02/01/2024 13:20
Dù người dẫn đường bảo là điểm đến vẫn còn xa lắm, nhưng cái lạnh của mưa, của gió khiến đôi mắt cứ ngóng trông về phía trước. Sau hơn 2h đồng hồ leo bộ, việc chinh phục những con dốc dựng đứng đủ khiến chiếc bụng réo ầm ĩ, “biểu tình”. Khi mắt mờ, chân run run, cũng là lúc ngôi trường nho nhỏ hiện ra. Khung cảnh im ắng. Bởi giờ này, đã quá trưa. Trong ngôi nhà nhỏ được lợp bằng tôn ngay cạnh trường, các thầy cô vẫn chờ đợi. Nghe thấy tiếng gọi cửa từ xa, tất cả vội vàng chào đón rồi dọn bữa cơm thân mật.
Nồi cơm được xoay qua một bên bếp lửa trong ngôi nhà được phủ bốn bề bằng tôn. Chén bát đã sẵn sàng, chỉ đợi khách đến, bữa ăn sẽ bắt đầu. Những câu chuyện rôm rả như sợi dây kết nối người lạ thành quen. Bởi thế, dù mới gặp lần đầu nhưng sau vài ba phút trò chuyện như thân quen lâu lắm rồi.
|
Một bữa ăn dân dã. Có trứng chiên, cá khô và canh rau rừng nấu với tép khô. Nồi cơm bốc khói nghi ngút. Bên bếp lửa nồng đượm, cơm được bới ra chén, quyện một mùi thơm khó tả. Cơm hạt đỏ, hạt trắng xen lẫn vào nhau. Bên mâm cơm, mọi người chuyện trò rôm rả.
Xung quanh câu chuyện vẫn là cơm được nấu từ gạo lúa “bọc thép”. Cơm được nấu cả tiếng đồng hồ, hạt cơm vẫn không nở, khô, cứng và rời rạc hệt như cơm còn sống. Cơm từ lúa “bọc thép” là đặc sản ở vùng rẻo cao Ngọc Linh, Mường Hoong. Dù cơm khô, nhưng nhai kỹ, vị ngòn ngọt và giúp bụng no lâu.
Nồi cơm nóng hổi, hạt đỏ, hạt trắng xen lẫn nhau. Quả thực, cơm không mềm cũng chẳng dẻo, từng hạt rời rạc, không thể gắn kết được với nhau. Thế nhưng, lạ lắm, khi nhai kỹ, cảm nhận được vị ngọt rõ rệt, không như cơm ở nhà thường ăn. Thầy cô bảo rằng, ở đây đã lâu nên quen với loại gạo nhiều chất dinh dưỡng này, nên khi ăn gạo khác, dù hạt cơm trắng tinh, dẻo nhưng lại không thấy ngon miệng.
Từ những câu chuyện của thầy cô, chợt nhớ lại trong hành trình lên trường, tôi đã khựng lại trước hình ảnh hai ông bà già lủi thủi, mặc áo mưa, đưa đôi bàn tay nhăn nheo tuốt từng bông lúa vào chiếc rổ. Lúc ấy, rưng rưng nước mắt. Vì thương. Vì nghĩ rằng, thời buổi này, máy móc công nghệ hiện đại, tại sao vẫn còn tuốt lúa bằng tay. Nhưng khi lắng nghe, khi biết về loại lúa này, thì mới hiểu, mọi việc không như mình nghĩ.
Thầy cô giáo ở làng nói rằng, đó là cách người dân ở những sườn đồi vắt vẻo thu hoạch những hạt lúa bọc thép từ bao đời nay. Không phải thiếu dụng cụ sản xuất, mà bởi loại lúa này có đặc trưng: hạt chín không đều. Vậy nên để đảm bảo chất lượng, người dân phải tuốt đến 2-3 lần.
Ở Ngọc Linh quả thực có nhiều điều thú vị. Và riêng về lúa “bọc thép” cũng có nhiều điều đặc biệt. Tất cả các công đoạn từ lúc trồng đến lúc thu hoạch đều được thực hiện bằng đôi bàn tay, đôi chân nhỏ bé của người Xơ Đăng. Chẳng cần phân tro, cây lúa mọc và sống dựa vào thiên nhiên. Lúa “bọc thép” có thời gian sinh trưởng kéo dài gấp đôi các loại lúa mới khác, từ lúc trồng đến lúc thu hoạch phải mất từ 5-6 tháng. Hạt lúa to, vỏ dày và đen nâu, cứng như… thép. Nhưng sau tất cả, điều đặc biệt nhất vẫn là hạt lúa mang đến những nồi cơm với hương vị rất đặc trưng.
|
Trở lại Ngọc Linh, Mường Hoong nhiều lần, mọi thứ thay đổi, đâu đó chỉ còn số ít vẫn trung thành với lúa “bọc thép”. Bà con sản xuất lúa mới, năng suất cao hơn, nhưng sao tôi vẫn thấy tiếc nuối khi lúa bọc thép không còn được sản xuất nhiều như khi xưa.
Và dù nhiều năm trôi qua, bữa cơm hôm ấy ở làng vẫn khiến tôi nhớ mãi. Hôm nay, bất chợt thấy anh bạn có ý định tìm kiếm, phát triển lúa “bọc thép” nhưng vẫn giữ việc canh tác theo truyền thống của người dân bản địa, lại thấy trong lòng rộn ràng, phấn khởi. Lục lại tấm hình xưa, kỉ niệm ngày nào chợt ùa về trong tích tắc và lại miên man nhớ.
Chợt nhớ, một người già ở làng từng thủ thỉ rằng, việc chạy theo những thứ hiện đại sẽ giúp người nông dân đỡ vất vả hơn. Nhưng với ông, việc làm ra và được ăn cơm từ gạo lúa “bọc thép” nhiều dinh dưỡng, không chất hóa học mới chính là cách chăm sóc sức khỏe cho mình tốt nhất.
Bình An