31/10/2016 09:08
Trong câu chuyện vui, một cán bộ xã kể rằng, cứ vào dịp cuối năm - thời điểm bình xét hộ nghèo là cán bộ xã, thôn lại ăn không ngon ngủ không yên vì chuyện bà con cứ đua nhau xin được làm… hộ nghèo. Hộ này thắc mắc hộ kia, hộ kia so bì hộ nọ. Hộ đã thoát nghèo trình bày đủ mọi lý do để được quay trở lại hộ nghèo; hộ nghèo cũng cứ thế mà muốn… nghèo mãi, cho dù đã được tuyên truyền, giải thích nhiều lần.
Câu chuyện tưởng chừng ngược đời nhưng rất thật ấy không chỉ xảy ra ở một xã mà chắc hẳn là ở hầu hết các xã khác trên địa bàn tỉnh. Cho dù cứ vào dịp gần cuối năm, các địa phương đều tổ chức họp công khai rà soát những hộ thoát nghèo để đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo nhưng ngoài những hộ không thể thoát nghèo thì cũng có hộ không thích thoát nghèo.
Còn nhớ năm ngoái, trong một lần đi công tác ở một xã vùng sâu, một chị phụ nữ đã chia sẻ rằng gia đình chị không muốn thoát nghèo. Vì thoát nghèo sẽ ít được hỗ trợ cây, con giống như các hộ nghèo, tết không có quà, con đi học phải tốn tiền mua sách, vở… khổ lắm!
|
Sở dĩ không ít hộ có tư tưởng không muốn thoát nghèo, thậm chí còn thể hiện rõ quyết tâm “bám trụ” hộ nghèo là vì khoảng cách giữa các hộ nghèo - cận nghèo - thoát nghèo không nhiều, rất dễ tái nghèo nếu chẳng may bị mất mùa hay nông sản rớt giá. Lúc ấy, hộ thoát nghèo dễ nảy sinh tâm lý so bì với hộ nghèo khi không được Nhà nước hỗ trợ gạo ăn, nước sinh hoạt, giống, vay vốn… Giống như tiêu chuẩn để được hưởng các ưu đãi của Nhà nước nên chẳng mấy ai muốn dứt khỏi hộ nghèo.
Khi người nghèo không thích thoát nghèo, không muốn thoát nghèo thì hẳn rằng họ cũng sẽ không nỗ lực thoát nghèo. Câu chuyện giảm nghèo cũng theo thế mà lắm gian nan. Vì công tác xoá nghèo nếu chỉ có nỗ lực ở phía các ngành chức năng cũng chưa đủ.
Không thể phủ nhận một điều rằng, với các chủ trương, chính sách hỗ trợ người nghèo của Đảng, Nhà nước và sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội không chỉ dừng lại trong Tháng cao điểm vì người nghèo (17/10-18/11), Ngày vì nghèo (17/10) hằng năm, cuộc sống của người nghèo có nhiều thay đổi. Người nghèo được hỗ trợ xây nhà, được hỗ trợ gạo ăn; thiếu giống thì được hỗ trợ giống; thiếu vốn, kỹ thuật thì hỗ trợ vốn, kỹ thuật... Nhiều hộ nhờ vậy không chỉ thoát được nghèo mà còn vươn lên khá, giàu đã quay trở lại hướng dẫn, giúp đỡ cho những người nghèo xung quanh.
Nhưng, trong khi sự giúp đỡ, chung tay góp sức của toàn xã hội trở thành mục tiêu quốc gia, thành quyết tâm của tỉnh với mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ 2015-2020 bình quân hàng năm giảm 3- 4% số hộ nghèo thì đây đó lại xuất hiện tình trạng tranh nhau giữ lấy "danh hiệu hộ nghèo". Dù hiện tượng này không phải là phổ biến nhưng nếu không kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sẽ để lại những hệ quả buồn. Vì nếu bà con lười lao động, không chí thú làm ăn, ỷ lại vào những chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo để được hưởng trợ cấp thì cho dù có xoá được chỗ nọ thì cũng sẽ lại phình ở chỗ kia, bao giờ mới hết được.
Năm 2016 này là năm đầu tiên các địa phương trong tỉnh thực hiện giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều (đối tượng nghèo không chỉ là người có thu nhập thấp, mà còn bao gồm cả những người ít hoặc không có điều kiện tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin, bảo hiểm và an sinh xã hội) được kỳ vọng sẽ phân loại đối tượng hộ nghèo và có giải pháp hỗ trợ phù hợp, nhận diện hộ nghèo toàn diện hơn.
Sau gần một năm thực hiện sẽ có bao nhiêu hộ trong tổng số 31.496 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh thoát được nghèo theo chuẩn đa chiều này? Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng nhiều người tin rằng với mục tiêu: Bền vững và thực chất mà chuẩn nghèo đa chiều đưa ra sẽ giúp cho người nghèo thực sự nhận được thứ mà họ cần, chứ không chỉ là thứ mà chính sách có. Điều này cũng đồng nghĩa có nhiều người thay vì khư khư giữ lấy cái nghèo sẽ phấn đấu để thoát nghèo.
Cùng với đó, giải pháp lâu dài, căn cơ vẫn luôn được nhiều người nhắc đến chính là trao cần câu, hỗ trợ giảm nghèo (điều kiện cần) phải đi kèm với việc tăng cường vai trò chủ động thoát nghèo của chính người nghèo (điều kiện tiên quyết). Bởi vậy, với hộ nghèo, ngoại trừ các trường hợp bất khả kháng như người già neo đơn, khuyết tật, đau ốm bệnh tật… các địa phương cũng cần có quy định thời gian cụ thể về thoát nghèo để tạo động lực cho họ vươn lên hay có chế độ khen thưởng, tuyên dương cho những hộ tự nguyện thoát nghèo sớm như ở huyện Tu Mơ Rông đã làm trong nhiều năm qua.
Nguyên Phúc