Chút lạnh đầu mùa

22/10/2024 06:13

Sáng nay, trời trở lạnh. Chút lành lạnh của đầu mùa khô ở Tây Nguyên se sắt, mơn trớn thịt da làm ta phải hít hà vì thích thú.

Vậy là mùa Thu đã rời đi, nhường chỗ cho mùa Đông lân la ghé về trên từng con phố nhỏ.

Có người bảo, ở Tây Nguyên chẳng có mùa Đông, vì không có cái lạnh buốt da buốt thịt kèm theo những cơn mưa dầm dề như ở miền Trung, miền Bắc, mà chỉ là mùa khô, có cái lạnh khá đặc trưng, đó là lạnh đi cùng với khô hanh.

Nhưng tôi vẫn thích, vẫn ủng hộ những ai gọi khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 là mùa Đông. Khi ấy, mỗi buổi chiều về, những cơn gió không biết từ đâu ào tới, tạo nên những bản nhạc đa sắc màu, lúc dịu dàng, lúc du dương, lúc trầm hùng.

Ai đã từng sống ở Tây Nguyên mới cảm nhận được hết nét đặc trưng của khí hậu nơi đây. Một ngày có khi thời tiết biến đổi đến bốn mùa, nhưng đã bước vào mùa khô rồi gió cứ miên man thổi, khí lạnh cứ tràn về bất kể lúc nào trong ngày, nhưng se lạnh nhất là vào buổi sáng hay về chiều.

Tiết trời làm cho người ta cảm nhận như thời gian cũng trôi đi chầm chậm hơn, như muốn níu giữ lại một cái đó trên những góc phố thân thương, trên từng con đường nhỏ nối phố với làng.

Chút lạnh đầu mùa làm cho những cô gái đang thong dong dạo bước trên phố trở lên xinh đẹp và quyến rũ hơn trong chiếc áo len mỏng, với đủ sắc màu, khoác nhẹ trên bờ vai. Cũng những cô gái ấy, mới hôm qua còn mang phong cách phóng khoáng, trẻ trung, mà hôm nay xuống phố thật dịu dàng.

 
Mùa khô cũng là mùa lễ hội của bà con các làng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên. Ảnh: S.C

 

Mùa vừa qua phố với chút không khí lành lạnh mà đã thấy vạn vật cũng nhanh chóng thay đổi theo để hòa mình vào bức tranh chung của mùa. Quán cà phê bên đường mọi ngày có “gu” âm nhạc trẻ trung, sôi động thì nay đã chuyển sang những bản nhạc trữ tình, nhẹ nhàng, sâu lắng.

Chớm Đông, dã quỳ đã bắt đầu e ấp nụ. Nhắc đến Tây Nguyên người ta hay liên tưởng đến một gam màu trầm mặc của gỗ, của cà phê, của đất đỏ bazan, nhưng mùa Đông, Tây Nguyên lại được điểm tô bởi những gam màu rực rỡ của sắc hoa dã quỳ vàng rực.

Dã quỳ ở Tây Nguyên mọc khắp nơi, trên triền đồi, hai bên đường, bên những góc vườn nhà. Dã quỳ điểm tô vẻ đẹp cho những cô gái Ba Na, Xơ Đăng... mỗi chiều đi rẫy về, tạo nên một hình ảnh tuyệt đẹp, đầm đà bản sắc khiến bao anh chàng ở phố về làng “săn” ảnh đắm say.

Mùa Đông đến cũng là lúc những chàng trai, cô gái Tây Nguyên khoác lên mình những bộ thổ cẩm rực rỡ sắc màu để hòa mình vào lễ hội cùng âm vang của cồng chiêng và hương rượu cần nồng ấm. Đêm xoang Tây Nguyên bập bùng ánh lửa xua đi cái lạnh nơi đại ngàn cao nguyên hùng vĩ, chỉ còn đọng lại tình đất và người, để rồi níu giữ chân bao du khách lưu luyến chẳng muốn rời đi.

Người ta bảo, những ngày chớm Đông ở Tây Nguyên làm nên vẻ đẹp rất riêng của Tây Nguyên. Chút nắng vàng nhẹ cứ quấn quýt cùng với gió với không khí se se lạnh vào buổi sáng hay về chiều trôi êm đềm trên triền đồi, trên những thung lũng, trên từng con phố khiến người ta cứ muốn đắm mình vào cảnh sắc, muốn hoài niệm để tìm về một khoảng trời bình yên.

Chút lạnh đầu mùa gợi cho người ta muốn trở về thời gian xa xăm của khoảng trời tuổi thơ. Bên bếp lửa, mẹ nấu nồi khoai lang, khoai mì thơm nức. Cảm giác đợi chờ để được mẹ cho thưởng thức những củ khoai có lẽ đã ăn vào tiềm thức của mỗi người con xa quê không thể nào phai mờ trong tâm trí. Để rồi khi đi xa, mỗi ngày trở lạnh, lòng lại nhớ da diết mùi khói bếp làm cay xè đôi mắt nhưng lại vô cùng ấm áp, thân thương.

Chút lạnh đầu mùa làm ta nhớ đến vườn rau của mẹ luôn xanh mướt ở góc vườn. Mùa này, mẹ bắt đầu gieo hạt. Chỉ sau mấy hôm, những luống cải ngọt, xà lách, rau ngò đã lún phún lên xanh tốt. Mẹ tỉa cho cả nhà ăn dần. Ăn hết luống rau này, mẹ lại làm đất trồng tiếp, cứ như thế cho đến Tết, lúc nào trong vườn nhà cũng có rau xanh.

Sáng nay, trong tiết trời lành lạnh, nhìn về dòng Đăk Bla với làn nước nhuốm màu phù sa trôi lững lờ cùng “phố núi” bình yên, càng thêm yêu Tây Nguyên quá đỗi.

SÔNG CÔN

Chuyên mục khác