03/07/2023 13:07
Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị là một chủ trương đúng đắn và cần thiết, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp. Đặc biệt, trong giai đoạn Đảng ta đang tăng cường chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm làm cho Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực thi đúng pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển.
Ngay sau khi Quyết định 218-QĐ/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ; các cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn cũng hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện và thành phố.
Điều dễ dàng nhận thấy là sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự hưởng ứng đồng loạt của các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị, các tổ chức đoàn thể, công tác tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền từng bước đi vào chiều sâu; vai trò, vị thế của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội trong tỉnh ngày càng được nâng cao, thể hiện rõ nét vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân, trở thành cấu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
|
Trong 10 năm qua, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội các cấp trong tỉnh đã tích cực triển khai công tác tham gia góp ý xây dựng Đảng. Các nội dung góp ý xây dựng Đảng tập trung vào các lĩnh vực như: Việc thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng; thực hiện mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên với nhân dân; tham gia góp ý vào dự thảo các nghị quyết của các cấp ủy, nhất là góp ý văn kiện Đại hội lần thứ XII, XIII của Đảng; văn kiện đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025.
Song song với góp ý xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh tổ chức góp ý với cơ quan, tổ chức về các nội dung như: Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND; chương trình, kế hoạch của UBND cùng cấp; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới; thực hiện cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân. Tổ chức góp ý với cá nhân về việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ công dân; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu chính quyền các cấp.
Ở chiều ngược lại, các cấp ủy, tổ chức đảng đã đảm bảo thực hiện việc cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên theo quy định của Đảng; thực hiện nghiêm việc công khai cho nhân dân biết về 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; 19 điều đảng viên không được làm; các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; các chủ trương, chính sách, quy trình, thủ tục giải quyết công việc của tổ chức, công dân... để nhân dân biết, góp ý và giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.
Đồng thời tiếp tục phát huy trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu trong việc tiếp công dân, đối thoại với nhân dân, giải quyết, xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân. Riêng cá nhân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và bí thư cấp ủy các cấp đã thực hiện nghiêm việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, giải quyết các kiến nghị, phản ánh của dân. Bí thư các cấp ủy đã cụ thể hóa và thực hiện nghiêm chế độ tiếp xúc, đối thoại với công dân theo quy định; sau đối thoại đều có thông báo đến các cơ quan, tổ chức và nhân dân biết. Ngoài ra, việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét của nhân dân nơi cư trú đối với cán bộ, đảng viên mỗi năm một lần trước khi tiến hành tổ chức kiểm điểm tổ chức đảng, đảng viên và trước khi thực hiện quy hoạch cán bộ theo quy định được duy trì và thực hiện nghiêm.
Bên cạnh đó, chính quyền các cấp đã chỉ đạo các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý theo phân cấp tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung công khai để người dân biết, những nội dung tham gia góp ý để cấp có thẩm quyền quyết định; những nội dung người dân bàn và quyết định trực tiếp theo quy định. Đồng thời thực hiện công khai, đầy đủ, rõ ràng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của HĐND; dự án phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, dự toán, quyết toán ngân sách hằng năm; phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư khi triển khai dự án đầu tư...
Đặc biệt là công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND trước, trong và sau các kỳ họp thường kỳ được thực hiện dân chủ, bình đẳng, công khai, thẳng thắn giữa cử tri và các đại biểu. Các ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri tại hội nghị tiếp xúc đã được các đại biểu tiếp thu, kịp thời chuyển đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời cử tri.
Quyết định 218-QĐ/TW được ban hành đã tạo “cơ chế” và những định hướng cụ thể để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần quan trọng trong nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và năng lực quản lý, lãnh đạo, điều hành của chính quyền các cấp ngày càng vững mạnh.
Dương Đức Nhuận