02/06/2017 13:01
Từ những bất cập
Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 chưa quy định thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày nhận được báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri của Thường trực HĐND tỉnh thì UBND tỉnh phải có trách nhiệm trả lời.
Đối với việc trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri sau kỳ họp HĐND tỉnh, UBND tỉnh có thể xem xét, giải quyết và trả lời đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên, đối với việc trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri trước kỳ họp thì còn nhiều bất cập.
Thực tế cho thấy, kể từ khi nhận được báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp do Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến, UBND tỉnh có khoảng 15-20 ngày (kể cả ngày nghỉ), thậm chí còn ít hơn để xem xét, giải quyết và trình bày báo cáo này trước kỳ họp để HĐND tỉnh xem xét. Với quỹ thời gian quá ngắn như vậy, UBND tỉnh dù có cố gắng đến mấy cũng không thể giải quyết thấu đáo mọi ý kiến, kiến nghị của cử tri.
|
Để có thời gian nhiều hơn cho UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị hữu quan trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp mà tổ chức tiếp xúc cử tri sớm hơn thì các cơ quan liên quan chuẩn bị tài liệu không kịp. Do đó, trong báo cáo kết quả giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp có kiến nghị đã được giải quyết rõ ràng, nhưng cũng có những kiến nghị UBND tỉnh trả lời để cử tri và đại biểu HĐND tỉnh biết, còn giải quyết thì chưa có đủ thời gian, chưa có đủ nguồn lực...
Có lẽ thấu hiểu và chia sẻ những bất cập này nên hiếm khi và rất ít đại biểu chất vấn UBND tỉnh khi xem xét báo cáo này.
Bao nhiêu ngày là phù hợp?
Hiện nay, luật chưa quy định thời hạn UBND gửi báo cáo kết quả giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri cho HĐND là bao nhiêu ngày để các ban của HĐND thẩm tra theo sự phân công của Thường trực HĐND (Khoản 2 Điều 74 Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015), để Thường trực HĐND báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri ở địa phương đã được gửi đến HĐND tại kỳ họp trước (Khoản 3, Điều 90, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015).
Trong khi chờ luật, Thường trực HĐND một số địa phương đã vận dụng Khoản 1, Điều 36, Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13 - ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tiếp xúc cử tri, để yêu cầu UBND báo cáo kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Với khoảng thời gian 60 ngày, UBND có thể xem xét, chỉ đạo giải quyết và trả lời tương đối đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri. Thời hạn này tính từ ngày nhận được báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước hay sau kỳ họp. Vấn đề này cũng chưa có quy định rõ ràng, cụ thể.
Nếu thời hạn là 60 ngày để UBND có báo cáo kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri thì Thường trực HĐND sẽ nhận báo cáo này vào giữa tháng 9 của năm này (đối với kỳ họp giữa năm tháng 6-7) và giữa tháng 3 năm sau (đối với kỳ họp cuối năm tháng 12). Có lẽ đây cũng là thời điểm mà các ban cũng như Thường trực HĐND có nhiều thời gian và chủ động trong công tác thẩm tra và giám sát theo luật định.
Từ đó, thiết nghĩ quy định thời hạn trả lời sau kỳ họp là phù hợp. Bởi khi đó, Thường trực HĐND đã chuyển đến UBND đầy đủ kiến nghị của cử tri gửi đến một kỳ họp để UBND xem xét, giải quyết, trả lời cử tri và trình bày tại kỳ họp HĐND tiếp theo. Còn Thường trực HĐND sẽ giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri đã được gửi đến HĐND tại kỳ họp trước và trình bày tại kỳ họp này. Cùng một thời điểm, đại biểu HĐND nghe UBND báo cáo kết quả giải quyết, trả lời và nghe Thường trực HĐND báo cáo kết quả giám sát. Như vậy vừa phù hợp với thực tiễn, không sai luật mà trọn vẹn cả đôi đường.
Bài và ảnh: Tài Lương