Chuyện chép ở làng

07/07/2024 07:08

Gã lơ mơ tỉnh giấc. Ở ngoài sân vẫn còn tiếng lụp cụp rộn ràng của mấy cây dao chặt vào mặt thớt. Vẫn tiếng nói cười của con trai, con gái. Bữa cơm liên hoan kỷ niệm 40 năm lập làng còn vui lắm.

Gã tỉnh hẳn, lắc lắc đầu, nhớ lại chuyện hồi đêm. Thì ra, gã bị “đánh gục” nhanh chóng sau mấy vòng xoay của bát rượu gạo thơm nồng. Cũng không biết ai dìu gã vào phòng, còn cẩn thận xức dầu khắp người.

Gió từ hồ thổi về lồng lộng, đập vào cánh cửa, khiến nó kêu lạch xạch. Nghề nghiệp cứ bắt gã mãi rong ruổi, mãi lang thang. Gã đã đi nhiều nơi, ngủ nhiều nơi, từ khách sạn hạng sang đến ngủ bờ ngủ bụi; từ ngủ trong lán của người trồng rừng, người săn ong đến sàn nhà lạnh cóng nơi đỉnh núi.

Và đêm nay, gã ngủ ở một ngôi nhà nằm sát lòng hồ, đêm còn lơ mơ nghe dập dềnh con sóng.

Không thể phủ nhận, gã thích cuộc sống ở đây, thích ngôi làng nằm  trên một con dốc nhỏ, trên cái khoảng nghiêng nghiêng, van vát giữa một ngọn đồi và hồ Đăk Ui sung mãn này.

Giữ gìn bản sắc văn hóa. Ảnh: T.H

 

Nhà nào cũng day mặt ra hồ, nên lúc nào cũng đầy gió. Gió đem theo hơi nước mát mẻ len lỏi khắp nơi, xoa dịu đi cái nóng của mùa khô, cái ẩm thấp của mùa mưa.

Càng thích hơn là những con người chân thật đến bày cả gan ruột. Ngồi bên họ, gã thấy lòng mình cũng cởi mở, rộng rãi, hào sảng hẳn lên.

Mỗi lần đến, gã thích được ngả lưng trên mảnh chiếu trải dưới hè một ngôi nhà nào đó ẩn dưới vòm cây, nói dăm ba câu chuyện tầm phào với chủ nhà. Cảm giác thật gần gũi, thân thuộc.

Rồi khi chiều buông xuống. Từ những mái nhà, khói trắng cuộn lên, nhởn nhơ bay. Nhất định sẽ có vài ba chủ nhà gầy độ “sương sương”. Chỉ vậy là gã biết rằng, hôm nay mình lại say.

Rồi rượu được rót tràn ly, loại rượu gạo được ủ bằng men và chưng cất bằng bí kíp riêng của người Nùng, thơm nồng nàn, nhắm với khô cá đánh bắt từ dưới hồ, phơi bên lòng hồ rưng rức nắng. Mọi người cười nói ồn ào. Gã cũng hăng lên, vỗ tay, khoác vai.

Rồi kiểu gì thì gần hết bữa nhậu, vợ hoặc con gái chủ nhà sẽ bê nồi cháo cá bốc hơi nghi ngút lên, đặt vào giữa chiếu, xuýt xoa múc cho mỗi người một chén thật đầy.

Sau đó, mà không còn sau đó nữa, vì muốn lăn ra ngủ!

Gã tung chăn ngồi dậy, khoác cái áo ấm bước ra hè. Trời đầy sao, dù hồi chiều còn mưa sầm sập, mây đen vần vũ. Đống lửa đốt giữa sân vẫn rừng rực cháy. Người già vẫn đang kể cho đám con trai con gái nghe về chuyện lập làng trên quê mới.    

Vậy mà đã 40 năm qua rồi. Bỏ lại sau lưng những vất vả, khó khăn, người Nùng ta hiện đã có cuộc sống ấm no, sung túc ở quê hương mới rồi-  già làng nói với vẻ tự hào không giấu diếm.

Ngày ấy, ở quê hương Cao Bằng ruộng nương không đủ để trồng trọt, cuộc sống rất khó khăn- già đủng đỉnh kể, mà mắt như loáng nước. Cứ thế câu chuyện dài dài mãi theo dòng ký ức của già làng.

Năm 1984, một người bạn từng chiến đấu ở chiến trường Miền Nam về “rủ” ông vào Tây Nguyên lập nghiệp. Nghe kể về đất đai màu mỡ, phì nhiêu, hom sắn thả xuống cũng mọc thành cây, hạt lúa thả xuống cũng cho bông, nên ông mê lắm, thuyết phục cả nhà đi kinh tế mới.

Điều bất ngờ là còn có 10 hộ gia đình trong làng cũng nghe theo sự vận động của ông, quyết định rời quê hương, dắt díu nhau lên đường. Sau mấy ngày lặn lội, họ dừng chân bên một hồ nước rộng lớn, đất đai mênh mông, bạt ngàn lau lách.

Tung còn ngày xuân. Ảnh: TH

 

Với đôi bàn tay và đức tính chăm chỉ, siêng năng của người Nùng, được sự chia sẻ, giúp đỡ của chính quyền và người dân tại chỗ, họ căng lều, khai hoang xây dựng cuộc sống trên  quê mới.

Khó có thể kể hết những gian nan ngày ấy. Đàn ông chặt cây rừng, đắp đất làm nhà, phát lau lách; đàn bà, trẻ nhỏ tìm rau rừng, củ mài. Tối đến, bên bếp lửa, mọi người quây quần bên nhau, ăn uống, kể chuyện. Sống ở vùng quê mới, mọi người yêu thương, đùm bọc nhau thật lòng.

Thấy làm ăn thuận tiện, họ về rủ thêm người làng, người thân cùng “di dân” đến vùng đất mới. Cứ thế, số lượng hộ tăng dần, tăng dần. Tằn tiện, chắt chiu, họ đã tạo dựng nên cơ nghiệp.

Hôm nay, nhiều người thuộc thế hệ cha ông, những người đi trước mở đường, đã thành người thiên cổ, nhưng làng thì đã trù phú, ấm no. Từ mươi nóc nhà năm nào đã phát triển lên gần 100 nóc.

Không chỉ trồng lúa, trồng mì, nuôi cá, người dân trong làng còn tích cực trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, bời lời và phát triển chăn nuôi, đặc biệt, nhà nào cũng nuôi trâu, vừa để có sức kéo, vừa là nguồn thu nhập không nhỏ.

Những căn nhà tranh vách đất đã được thay mới bằng nhà kiên cố, khang trang. Làng không còn hộ nghèo; con em được học hành đến nơi đến chốn. Ai cũng tự hào vì đã góp phần cùng những dân tộc anh em khác xây dựng quê hương mới thêm giàu mạnh.

Những người thuộc thế hệ đầu tiên của làng vẫn nhớ và thực hiện tập tục coi trọng phụ nữ của người Nùng. Trong hôn nhân, con gái được quyền định đoạt duyên phận của mình; trong gia đình, khi quyết định một vấn đề gì thì người vợ có quyền tham gia.

Có lẽ vì vậy mà cuộc sống gia đình người Nùng luôn thuận hòa, hạnh phúc, có sự sẻ chia, chăm sóc giữa các thành viên. Ở làng chưa có trường hợp nào bạo lực gia đình, ly hôn.

Không chỉ vậy, làng vẫn giữ truyền thống tổ chức lễ sinh nhật cho bố mẹ. Khi bố hoặc mẹ bước sang tuổi mới, các con có trách nhiệm tổ chức lễ sinh nhật đàng hoàng để bố mẹ toại nguyện tuổi già và tự hào với dân làng.

Nếu gia đình nào chưa tổ chức sinh nhật hay mới tổ chức được một vài lần mà bố mẹ đã qua đời, điều này được xem là “phúc mỏng”.

Có cậu trai nào đó lại thêm củi vào đống lửa đang lụi dần. Dường như chưa ai muốn ngủ. Già làng nuông chiều nhìn đám con cháu, kể tiếp về những tập tục đẹp của người Nùng “để con cháu biết mà gìn giữ”.

Gã lại lơ mơ thiếp đi, trong hơi ấm của lửa và những chuyện kể!

THÀNH HƯNG

Chuyên mục khác