15/03/2017 08:30
Không mừng vui sao được vì đây là cây dùng để chế biến dược liệu, chữa trị nhiều bệnh. Loại cây này thường mọc trong các rừng rậm ở vùng Đông Trường Sơn, một thời gian dài đã bị khai thác tận diệt. Trung tâm đã nghiên cứu thử nghiệm trồng cây kim cương từ năm 2016 và nay chính thức thông báo nhân giống thành công với giá bán 1,5 triệu đồng/kg lá tươi.
Vui vì giấc mơ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến mà tỉnh nhen nhóm cách đây mấy năm và hiện được xem là nhiệm vụ mang tính chiến lược, lâu dài, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp đang dần trở thành sự thật.
Vui vì từ những bước đi này có thể dần thay đổi tư duy làm nông nghiệp, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy các doanh nghiệp, người nông dân hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ cao…
Còn nhớ, cách đây vài năm, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã được tỉnh đặt ra và có sự hỗ trợ cho một số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này. Nhưng, quyết tâm cao nhất, rõ nhất là từ năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 10-15%, toàn tỉnh sẽ có 4 vùng, 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đến năm 2030 đạt 25-30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, mỗi huyện có 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Ban quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen đã được tỉnh thành lập vào cuối năm 2016. Hàng loạt những chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi về thuế, chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ, chính sách ưu đãi về tín dụng… được tỉnh triển khai nhằm mời gọi các doanh nghiệp đầu tư.
Điều này cho thấy quyết tâm, nỗ lực của tỉnh nhằm bước qua lối sản xuất thuần nông, thủ công, nhỏ lẻ, dần tái cơ cấu nông nghiệp phát triển theo hướng cơ giới hóa, chất lượng cao, kiểm soát từ đầu vào cho đến đầu ra sản phẩm, đáp ứng nhu cầu phát triển theo chiều sâu.
Vậy là, không chỉ cây kim cương, nhiều loại cây quý hiếm và mang tính đặc trưng của Kon Tum cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo nghiên cứu, bảo tồn, phát triển. Nhiều doanh nghiệp cũng tìm đến Kon Tum đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh, nuôi cá nước lạnh thương phẩm, chăn nuôi dê sữa, trồng các loại rau, hoa xứ lạnh…
Và trong số những đề tài, dự án về nông nghiệp cao được phê duyệt, đầu tư, có cái thành công, có cái đang dang dở… nhưng đã nhen nhóm hi vọng về một cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp để nâng giá trị canh tác của mỗi héc ta đất, để đời sống nông dân được ấm no hơn.
Vì, trong xu thế hiện nay, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã trở thành chủ trương lớn và chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết rằng bất cứ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đều được hỗ trợ.
Vì, cùng với quyết tâm, nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, của cả hệ thống chính trị thì Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ phù hợp và đặc biệt có lợi thế cạnh tranh về nguồn lao động… rất thích hợp để tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng cao.
Vấn đề là dù nhiều cơ hội mở ra cùng những thành công đã đến nhưng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cũng không phải là chuyện có thể thực hiện trong ngày một ngày hai.
Thực tế cho thấy cơ hội cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao có nhiều nhưng những khó khăn như: thiếu nhân lực có trình độ tay nghề, thiếu nguồn vốn, quỹ đất sạch, đầu ra cho sản phẩm… cũng không phải là ít.
Đầu tư có chiều sâu và từng bước giải đáp thỏa đáng những câu hỏi khó khăn đặt ra ấy sẽ là chìa khóa đưa giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao thành sự thật.
Nguyên Phúc