17/07/2017 08:08
Cho dù ngành chức năng, tổ công tác liên ngành và các địa phương đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, phát hiện các vụ khai thác cát trái phép nhưng tình trạng này vẫn không hề giảm. Chưa kịp tìm hiểu ngọn nguồn vụ việc ở địa phương này, lại phát hiện thêm vụ khai thác cát trái phép ở địa phương khác, đã thế lại gia tăng về cường độ, quy mô và cả sự tinh vi, manh động.
Dễ thấy là vì khoản lợi nhuận lớn nên bất chấp mọi nỗ lực ngăn chặn của ngành chức năng, của các địa phương, khai thác cát trái phép vẫn mặc sức hoành hành và lợi nhuận chỉ chảy vào túi của một nhóm lợi ích. Nhiều đối tượng, phương tiện, tang vật vi phạm bị bắt giữ, bị xử phạt hành chính hàng chục triệu đồng nhưng dường như vẫn chưa đủ mạnh. Và tất nhiên sẽ còn, còn những cát tặc khác đang hoạt động, chỉ có điều thay đổi phương thức tinh vi hơn, cẩn trọng hơn mà thôi.
Nhưng, trữ lượng cát chẳng phải là vô tận, là “nồi cơm Thạch Sanh”, khai thác rồi lại có, lại đầy. Cát phải mất hàng triệu năm mới hình thành nên trong quá trình vận động, kiến tạo của trái đất.
Vậy nên, với kiểu khai thác bơm hút theo kiểu vô tội vạ sau một thời gian dài không chỉ làm thất thoát tài nguyên quốc gia, mà khi không khai thác đúng địa điểm, hoặc khai thác vượt quá độ sâu quy định khiến lòng sông, lòng suối, hạ tầng bị hủy hoại, dòng chảy bị thay đổi, đời sống của người dân xung quanh cứ thế bị đe dọa vì xói mòn sạt lở, còn Nhà nước thì thất thu một lượng lớn tiền thuế.
Dọc theo dòng sông Đăk Bla, dọc theo sông Đăk Psi, dọc theo các con suối…, không khó để chúng ta bắt gặp những vết hở hàm ếch, sạt lở dài, đe dọa cuốn đất đai, hoa màu, ruộng vườn của người dân trôi theo dòng nước.
Có sinh sống hai bên lưu vực của các dòng sông, suối mới hiểu nỗi lo ngay ngáy của những người dân có đất đai, nhà cửa gần những nơi này. Gia sản, cơ nghiệp nằm đó cả. Đất đai cứ sạt lở xói mòn dần, hết “ăn” vào đám rẫy, lại đến cái chòi mà không có cách nào cứu vãn.
Lo lại càng thêm lo khi đang trong thời kỳ cao điểm của mùa mưa này. Mà không lo sao được, mất đất, người dân không chỉ mất tư liệu sản xuất mà có khi còn rơi vào những thảm cảnh đắng lòng – mất cả sinh mạng khi làng xóm ven sông, ven suối bị hà bá nhấn chìm.
Tuy nhiên, điều mà nhiều người băn khoăn là trong số hàng chục vụ khai thác cát trái phép, ngoài phép, sai phép bị xử lý trong thời gian gần đây như ở xã Sa Bình (Sa Thầy), Vinh Quang (thành phố Kon Tum), Diên Bình (Đăk Tô)… phần lớn do người dân và báo chí phát hiện? Phải chăng, chính quyền các địa phương buông lỏng quản lý? Hay vì mức xử phạt quá nhẹ, quá ít so với lợi nhuận thu được nên không đủ sức răn đe?
Lấy đơn cử từ vụ khai thác cát trái phép tại suối cầu Đôi, thuộc địa bàn thôn Kon Jow Dreh, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum mới đây. Dù được ngành chức năng nhận định là vụ khai thác cát trái phép này có quy mô không nhỏ nhưng người tiến hành khai thác trái phép chỉ bị phạt 4 triệu đồng.
Hay vụ khai thác cát trái phép ở xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum, dù dân nói tình trạng này đã diễn ra 2 năm nay nhưng chính quyền địa phương thì nói mới nghe… 3 ngày(!?)… Những cỗ máy rút ruột lòng sông ầm ĩ hoạt động; những chiếc cần cẩu múc cát, xe chuyên chở cát vào ra… chẳng phải là con voi chui lọt lỗ kim?
Với sự phát triển của cơ sở hạ tầng thì nhu cầu cát phục vụ cho xây dựng là thiết yếu. Tuy nhiên, kiểu khai thác bừa bãi như thời gian qua sẽ dẫn đến những hệ lụy kép khó lường.
Dư luận cho rằng, cùng với việc quy hoạch, tiến hành thăm dò, cấp phép cho các doanh nghiệp, ngành chức năng và các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, đảm bảo các quy định của Luật Khoáng sản là hết sức cần thiết.
Nguyên Phúc