21/11/2023 13:11
Con bé Y Hiu cúi mặt nhìn mấy ngón chân, lúng búng nói. Nó không dám ngước lên, vì như vậy sẽ phải đối mặt với cô giáo Hân, người mà nó rất yêu quý. Nó không muốn thấy nỗi buồn và lo lắng trên mặt cô.
Ở gần đó, pa của Y Hiu ngồi hút thuốc rê, nhả khói mù mịt.
“Nếu có tiền thì mình để nó đi thôi, nhưng nhà không có tiền, gạo cũng hết, nó nên ở nhà làm việc”- pa Y Hiu nói.
Hân lắc đầu mệt mỏi. Hôm qua đã mất cả ngày để thuyết phục bố mẹ của Y Xăm, bạn học cùng lớp với Y Hiu, cho con bé được đi học tiếp.
“Y Xăm mà đi học, không có ai đi cắt cỏ, chăn con bò mới được hỗ trợ cả. Còn đàn gà với vịt nữa. Vợ chồng mình còn phải đi ruộng đi rẫy kiếm cái ăn mà”- lý của bố Y Xăm khi bắt con nghỉ học là vậy.
Giờ đến nhà Y Hiu cũng muốn con bé nghỉ học để đi làm.
|
Ngoài giờ học, cả Y Xăm và Y Hiu, cũng như hầu hết những đứa trẻ đang lớn ở làng, đều là những lao động thực thụ trong gia đình. Chúng lên rẫy trồng mì, ra suối bắt cá, chăn bò, cắt cỏ, nấu cơm, tức là làm rất nhiều việc để đóng góp vào cuộc mưu sinh.
Nhưng vì cuộc sống khó khăn, nên chúng luôn đối diện với nguy cơ phải nghỉ học. Nghỉ học rồi, thì không có nhiều lựa chọn, hoặc là lo việc ruộng rẫy cùng cha mẹ, lớn lên chút nữa thì lấy vợ, lấy chồng; hai là theo người trong làng đi làm thuê.
“Nếu bố không cho đi học, con sẽ bỏ nhà đi”- con bé bật thốt lên với vẻ mặt nghiêm túc. Đôi môi nó mím lại.
Y Hiu muốn làm thầy thuốc cứu người. Nó muốn được như bác sĩ Toàn ở Đồn Biên phòng, bên người luôn có một cái túi to, bên trong đó có nhiều loại thuốc có thể cứu người.
Theo lời Y Hiu, có hai người mà nó rất yêu quý và thần tượng. Một là cô giáo Hân- giáo viên chủ nhiệm lớp nó, người còn lại là bác sĩ Toàn.
Trước đây, nó uớc mơ trở thành cô giáo. Dạy học cho lũ trẻ trong làng là điều rất hay. Y Xăm đồng ý với nó, và cũng muốn làm giáo viên.
Ước mơ làm cô giáo đã dẫn đường cho hai đứa đi qua những mùa khai giảng, trở thành những đứa trẻ học cao nhất ở làng này.
Đến mùa khai giảng thứ 8, một chuyện xảy ra làm Y Hiu trăn trở một thời gian.
Ngày nọ, ông của Y Hiu bị sốt rét rừng. Những cơn sốt hành hạ ông ghê gớm lắm. May sao có bác sĩ Toàn cứu chữa kịp thời. Trong làng có người đau ốm đều được bác sĩ Toàn tới khám, cấp thuốc, hầu hết đều khỏi, một số người bệnh nặng mới phải đi viện.
Cũng từ đấy, Y Hiu nghĩ, trong hai đứa nên có một đứa trở thành “bác sĩ” thì tốt hơn. Bàn bạc với Y Xăm mãi, hai đứa mới quyết định Y Xăm vẫn sẽ là cô giáo nó sẽ cố học để thành bác sĩ.
Mùa khai giảng thứ 9. Cô giáo Hân là chủ nhiệm lớp hai đứa. Nghe hai đứa tâm sự, cô giáo Hân hết sức ủng hộ.
Hàng ngày, đường đến trường của những đứa trẻ cứ men theo bìa rừng, những thửa ruộng bậc thang nối nhau, vắt từ dãy núi này sang dãy núi khác, uốn lượn trong sương.
Trường nằm ở trung tâm xã, trong một thung lũng. Những ngày đông, trường như chìm giữa một biển mây bồng bềnh. Nắng lên, tan mây, đứng ở trường nhìn chỉ thấy núi là núi.
Cô giáo Hân cũng đã dạy ở đây được 3 năm!
|
Mấy ai biết được rằng, ngày vào trường nhận nhiệm vụ, nhìn rừng núi âm u, nhà cửa lác đác bên sườn núi, dụng cụ dạy học thiếu thốn, số học sinh thường xuyên bỏ học khá nhiều, cô đã định bỏ về.
Nhưng cứ nhìn những đôi mắt đen sáng lên khi viết được một chữ hay làm xong một phép tính lại thấy thương, thấy gắn bó với nghề, rồi tự động viên mình ở lại vì “ai cũng chọn nơi đô thị thì nơi khó khăn hẻo lánh này ai sẽ tới mang chữ cho các em”.
Trong 3 năm qua, không thể tính được cô đã đi bao đêm, vượt bao suối, bao đồi mới duy trì được sĩ số học sinh cho lớp học.
Do cuộc sống còn nhiều khó khăn, người dân vẫn quan niệm “con chữ không no được cái bụng như làm ruộng, làm rẫy”, nên học sinh vắng học, nghỉ học thường xuyên.
Cứ thỉnh thoảng là có vài đứa không đến lớp. Chỉ cần học sinh vắng đến buổi thứ hai mà không thấy có lý do là thầy cô giáo lại lặn lội xuống làng, tìm đến tận nhà học sinh tìm hiểu, thuyết phục.
Một lần, hai lần, ba lần không được, thầy cô phải nhờ đến già làng, chính quyền hỗ trợ. Và để giữ học sinh lại với trường, các thầy cô giáo còn tìm cách giúp đỡ học sinh của mình. Em nào thiếu quyển vở, cây bút, cái cặp, thậm chí là đôi dép, bộ quần áo, các thầy cô đều cố gắng gom góp hoặc vận động hỗ trợ.
“Lấy chồng” và “làm rẫy” là hai lý do nghỉ học nổi bật xuất hiện trong tập biên bản vận động học sinh bỏ học trở lại trường của giáo viên ở trường.
Trời đã tối lúc nào không hay. Điếu thuốc rê vẫn lập lòe trên tay pa của Y Hiu.
“Nếu anh không cho con bé đi học, cuộc đời nó xem như lại cột chặt vào cái vòng luẩn quẩn lấy chồng sớm, đẻ nhiều con, lại nghèo thôi” - cô giáo Hân kiên trì nói.
Y Hiu giật mình, lo lắng nhìn pa. Nó không muốn như chị gái Y Út, hay mấy chị Y Huê, Y Áp, Y Koh trong làng. Chỉ hơn nó mấy tuổi mà bây giờ đã có chồng, con cái nheo nhóc.
“Cô giáo để mình xem đã”- pa Y Hiu đắn đo.
Cô giáo Hân biết, chuyện này không nóng vội được. Pa Y Hiu nói vậy thì tình hình cũng có chuyển biến rồi.
“Cô sẽ thuyết phục pa thêm. Chắc là pa sẽ cho em đi học tiếp thôi. Không được nghĩ đến điều dại dột”- Hân dặn dò Y Hiu trước khi về.
Tiếng xe máy nổ xua tan màn đêm tịch mịch. “Ngày mai vẫn còn bận rộn đây”- cô giáo Hân thầm nghĩ. Trong danh sách vẫn còn những trường hợp phải đến tận nhà thuyết phục.
Con đường về trường chìm trong sương đêm.
HỒNG LAM