Biên cương nghĩa tình

03/03/2024 13:49

Ai đó đã nói, sự hiện diện của những người lính mang quân hàm xanh đã làm cho biên cương gian khó mà tự hào trở nên đẹp đẽ, quyến rũ lạ kì.

Bài viết này, vốn không phải một bài viết thông thường, theo khuôn mẫu thông thường. Đây là bài viết “văn nghệ”, nên đôi khi mang tính chung chung, phiếm chỉ.

Lại còn được viết lên bởi một người vụng về, nên không thể tránh khỏi rời rạc và chắp vá, lan man.   

Nhưng tôi mong rằng sẽ được thông cảm, bởi người viết dựa trên những câu chuyện có thật, nhân vật có thật. Và là một chút tâm ý tặng những người lính biên phòng nơi “đầu sông đầu suối”.

Dù đã mấy năm trôi qua, nhưng hình ảnh cậu bé mặc đồng phục học sinh quấn quýt bên chàng sĩ quan biên phòng trẻ vẫn đọng trong tâm trí tôi.

Hôm ấy, tôi đã đứng rất lâu để ngắm hình ảnh ấy. Ngắm mải mê đến mức đồng chí chính trị viên đến bên cạnh lúc nào không hay. Chỉ khi anh cất tiếng tôi mới nhận ra: Sao thần người ra thế?

Đẹp, phải nói là rất đẹp anh ạ. Em nghĩ hình ảnh này làm dịu mát cả một vùng biên cương “nắng như rang, gió như phang” đấy- tôi trả lời.

Cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng tăng gia sản xuất để có thêm kinh phí hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh: T.H

 

Anh gật đầu đồng tình: Cậu bé ấy có hoàn cảnh đặc biệt lắm. Bố mất do bệnh nặng khi cậu mới 6 tuổi; mẹ phát bệnh tâm thần rồi bỏ đi đâu chẳng rõ. Kể từ đó cậu bé sống cùng bà ngoại đã 80 tuổi trong ngôi nhà xập xệ.

Thấy hoàn cảnh quá khó khăn của gia đình cậu bé, ban chỉ huy đồn đã quyết định nhận cậu bé làm con nuôi và đón về đồn chăm sóc, nuôi nấng.

Vậy là, tuy mất đi bố ruột, nhưng cậu lại có nhiều bố nuôi. Trong số ấy, cậu bé quý nhất, tin tưởng nhất là anh chàng đang cắt tóc ấy. Cứ đi học về là quấn quýt, ríu tít kể đủ thứ chuyện- đồng chí chính trị viên kể. 

Anh chàng sĩ quan lấy khăn phủi nhẹ trên đôi vai gầy của cậu bé, nói: Xong rồi. Gớm, tóc của cu cậu dài nhanh thôi rồi, tháng nào cũng phải cắt.

Tôi và đồng chí chính trị viên đến gần. Anh nắn nắn tay cậu bé: Chà có da có thịt rồi, tay chân chắc nịch nhỉ.

Mọi người cười vui. Cậu bé nắm chặt áo anh sĩ quan, cười bẽn lẽn, có phần nhút nhát. Đôi mắt sáng và sâu ánh lên niềm vui.

Cậu bé chỉ là 1 trong 14 cháu có hoàn cảnh đặc biệt được Bộ đội Biên phòng nuôi dưỡng, chăm sóc qua mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”.

Các em đã nhận được sự yêu thương từ những người cha nuôi- là cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng; có cơ hội để học tập và phát triển, vươn mình trở thành người có ích cho xã hội.

Thú thật là tôi rất cảm động trước tình cha-con “đặc biệt” trên dọc dài biên cương. Nói là “đặc biệt” là vì giữa họ không có sợi dây máu mủ ruột già, nhưng gắn kết bởi nghĩa và tình, sâu nặng đâu kém gì “máu đào”.

Vì con mà cha có thể làm việc gấp hai gấp ba bình thường. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cha còn đảm đương nhiệm vụ đưa đón con đến trường, kèm cặp con học bài; chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ, giặt giũ, cắt tóc.

Vì cha mà các con luôn cố gắng chăm ngoan, đi học chuyên cần; thay đổi những thói quen không tốt hàng ngày, rèn luyện nếp sống của quân nhân, như dậy sớm tập thể dục, dọn vệ sinh. Và nhất là biết ước mơ và có mục tiêu phấn đấu trở thành người có ích.

Trẻ em người DTTS thường ngại giao tiếp, nhất là với người lạ; trẻ em người DTTS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn lại càng nhút nhát, khó bắt chuyện. Để các em nói chuyện, rồi quý mến, tin tưởng khó vô cùng.

Đã có 14 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh nhận làm con nuôi. Ảnh: TH

 

Mọi chế độ thì đồn lo, nhưng tình cảm là thứ không thể áp đặt hay cân đong được, cũng không thể thực hiện nhiệm vụ một cách qua loa được. Các em rất cần một cái dắt tay qua khúc gập ghềnh, sự chở che khi qua vùng gió ngược, như sự dìu dắt khi leo lên con dốc. 

Mỗi tháng hỗ trợ một khoản tiền chỉ ở khía cạnh kinh tế. Không thể đem phong bì năm trăm, một triệu đến đưa cho các em hay người thân các em là xong.

Càng không thể ngồi đấy mà răn dạy phải làm thế này, phải làm thế kia. Phải mưa dầm thấm lâu. Qua lại thăm hỏi, động viên, nắm tình hình học tập của các con; đầu năm đưa các con đến trường khai giảng; con ốm đau hay có việc gì đột xuất thì giúp đỡ, giải quyết. Nhiều lắm.

Nói “bận như nuôi con mọn” là vậy. Điều quan trọng nhất là phải xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim; đối đãi với các con như ruột thịt của mình.

“Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt"- câu khẩu hiệu quen thuộc ấy được treo ở bất cứ đồn biên phòng nào. Nhưng làm thế nào để đồn là nhà, biên giới là quê hương? Làm thế nào để tạo dựng mối quan hệ thân tình, khăng khít, ruột thịt với bà con? 

Đây lại là cả quá trình bồi đắp, vun trồng bằng nghị lực, hành động và trái tim chứ không phải học thuộc lòng, rồi hô vang mỗi ngày là có.

Khi ngồi viết những dòng này, tôi lại nhớ đến hình ảnh chàng sĩ quan biên phòng trẻ đang cắt tóc cho một cậu bé mặc đồng phục học sinh dưới gốc cây trước sân đồn cách đây 3 năm.

Không biết chàng sĩ quan ấy có còn công tác ở đồn ấy nữa không, hay là chuyển đi đơn vị mới. Cậu bé nữa, nay chắc đã cao lớn rồi.

Việc làm của anh sẽ hòa chung với những “người cha nuôi khác”, được biết đến qua mấy chữ ngắn ngủi trong báo cáo: Đã nhận nuôi dưỡng 14 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Nhưng bằng những việc làm của các anh, biên viễn bỗng trở nên gần gũi. Bằng nghĩa tình của các anh, biên cương gian khó mà tự hào trở nên đẹp đẽ, quyến rũ lạ kì.

THÀNH HƯNG

Chuyên mục khác