24/05/2025 06:01
|
Trong ký ức tuổi thơ của nhiều người sống miền thôn quê, tiếng chim vịt kêu như là tiếng chim gọi hè về. Vì loài chim này thường kêu nhiều vào độ tháng 4, tháng 5, ấy cũng là khi hoa gạo nở đỏ cành, trên tán lá xanh rì của những cây phượng nơi góc sân trường cũng ủ những đốm lửa, chuẩn bị bung ra đón mùa hè đến.
Người ta bảo, tiếng con chim vịt nghe buồn não nuột, ấy vậy mà, ngày nhỏ, con nít ở quê chẳng những không để ý điều này, mà còn thấy vui mỗi khi nghe tiếng chim hót vì báo hiệu sắp được nghỉ hè.
Đã vậy, mỗi khi nghe tiếng chim vịt hót vang sau nhà, như tiếng vịt kêu bầy “vít vít vít”, là cả bọn con nít lại rủ nhau đi lùng sục trên những nhành cây cao trong vườn để tìm kiếm. Chim vịt không dễ tìm vì chúng thường đậu trên thân cây cao. Tuy nhiên, nói là khó tìm vậy thôi chứ làm sao qua được ánh mắt của bọn trẻ con ở làng. Loài chim nào, có màu lông gì, tiếng hót ra làm sao, bọn trẻ đều biết rành rọt.
Chim vịt có hình dáng không quá bắt mắt, nhưng với trẻ con đó là loài chim rất đỗi dễ thương vì sự nhỏ nhắn, đáng yêu và đặc biệt là tiếng hót trong trẻo. Chim trống có bộ lông màu xám, phía đuôi có những vệt đen, trắng; bụng có màu hạt dẻ, chân vàng. Còn chim mái, màu lông có đặc biệt hơn, không phải xám mà là màu nâu pha đen; phần bụng có màu trắng, chân vàng. Chim vịt kêu cũng vô chừng lắm, khi thì sáng sớm đã nghe tiếng chim hót; lúc thì về chiều, nhiều khi ríu rít cả ban đêm.
Kinh nghiệm dân gian ở quê tôi, mỗi khi nghe tiếng chim vịt thì sẽ “được mùa cá”. Nên mỗi khi nghe tiếng chim vịt kêu là nhà nhà lại chuẩn bị chum, vại chờ “cá lên” mua về ủ mắm. Nói là kinh nghiệm dân gian nhưng xem ra đúng lắm luôn, cứ mỗi khi chim vịt kêu nhiều y như rằng cá cơm được chở lên đầy nhóc chợ quê. Mỗi lần như vậy, nhà nào nhà nấy cũng mua vài ba đôi gánh cá cơm về muối mắm.
Sau này lớn lên tìm hiểu mới biết, loài chim này có một sự tích rất đỗi đáng thương. Chuyện là, ngày xưa có một cậu bé đi chăn vịt cho nhà phú hộ để trả nợ cho cha mẹ nghèo. Một hôm, vợ phú hộ kiểm vịt thì thấy thiếu mất mấy con nên đã đánh chửi và bắt cậu bé đi tìm số vịt còn thiếu. Cậu bé đã đi từ chiều đến tối cùng với tiếng kêu tha thiết mà chẳng thấy những con vịt thất lạc trở về. Trong nhiều ngày, vì đói, khát, cậu bé đã chết đi, đầu thai thành chim vịt, cứ tầm chập tối là bắt đầu lang thang đi từ nơi này đến nơi khác cất tiếng kêu lảnh lót mà u oán, đầy khắc khoải.
Cô bé nghe mẹ kể chuyện sự tích chim vịt cứ há hốc mồm hỏi liên tù tì bao nhiêu là câu hỏi chất chứa sự thắc mắc, hiếu kỳ. Mẹ hỏi nó, con nghe tiếng chim kêu cảm nhận thế nào, nó bảo thấy buồn vì thương cậu bé. Nhưng rồi sực nhớ ra tiếng chim kêu báo hiệu mùa Hè đến, gương mặt nó lại vui.
Bây giờ, những đứa trẻ của ngày xưa đã ở bên kia dốc của cuộc đời, lại sống xa quê nên luôn sống với những ký ức, hoài niệm. Mỗi khi có dịp trở về, ngồi ở bờ ao làng nghe tiếng chim vịt kêu chiều mà man mác những niềm thương nỗi nhớ.
Chị gái lấy chồng phương xa, mỗi khi nghe tiếng chim vịt kêu chiều lại gọi điện về rưng rức khóc vì nỗi nhớ quê, nhớ nhà da diết như câu ca dao xưa:
“Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau”.
|
Còn mấy ngày nữa thôi là bọn trẻ sẽ được nghỉ hè. Mấy bữa nay nghe phía vườn nhà tiếng chim vịt kêu chiều mà dậy lên niềm nhớ.
SÔNG CÔN