. Để cùng hoà vào nhau thành một giai điệu hoàn chỉnh đòi hỏi kỹ năng diễn tấu điêu luyện.
Nhưng vì sao đinh tút phải đi theo bộ 6 ống? Vào đêm đầu xuân ấy, hắn đã được nghe già làng kể về sự tích sáo đinh tút của người Gié –Triêng.
Chuyện kể rằng: Nhà kia có 6 chị em, cha mẹ đi làm rẫy xa lắm, để đàn con nhỏ ở nhà trông coi lẫn nhau. Nhiều đêm nhớ hơi ấm của cha mẹ không ngủ được, mấy chị em ôm nhau nằm lắng nghe tiếng gáy của con dế dưới sàn nhà.
Sẵn có những ống trỉa lúa cũ, bị thủng dựng bên góc nhà, chị cả cầm lên thổi theo tiếng dế để dỗ cho các em đừng khóc nhè. Âm thanh u u lạ tai phát ra từ chiếc ống nứa, lôi kéo được sự chú ý của những đứa trẻ thèm hơi mẹ, khiến nỗi buồn quên đi đôi chút.
|
Nhiều lần như thế, 6 chị em mới bàn nhau tìm 6 ống nứa bắt chước tiếng kêu thủ thỉ của dế, thay lời kể lể nỗi mong ngóng với cha mẹ và để làm trò vui. Vậy là bộ sáo sáu ống nứa ra đời, nay chính là sáo đinh tút.
Già làng còn nói rằng, có cách lý giải khác về sự ra đời của đinh tút. Vì người Gié -Triêng làm rẫy ở vùng quanh năm lộng gió nên mùa trỉa hạt, trong lúc lom khom trỉa hạt giống thì từ ống lồ ô đựng hạt giống phát ra những âm thanh trầm bổng rất vui, làm con người bớt mệt nhọc.
Sau này, có người mày mò làm theo, vậy là đinh tút được tạo ra. Có lẽ vì "xuất xứ" như vậy mà khi thổi, nghệ nhân phải nhún nhảy mô phỏng những động tác của người đang trỉa lúa hoặc nhổ cỏ, giặm lúa.
Nhưng dù là thế nào thì đinh tút luôn có vị trí quan trọng trong đời sống của người Gié- Triêng.
Điều đặc biệt là chỉ có đàn ông mới diễn tấu đinh tút. Và khi thổi đinh tút tại các lễ hội, những người đàn ông (dù già hay trẻ) đều không được đóng khố mà phải khoác tấm vải che kín từ vai xuống chân, tay phải giấu vào bên trong, chỉ thò tay trái ra cầm ống đinh tút để thổi, đem lại cảm giác huyền bí.
Nếu đến những ngôi làng Gié-Triêng vào ngày xuân này, hãy lắng nghe, trong gió luôn dìu dặt thanh âm đinh tút.
Người già nghe đinh tút thấy lại phơi phới tuổi xuân thì. Con gái nghe đinh tút, thấy lòng bồi hồi. Con trai thổi đinh tút, như thấy đâu đó quanh mình tiếng hát người thương.
Hẳn là vì vậy mà đinh tút còn được biết đến như là âm thanh của núi rừng gọi xuân!
HỒNG LAM