08/05/2017 14:01
Nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều hộ gia đình, cá nhân trong tuần vừa qua, đặc biệt là mấy ngày nghỉ lễ đã giúp người chăn nuôi bằng cách chọn thịt heo làm món chủ đạo cho các bữa ăn, liên hoan…
Cuộc giải cứu này được đánh giá là nhân văn và hết sức cần thiết vì trong nhiều năm qua, chưa bao giờ giá heo thịt lại giảm sâu khiến người chăn nuôi điêu đứng đến vậy. Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã đứng ngồi không yên, cố chờ giá lên nhưng chẳng những không được cải thiện mà còn ngày càng rớt giá thê thảm. Đã thế, khác với các loại nông sản khác, không thể cầm chừng được, heo hàng ngày vẫn cứ phải cho ăn, vẫn cứ phải chăm mà trọng lượng thì chẳng tăng là bao, nên trừ chi phí con giống, thức ăn… người chăn nuôi cầm chắc lỗ trong tay.
Không để người nông dân nhìn đàn heo mà ngao ngán; không để người nông dân điêu đứng, phải tìm mọi cách bán cho được đàn heo rồi bỏ chuồng, cuộc giải cứu heo thịt đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội.
Thế nhưng, giải cứu thì vẫn giải cứu, song nhiều người vẫn còn băn khoăn. Rằng, khi nhiều người tham gia giải cứu heo, mua thịt heo và ăn thịt heo thì tất yếu sức tiêu thụ các hàng nông sản khác sẽ phải giảm đi. Biết đâu lại vô tình gây ra khủng hoảng thừa cho mặt hàng nông sản khác.
Rằng, chung tay góp sức giải cứu thịt heo nhưng con heo to cả trăm kilôgam chứ chẳng phải củ hành hay trái dưa, trái chuối… nên không thể ngày nào cũng ăn thịt heo. Dù có ngon nhưng ăn mãi cũng chán, mà thực phẩm lại liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Rằng, nếu giải cứu bằng cách mua heo trực tiếp từ người nông dân đã đành, còn nếu ra mua ngoài chợ thì chẳng biết là giải cứu cho người nông dân hay là làm lợi cho các tiểu thương – vì cho dù giá heo hơi xuống thấp nhưng giá thịt heo ở chợ chẳng giảm đi là bao…
Và khác với các cuộc giải cứu trước chỉ trong phạm vi một địa phương: dưa hấu, bí đỏ của Quảng Ngãi, chuối của Đồng Nai…; dường như cuộc giải cứu này trở thành chuyện chung trong cả nước. Vì tỉnh nào cũng có đàn heo và ngày càng tăng nhanh số lượng. Tất yếu của quy luật cung - cầu, khủng hoảng thừa thì heo sẽ khó bán, giá giảm mạnh.
Đáng nói hơn nữa, dù cuộc giải cứu heo thịt nhận được sự đồng tình, ủng hộ và trên thực tế giá heo hơi có nhích lên nhưng cũng chỉ mới là giải pháp tình thế, chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Vì cuộc khủng hoảng thừa heo thịt như hiện nay đã nằm trong chuỗi khủng hoảng thừa kéo dài nhiều năm qua của các mặt hàng nông sản. Chẳng nói đâu xa, ngay trên địa bàn tỉnh, người nông dân hết đau đáu nỗi buồn rớt giá của rau xanh, cà phê lại tiếp tục lao đao với trái dưa hấu đỏ, thanh long, mủ cao su và nay là heo hơi, bò hơi, trứng gia cầm…
Thậm chí có người lo xa rằng, sau khoảng thời gian ế ẩm này, người chăn nuôi lại giảm đàn, bỏ chuồng, heo thịt lúc đó lại rơi vào cảnh khan hàng - giá cao. Và rồi, trở thành vòng luẩn quẩn, thấy khan hàng – giá cao, người chăn nuôi đổ tiền vào đầu tư tăng đàn, những hộ không nuôi heo trước đó cũng cũng tập tành nuôi làm đàn heo tăng rất nhanh, khó kiểm soát cả về số lượng và chất lượng. Heo thịt vì thế lại rơi vào điệp khúc rớt giá thê thảm…
Nguyên nhân dẫn đến những cuộc giải cứu này thì có nhiều nhưng có thể nhận thấy, phần nào do chính tâm lý và tác phong tiểu nông của người nông dân đã dẫn đến phát triển nông nghiệp một cách tự phát. “Thấy người ta ăn khoai, cũng vác mai đi đào”, mì được giá thì trồng mì, cà phê được giá trồng cà phê, cao su được giá thì chặt phá cà phê, phá mì chuyển sang trồng cao su và nuôi heo cũng không ngoại lệ… Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng “đào được khoai”. Vì làm ăn kinh tế không thể chạy theo phong trào và cũng không thể cầu viện vào “tấm lòng” của người tiêu dùng. Khi người nông dân loay hoay với kế hoạch ngắn hạn của mình, ồ ạt phát triển một loại cây, con mà chưa tính đến chất lượng, đến đầu ra cho sản phẩm thì gặp khó khăn sẽ là chuyện đương nhiên.
Bởi vậy, xua tan nỗi lo rớt giá các mặt hàng nông sản nói chung, heo thịt nói riêng không chỉ dừng lại ở những cuộc giải cứu mà phải có sự định hướng dài hơi cho phát triển nông nghiệp và giải bài toán chất lượng, đầu ra cho nông sản. Vấn đề này không mới nhưng cũng không bao giờ cũ, luôn khiến cho các cấp, các ngành trăn trở và chính người nông dân đau đáu…
Liễu Hạnh