19/04/2017 14:02
Lạ hóa tiếng Việt
Nhận được tin nhắn của một bạn trẻ, tôi không khỏi giật mình. “2, Cj iu”. Ngẫm tới ngẫm lui mới tạm dịch được là: Xin chào, chị yêu.
Tự ngẫm không biết có phải lạc hậu so với thời cuộc không nên thử đi sâu vào các trang cá nhân trên mạng xã hội mới thấy kiểu viết này dường như trở thành phổ biến trong giới trẻ và cả giới công chức, văn phòng.
Kiểu ngôn ngữ mạng này (được viết rút gọn về ngữ pháp và từ vựng để đảm bảo nhanh, gọn) với những từ ngữ, cách diễn đạt mới đã cho thấy sự giao thoa văn hóa xã hội trong thời đại toàn cầu hóa.
Thế nhưng, cùng với mặt tích cực ấy thì vẫn còn những biểu hiện thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt thời “a còng”, nếu không nói là quá dễ dãi khi lạm dụng tiếng nước ngoài, viết tắt đến mức tối đa, câu không đúng ngữ pháp và có xu hướng tăng kiểu nói tục tĩu, nói lóng.
Ngoài những kiểu dạng từ mới thể hiện sự giao lưu ngôn ngữ tiếng Việt với ngôn ngữ nước ngoài như: ok (nhất trí, đồng ý), bye (tạm biệt)… thì còn có những từ mới thể hiện sự biến đổi ngôn ngữ tiếng Việt.
Không ít người mới đầu nghe đã không khỏi giật mình và khó chịu trước những từ mới được hình thành và phát triển, chen lấn và dần thay thế những từ cũ: Bá đạo, vãi, thả thính, thánh, tự sướng…; đơn vị tiền gọi là k… Rồi kiểu cắt bớt từ đi: chết (chít), luôn (lun), biết (bít)…; kiểu nhại phương ngữ của vùng: em (iêm), như thế nào (dư lào)…; viết tắt cũng mỗi từ mỗi kiểu, khi thì viết tắt theo tiếng Việt như GATO (ghen ăn tức ở), khi thì theo tiếng Anh như NATO (No Actions, Talk Only, không làm chỉ nói)… cũng trở nên phổ biến.
|
Cùng với việc lạ hóa tiếng Việt thì trong ngôn ngữ mạng hiện nay tiếng Việt dường như đang bị “nhiễm bẩn” bởi kiểu nói lóng, nói tục, chửi bậy “lên ngôi” một cách công khai, rộng rãi đến mức khó chịu.
Và mặc cho ai cảm thấy khó chịu hay lo ngại, không ít người trong giới trẻ lại “sính” dùng ngôn ngữ mạng theo kiểu càng khó dịch, càng khó đoán, càng khó đọc thì càng thích thú và tự cho rằng hiệu quả giao tiếp mang lại cao.
Cần sự định hướng
Nhưng, cái gì cũng vậy, đều có tính hai mặt, một khi quá lạm dụng ngôn ngữ mạng vì khả năng truyền đạt thông tin nhanh, tiết kiệm thời gian, có yếu tố sáng tạo cho cuộc trò chuyện thú vị hơn thì về lâu dài cũng phải thấy rằng sẽ khiến cho tiếng Việt bị xâm hại.
Nhiều người lo ngại rằng kiểu sử dụng ngôn ngữ này lại đang trở thành xu hướng không chỉ của giới trẻ. Có những người, những em từ chỗ không biết, sử dụng đúng câu, đúng cách viết lâu dần cũng bắt chước theo… chỉ vì bạn bè cho rằng không sành điệu, thiếu phong cách. Chính vì vậy, kiểu viết tắt, kiểu nói lóng, nói tục dường như dần trở thành phổ cập, thành chuyện thường ngày trong văn nói, nhắn tin qua điện thoại, giao tiếp hàng ngày và trên mạng xã hội.
Hệ lụy của việc sử dụng ngôn ngữ mạng một cách thường xuyên liên tục sẽ tạo thành thói quen, khiến không ít người – đặc biệt ở lứa tuổi học sinh khó phát triển vốn từ, viết câu. Tình trạng học sinh viết không đúng chính tả, đặt câu không đúng ngữ pháp; rồi dùng ngôn ngữ tùy tiện, không phù hợp ngữ nghĩa, ngữ cảnh dường như không còn là chuyện hiếm.
Một thực tế đang xảy ra, là số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chọn các ngành học xã hội nhân văn ngày càng một hiếm dần. Có giáo viên dạy văn cũng từng tâm sự rằng, dù học ở lớp 12 nhưng không ít em khi làm bài kiểm tra đã viết câu chưa chuẩn ngữ pháp, câu chữ cộc lốc, thậm chí dùng cả ngôn ngữ trên mạng xã hội.
Đành rằng, ngoài những lý do khách quan là theo khối ngành này ít “hot”, giới trẻ xa dần văn hóa đọc thì không ít người cho rằng kiểu sử dụng ngôn ngữ mạng cũng là một nguyên nhân không nhỏ khiến cho các em thiếu đi những câu văn lấp lánh sắc màu. Nói cách khác, việc sử dụng ngôn ngữ mạng theo kiểu nửa tây nửa ta, viết tắt, những từ mới thiếu đi sự trong sáng… đang dần tấn công vào học đường. Một khi quen với ngôn ngữ kiểu lệch chuẩn này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giao tiếp hàng ngày, đến viết văn và lâu dần sẽ làm biến dạng và mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
Không chỉ khó để tìm những ngôn từ đẹp, lời văn hay, đáng lo ngại nữa là cách nghĩ, cách viết này lâu dần hình thành thói quen lười tư duy, thiếu đi sự kiên trì, nhẫn nại, thiếu nghiêm túc, chỉn chu trong học tập, công việc. Trước mắt là cách nói cộc lốc, thiếu chủ ngữ, vị ngữ - ngay cả với người lớn; sau nữa, những kiểu nói tục tĩu tưởng chừng chỉ giao tiếp trên mạng lâu dần cũng sẽ thốt lên thành lời trong giao tiếp hàng ngày.
Cũng có người cho rằng, khó mà cấm đoán được kiểu sử dụng ngôn ngữ mạng này vì đó là quyền tự do cá nhân của mỗi người; hơn nữa lại được sử dụng trong một không gian vui chơi giải trí, trong phạm vi của một nhóm nào đó. Thế nhưng, vì là ngôn ngữ mạng xã hội nên được phát đi rộng rãi và trước những từ ngữ thiếu chuẩn, thiếu trong sáng thì mọi người sẽ nghĩ gì về tiếng Việt – linh hồn văn hóa của dân tộc. Và như đã nói, đành rằng lên mạng xã hội mục đích vẫn vui là chính nhưng nếu dùng nhiều ắt sẽ thành thói quen, dễ tùy tiện đưa vào nhà trường, vào các văn bản.
Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là văn hóa. Vì vậy, sử dụng hay không sử dụng ngôn ngữ mạng và sử dụng như thế nào - đó là điều mà gia đình, nhà trường cần định hướng để giới trẻ có sự cân nhắc. Nếu chúng ta không dùng những từ ngữ tục tĩu đó trong đời thường, những kiểu nói nửa tây nửa ta, những kiểu viết tắt vô tội vạ ấy trong những văn bản thì tại sao chúng ta lại dùng trên mạng xã hội?
Nguyên Phúc