21/11/2016 15:37
Người nọ rỉ tai người kia, tặng phong bì vừa khỏe mình vừa khỏe cả thầy cô. Phụ huynh không phải cất công đi chọn lựa, đã vậy mỗi người mỗi sở thích khác nhau nên nhiều khi lại không đúng, thành ra lãng phí; thôi thì, tặng phong bì, thầy cô dùng nó mua gì cũng dễ, lại còn hợp ý. Vậy là thành phong trào, tặng phong bì thay lời tri ân các thầy cô giáo đang có xu hướng thắng thế trong những năm gần đây.
Nhưng, từ chuyện này cũng lắm lời bàn ra tán vào. Người này bảo, vậy thực dụng quá, thương mại hóa, sâu xa hơn tạo thói quen cho con trẻ mọi chuyện đều có thể giải quyết bằng phong bì. Không chỉ vậy, hình ảnh thầy cô giáo cũng từ đó trở nên méo mó trong mắt nhiều người.
Người khác lại bảo, méo mó hay không chẳng phải từ mỗi cái phong bì. Phong bì cũng chẳng có gì là xấu, nếu người trao với động cơ trong sáng và người nhận cũng không phải “vòi quà” mà tất cả đều bằng tất cả tấm lòng kính yêu thì chẳng phải lăn tăn.
Nếu như ở vùng đô thị, thuận lợi cách đây khoảng vài chục năm về trước hay như hiện nay ở những xã vùng sâu, vùng xa thì 20/11, hoa là của nhà, của rừng, của núi; quà chỉ là chục trứng, cân nếp hay là quả bí, quả bầu… trong nhà làm ra theo kiểu “của ít lòng nhiều” mang tặng thầy cô giáo.
Còn hiện nay, đặc biệt ở vùng phố thị, quà hay hoa hay phong bì cũng đều do phụ huynh đi mua mà ra. Có lẽ vì vậy, cũng không quá nặng nề với chuyện phong bì thay lời tri ân.
Quà, hoa hay bì thư đều vậy, chỉ là khác về hình thức. Phong bì cũng chỉ là món quà để phụ huynh bày tỏ tri ân, trân trọng công lao dạy dỗ con mình với thầy cô giáo. Quan trọng vẫn là sự văn minh, lịch sự, chân thành và công khai minh bạch sẽ giúp sự tri ân được đúng nghĩa của nó.
Chỉ sợ, phụ huynh và học sinh đánh đồng món quà, số tiền với sự quan tâm của thầy cô giáo dành cho con mình. Chỉ sợ, phụ huynh tặng cho thầy cô chỉ vì sợ con mình khi ở trường bị trù úm, chèn ép hay mưu cầu nhận được sự quan tâm (từ bữa ăn, giấc ngủ - lớp nhỏ, cho đến chuyện học – lớp lớn), chứ không hẳn vì tình cảm chân thành dành cho thầy cô. Chỉ sợ, ngày 20/11, lẽ ra phải là ngày vui thiêng liêng của cô trò và phụ huynh thì đối với không ít người lại trở thành tiếng thở dài, nặng thêm gánh mưu sinh vốn đã đầy nhọc nhằn. Và chỉ sợ, ngay cả phía giáo viên cũng xem giá trị của món quà, của phong bì là “thước đo” của sự quan tâm, là tấm lòng của phụ huynh, học sinh mà thôi.
Báo chí và dư luận đã lên tiếng nhiều về những tiêu cực trong quan hệ thầy – trò, lại thêm những tác động tiền bạc nên dạy và học có nhiều mệt mỏi, không phải vì đói cơm lạt muối như những ngày gian khó mà do lạt cái tình.
“Của cho không bằng cách cho” – cha ông ta từ xưa đã nói vậy. Mỗi thời mỗi khác nên các bậc phụ huynh, các em học sinh có những hình thức khác nhau để tỏ lòng tri ân trong ngày lễ 20/11. Tặng quà, hoa hay phong bì đều không đáng sợ, chỉ sợ lạt cái tình.
Lạt cái tình nên dù có hoa, hay quà hay phong bì mà phụ huynh mang đến tặng thầy cô theo kiểu “cho có”, “cho xong” thì cũng đều đáng buồn. Có cô giáo từng kể rằng, có những phụ huynh chờ hết tiết dạy đem đặt quà, bì thư lên bàn rồi vội vàng đi; có người tặng quà xong rồi ngồi đâu kể đó theo kiểu “lễ nghĩa” phải làm; thậm chí, có người tặng quà cho cô, đến cuối năm con mình không đạt thành tích như mong muốn lại quay sang trách cứ…
Niềm tri ân với những người thầy, người cô tận tụy với nghề “trồng người” thì đời nào vẫn có, đời nào vẫn quý. Những người hết làm trò đến làm thầy càng phải biết chăm chút cho mối dây tình nghĩa thầy – trò. Người làm thầy ra thầy thì đời luôn vinh danh, kính trọng, càng thêm hạnh phúc khi học trò tiến bộ.
Hoa, quà hay phong bì vì thế cũng chỉ mang tính chất tượng trưng, đừng băn khoăn nặng hay nhẹ, lớn hay nhỏ. Cơ bản vẫn xuất phát từ tấm lòng, sự thành tâm, để người tặng cảm thấy thoải mái, không bị áp lực, còn người nhận cũng không phải trăn trở nhận hay không nhận.
Truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam có từ lâu đời, hãy cứ để học sinh, phụ huynh được bày tỏ lòng tri ân với các thầy cô giáo. Thế nhưng, cũng đừng để giá trị vật chất lấn át đi giá trị tinh thần, làm mất đi ý nghĩa nhân văn vốn có trong ngày lễ này và hình ảnh mô phạm của người thầy, người cô. Quan trọng là ở mỗi học sinh, phụ huynh và giáo viên phải giữ được chuẩn mực đạo đức trước sự thay đổi của xã hội. Vì suy cho cùng, món quà lớn nhất, ý nghĩa nhất đối với các thầy cô giáo chính là sự chăm ngoan, tiến bộ từng ngày của các em học sinh.
Nguyên Phúc