Đừng để sông Đăk Bla nổi giận

07/06/2017 13:19

​Những con đập đắp trái phép lừng lững chặn dòng; những tàu hút cát thoắt ẩn thoắt hiện kéo theo gầm gào tiếng máy nổ... là điều mà chúng tôi thấy khi rong ruổi dọc triền sông Đăk Bla. Cũng dọc triền sông, còn có không ít vệt sạt lở dài hun hút, đe dọa cuốn đất đai, hoa màu của người dân xuống dòng chảy vô tình. Phải chăng sông Đăk Bla đang nổi giận...?

1. Dù đã nhiều ngày trôi qua, nhưng tâm trí tôi vẫn bị ám ảnh bởi dáng ngồi thẫn thờ của bà K’dân H’Je (làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) bên nhánh sông khô cạn, phía trước là bãi bồi bị đào bới nham nhở, lộ ra những hố sâu lở loét. Như thế này thì bà con trồng trọt sao được nữa? Bà thì thầm than, như để mình nghe.

Dưới chân người phụ nữ nhỏ bé, đen đúa ấy là con đập do Công ty TNHH MTV Xuân Tài đào đắp dài hơn 80m, sừng sững chặn đứng một nhánh sông, dồn dòng chảy của sông Đăk Bla về nhánh sông phía bên xã Đăk Rơ Wa. Phía trên đập, nước dâng lên như một hồ chứa thủy lợi; phía dưới đập, lòng sông cạn trơ cát sỏi như một nhánh sông chết.

Công ty TNHH MTV Xuân Tài bị phạt 40 triệu đồng vì hành vi đắp đập nắn dòng sông Đăk Bla để khai thác cát. Ảnh: T.H

 

Nhưng hành vi sai trái ấy lại được chính doanh nghiệp khoác lên “lớp áo” bóng bẩy và đầy nhân văn. Ông Đỗ Xuân Tài  Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuân Tài nói: Mùa này nước cạn, nếu không đắp đập chặn dòng để tích nước thì không có cát, mấy chục con người không có việc làm, không có thu nhập, và như thế, cuộc sống của gia đình họ sẽ lâm vào cảnh khó khăn(!)

Ông Tài còn “khoe” rằng: Việc đắp đập chính là theo đề nghị của bà con làng Kon Klor, vì bà con muốn có một con đường qua bãi bồi canh tác thuận lợi, không còn phải lội sông, mùa khô thì đỡ, chứ mùa mưa, lũ về thì nguy hiểm lắm(?)

Chưa hết, chỉ vài ngày sau, thêm một doanh nghiệp nữa được phát hiện có hành vi tương tự - doanh nghiệp tư nhân Trí Thành. Doanh nghiệp này đã đắp 2 con đập nắn dòng chảy để khai thác cát sỏi ở lòng sông bằng máy đào.

Và, lý do mà ông Nguyễn Kiên Quyết - đại diện doanh nghiệp tư nhân Trí Thành - đưa ra để biện minh cho hành vi vi phạm của mình còn nực cười hơn: Chúng tôi phải đắp 2 con đập trên sông Đăk Bla để trục vớt 1 máy bơm hút cát bị lũ nhấn chìm vào cuối năm 2016(?!)

Dù được phủ lên những “lớp áo” đẹp đến mấy đi chăng nữa, thì họ vẫn không thể chối bỏ những hành vi xâm hại dòng sông. Công ty TNHH MTV Xuân Tài đã bị phạt 40 triệu đồng, phải hoàn trả lại hiện trạng lòng sông; doanh nghiệp tư nhân Trí Thành bị phạt 80 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác 6 tháng.

Nhưng còn bao nhiêu cái vòi đen sì thò xuống sông Đăk Bla hút cát ngày đêm, cả trái phép, sai phép, ngoài phép chưa bị phát hiện đưa ra ánh sáng, chưa bị xử lý?

2. Từ nét thẫn thờ trên khuôn mặt bà K’dân H’Je, tôi nhận ra nỗi lo lớn hơn - nỗi lo mất đất sản xuất của những người sống ven sông, gắn bó với sông. Bao đời nay, sông Đăk Bla vẫn bên bồi bên lở, nhưng ấy là lở bồi theo quy luật, và dân làng sống ven sông nương theo quy luật lở bồi ấy mà sinh hoạt, sản xuất. Nhưng mấy năm nay, sông sâu sạt lở bất thường do bị nắn dòng, bị xâm hại, dân làng nói “sông đang giận dữ…”.

Và khi đứng trên “đại công trường” đắp đập nắn dòng của Công ty TNHH MTV Xuân Tài, hơn một lần tôi đã phải tự hỏi mình: Vì sao họ lại dám làm và làm được như thế này nhỉ?

Lẽ dĩ nhiên không khó để tìm được câu trả lời. Vì lợi nhuận, các doanh nghiệp sẵn sàng “xé rào”, khai thác sai phép, ngoài phép. Hiện nay, cát, sỏi chuyên dùng để san lấp nền đào lên từ lòng sông được bán với giá 100.000 - 120.000 đồng/m3, với hàng chục hố sâu đào bới trên diện tích 7.015m2, không khó để hình dung Công ty TNHH MTV Xuân Tài đã thu lợi bất chính từ khai thác trái phép nhiều như thế nào.

Cũng vì lợi nhuận, các đối tượng khai thác cát trái phép luôn tìm cách “đục khoét” lòng sông. Với đặc thù các điểm khai thác cát thường nằm ở ranh giới 2 địa phương; phương tiện linh hoạt, dễ dàng di chuyển, có thể khai thác bất cứ lúc nào, cả ngày cả đêm, không khó để các đối tượng khai thác trái phép qua mặt ngành chức năng.

Nhưng đằng sau đó là một nguyên nhân “khó nói” nhưng “dễ thấy”, ấy là sự buông lỏng quản lý, nương tay, thậm chí bao che cho các hành vi sai phạm của cấp ủy, chính quyền một số địa phương. Vì vậy mà doanh nghiệp dám làm và làm được.

Như sự “làm ngơ” của UBND xã Vinh Quang, xã Chư Hreng trong việc xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép được Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện trong tháng 4/2017. Dù ngành chức năng yêu cầu UBND xã lập thủ tục tạm giữ phương tiện, thiết bị và tang vật; xác định đối tượng vi phạm, xử lý theo quy định, nhưng mọi việc vẫn rơi vào... yên lặng.

Trở lại vụ Công ty TNHH MTV Xuân Tài đắp đập nắn dòng, chính ông Đỗ Xuân Tài thừa nhận rằng, để hoàn thành con đập dài 84m, rộng 5m, cao 2m, khối lượng đào đắp hàng nghìn mét khối đất, đá, cát, doanh nghiệp phải huy động máy móc làm suốt 1 tháng ròng. Ấy thế mà cán bộ địa chính phường, UBND phường Thắng Lợi “không hề hay biết”. Vụ việc chỉ vỡ lở khi người dân làm đơn phản ánh lên ngành chức năng.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Phạm Đức Hạnh đã phải bất bình mà cho rằng đây là chuyện không thể chấp nhận được. Đắp đập nắn dòng, đào bới lòng sông, xe ra xe vào rầm rập như thế, người dân trong vùng đều biết, không có lý gì mà lãnh đạo phường, xã không biết được - ông nói.

Làm việc với phóng viên Báo Kon Tum, đồng chí Nguyễn Đức Tuy - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng: Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép tại khu vực dọc sông Đăk Bla diễn ra phức tạp cho thấy UBND thành phố Kon Tum chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn; xử lý không cương quyết các hành vi vi phạm, gây bức xúc trong nhân dân.

Vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành phố Kon Tum tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng khai thác cát sỏi trái phép. Trong đó cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát sỏi trái phép. Nếu để tái diễn hoạt động khai thác cát sỏi trái phép như thời gian vừa qua, chính quyền thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh - Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Tuy khẳng định.

Bây giờ đi qua vị trí Công ty TNHH MTV Xuân Tài đắp đập nắn dòng, con đập đã bị phá bỏ, nhưng những hố sâu lở loét trên bãi bồi vẫn còn. Lẽ dĩ nhiên, những người dân hàng ngày sinh sống bên dòng sông ủng hộ quyết tâm của UBND tỉnh trong việc lập lại trật tự ở lĩnh vực nhạy cảm này.

Còn tôi? Tất nhiên là tin rằng, với sự quyết tâm ấy, dòng Đăk Bla sẽ yên ả hơn. Và nếu được viết một lời nhắn nhủ, xin dùng lại lời của người phụ nữ Ba Na bé nhỏ đã nói bên con đập hôm nào: Đừng làm sông Đăk Bla nổi giận...

Thành Hưng

Chuyên mục khác