25/05/2017 10:03
Không lo sao được khi đây không phải là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh xảy ra chuyện con trẻ bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn tại trường. Cách đây 3 năm, 48 học trò của Trường THCS Phan Đình Phùng, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy đã phải nhập viện sau bữa cơm chiều; và trước đó, hơn 170 học sinh của Trường tiểu học Võ Thị Sáu cũng của xã Hơ Moong bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa tại trường…
Lo vì các trường vùng sâu, vùng xa cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đạt các tiêu chí đã đành, ngay tại thành phố Kon Tum - theo kết quả đợt kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại 21 trường có tổ chức bếp ăn tập thể và căng tin (gồm 17 bếp ăn tập thể và 4 căng tin) do Sở Y tế phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức từ ngày 10-14/4 cho thấy, có 5/8 mẫu không đạt chỉ tiêu E. Coli, 2/8 mẫu không đạt chỉ tiêu hàn the. Đồng thời, đoàn kiểm tra đã tiến hành làm test nhanh 218 test về hàn the, foocmon, nitrit, phẩm màu, ure, sunfit, thử nước đun sôi, độ sạch bát đĩa, độ ôi khét, thuốc trừ sâu… thì trong đó có 84 test dương tính với độ sạch bát đĩa, thuốc trừ sâu, sunfit.
Lo nữa là dù đã ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, nhưng đến nay, một số bếp ăn tập thể và căng tin tại các trường chưa thực hiện đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Vì hầu hết vi phạm an toàn thực phẩm nói chung, vi phạm an toàn thực phẩm trong trường học nói riêng chỉ được phát hiện sau khi xảy ra ngộ độc thực phẩm. Vì hiện nay các trường trên địa bàn tỉnh đều tự mua thực phẩm về chế biến món ăn cho học sinh nhưng nguồn gốc thực phẩm thì lại phụ thuộc vào người sản xuất. Vì chưa tính đến sự cân đối, đa dạng thực phẩm, chưa tính mức calo đạt được trong bữa ăn, hàng loạt vấn đề về an toàn thực phẩm như: khu vực chế biến, dụng cụ rửa tay của học sinh trước khi ăn, bếp ăn, nguồn nước uống cho học sinh… cũng chưa đảm bảo. Vì ngay chính đội ngũ nhân viên phục vụ bán trú ở các trường cũng chưa có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, chưa thực hiện khám sức khỏe định kỳ. Vì dù tiền ăn mỗi ngày của con trẻ tăng đều qua các năm học, nhà trường cũng hứa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… nhưng nhiều hôm con trẻ về nhà bị nôn ói, tiêu chảy nhẹ, kể ra món nọ, món kia có mùi lạ, khó ăn…
Trước tình trạng này, không ít phụ huynh cực đoan đã chọn cách chịu khó đưa đón con trẻ về nhà để ăn cơm và tiện chăm sóc. Họ lý giải rằng, trẻ em tuổi học đường là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong chăm sóc dinh dưỡng theo chu kỳ vòng đời. Ở giai đoạn này, nếu trẻ được chăm sóc dinh dưỡng tốt, cùng với một chế độ luyện tập thể lực phù hợp, trẻ sẽ phát triển một cách toàn diện cả về thể lực và trí lực. Mặt khác, lứa tuổi này sức đề kháng còn yếu… khi thực phẩm thiếu an toàn sẽ dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm và đáng nói là nếu bị ngộ độc rất dễ xảy ra các biến chứng nguy hiểm.
Biết là thế, nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, trường học xa nhà cả chục cây số, đường sá đi lại gập ghềnh gian khó, con mình được ở bán trú cả tuần, được nhà trường lo cho giấc ngủ, bữa ăn thì còn gì mừng hơn. Còn ngay vùng thuận lợi, có người nhà ở xa trường, có người chẳng thể bỏ công bỏ việc dang dở, bộn bề để chạy về lo cơm nước, đưa con đi, đón con về… đành phải chịu cảnh vừa gửi con ở bán trú vừa lo ngay ngáy.
Bởi vậy, dù thời điểm này là cuối năm học, dù bếp ăn Trường Mẫu giáo Đăk Hring đã tạm thời đình chỉ hoạt động song hiểm họa từ những vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn trường học, căng tin không phải là không thể xảy ra.
Làm thế nào để giải quyết được rốt ráo, tận gốc vấn đề, bảo đảm an toàn thực phẩm cho từng bữa ăn của học sinh bán trú, nội trú vẫn là mối băn khoăn, trăn trở không chỉ của ngành Giáo dục, ngành Y tế, của các bậc phụ huynh mà còn của toàn xã hội. Nếu chúng ta không tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và có giải pháp triệt để để cải thiện việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm tại các trường học thì số vụ, số học sinh bị ngộ độc thực phẩm sẽ còn tăng.
Nguyên Phúc