30/04/2017 14:03
1. Trong không khí cả nước hân hoan kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Đăk Tô nói riêng và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh có thêm niềm vui chào đón kỷ niệm 45 năm chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972-24/4/2017) và đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.
45 năm trước, toàn Đảng bộ, toàn quân, dân Đăk Tô nói riêng và toàn tỉnh nói chung đã khẩn trương tập trung cho trận tuyến với quyết tâm cao độ và một khí thế vô cùng sôi động “Trường Sơn chuyển mình, Pô Kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng quê hương”. Và đúng 11h trưa 24/4/1972, lá cờ giải phóng của Tỉnh ủy Kon Tum tung bay ở đỉnh trung tâm căn cứ 42 của địch, loan tin chiến thắng.
Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh là khúc ca hùng tráng về tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ giữa các binh chủng, giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đã làm thay đổi cục diện chiến trường ở Tây Nguyên, góp phần làm nên thắng lợi tại Hội nghị Pari, buộc Đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, chấp nhận thất bại rút quân về nước; tạo đà cho Đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
|
Tiếp nối mạch nguồn chiến thắng ấy, tiếp nối khí thế của “Trường Sơn chuyển mình, Pô Kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng quê hương” ấy, trên chiến trường tỉnh, quân ta liên tiếp giành những thắng lợi trong năm 1974: giải phóng Đăk Pét (5/1974), Măng Bút (8/1974), Măng Đen (10/1974), đã đẩy địch ở Kon Tum vào tình thế khó khăn bị bao vây cô lập, phải co cụm về tuyến phòng thủ cuối cùng ở thị xã. Đúng 3 năm sau, ngày 16/3/1975, thị xã Kon Tum được giải phóng.
Và đến ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, mở ra một trang sử mới cho dân tộc: hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc - mãi mãi được các thế hệ mai sau tự hào, biết ơn sâu sắc và lưu truyền mãi mãi.
2. Khó có thể nói hết những gian khó mà đất nước ta, đặc biệt là vùng đất Kon Tum - chảo lửa trong chiến tranh phải trải qua. Thế nhưng, dù có khó khăn đến đâu, mỗi người dân Kon Tum đều tự nhủ mình, truyền thống anh hùng trong những năm kháng chiến chính là yếu tố tiên quyết, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu để tỉnh nhà phát huy lợi thế, tận dụng thời cơ, từng bước vượt qua khó khăn, tiếp tục đạt được nhiều thành quả quan trọng trong thời bình.
Những thành quả ấy, đặc biệt là trong 26 năm thành lập lại tỉnh có những cái đang thử nghiệm và có nơi đã thành công, có nơi còn bộn bề dang dở… nhưng mỗi người đều thấy rõ nếu cứ tiếp nối mạch nguồn của quá khứ, tiếp nối tinh thần kiên cường, tiếp nối truyền thống đoàn kết… thì “hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ” trong mỗi gia đình, trong mỗi xóm làng sẽ được cầm trên tay…
Bởi vậy, nếu trong chiến tranh, khát vọng độc lập tự do là ngọn cờ hiệu triệu mọi trái tim hướng về tiền tuyến, người không được xung trận sẵn sàng làm hậu phương vững chắc; thì trong hòa bình, khát vọng làm cho dân giàu, nước mạnh, quê hương phồn vinh là ngọn lửa sưởi ấm để mỗi người vượt qua bao gian khổ, khó khăn. Và chính ý chí quyết chiến quyết thắng luôn thôi thúc mỗi người dân đất Việt không cam chịu cảnh nghèo nàn lạc hậu, chậm phát triển...
Vậy là như một sự tiếp nối tất yếu, chiến tranh đi qua, nhân dân Kon Tum lại theo Đảng làm nên những kỳ tích trên mặt trận xóa đói giảm nghèo, tiến bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đói nghèo lạc hậu đang dần đẩy lùi, nhường chỗ cho cuộc sống mới no ấm hơn. Sự giao thoa kỳ diệu giữa tình dân - ý Đảng đã tạo nên sự đồng thuận lớn lao giúp Kon Tum vượt qua chồng chất khó khăn: lạm phát, thời tiết diễn biến thất thường...
Từ một thị xã nhỏ bé “chưa có nhiều phố phường và cũng chưa có nhà máy điện, trừ nhà công sứ có đặt máy nổ phát điện riêng biệt. Thị xã cũng chỉ có năm con đường đất nhỏ ngang dọc, lên dốc xuống khe gồ ghề, dân cư thưa thớt” thì ngày nay thành phố Kon Tum được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc. Tỉnh từng bước chuyển dịch một cách mạnh mẽ sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đều tăng cao, năm sau cao hơn năm trước.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đạt trên 32 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 22,6%. Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân có nhiều cải thiện; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được củng cố và giữ vững. Cùng với tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ tỉnh tiếp tục quan tâm công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt.
Và dĩ nhiên, không dừng lại ở đó, chúng ta sẽ tiếp tục tiếp nối để vươn lên phía trước. Tiếp nối để duy trì và nhân lên truyền thống hào hùng ngày 30/4/1975 lịch sử. Tiếp nối để càng thêm trân quý những gì mà cha ông đã trải qua, những gì mà hòa bình, độc lập, tự do đã đem lại cho đất nước, quê hương, cho gia đình, cho mỗi người mà sau 42 năm đất nước hòa bình, thống nhất. Và sự tiếp nối tất yếu ấy sẽ mãi là chất keo gắn kết lòng dân, gắn kết toàn xã hội tiếp tục làm nên những kỳ tích mới.
Bình Toàn