Đưa Kon Tum phát triển nhanh và bền vững

25/09/2024 13:16

Cách đây 94 năm, vào ngày 25/9/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập tại Nhà ngục Kon Tum. Trải qua chặng đường 94 năm xây dựng và trưởng thành kể từ ngày chi bộ đầu tiên (Chi bộ binh) ra đời, Đảng bộ tỉnh không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, làm tốt vai trò lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng Kon Tum ngày càng phát triển vững mạnh.

Theo tài liệu lịch sử, trong quá trình thực hiện chính sách khai thác thuộc địa và nhằm tiêu diệt những người yêu nước, thực dân Pháp đã cho xây dựng Nhà ngục Kon Tum và Nhà ngục Đăk Glei để đày ải tù chính trị. Nhưng, cũng chính tại Nhà ngục Kon Tum, vào ngày 25/9/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum đã được thành lập - Chi bộ binh. Sự ra đời của tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên trên địa bàn tỉnh đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc vận động, tuyên truyền, phát động phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum dưới sự lãnh đạo của Đảng đầu những năm 1930 và về sau.

Với ý nghĩa đặc biệt của sự kiện thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Ngục Kon Tum, năm 2006,  tại Thông báo kết luận số 59-TB/TB(ngày 17-3-2006), Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIII đã thống nhất lấy ngày 25/9/1930 làm ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh.

Diện mạo đô thị ngày càng khang trang. Ảnh: TH

 

Suốt những năm qua, Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã luôn phát huy cao độ vai trò lãnh đạo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng. Theo đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã tham gia đấu tranh giành chính quyền, chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quê hương, đất nước...

Đặc biệt, từ sau khi thành lập lại (năm 1991) đến nay, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh ta đã phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức; vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huy động các nguồn lực từ đầu tư, từng bước xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng ổn định, phát triển.

Trong những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 với quyết tâm đưa Kon Tum phát triển nhanh và bền vững, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra những quyết sách phù hợp với tình hình thực tiễn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội. Trong đó, chú trọng thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dược liệu gắn với công nghiệp chế biến; xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực của tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư; phát triển du lịch; triển khai các chính sách về phát triển kinh tế vùng  đồng bào DTTS, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa…

Qua đó, đã gặt hái được những kết quả trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, kinh tế của tỉnh có sự chuyển biến tích cực với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá, thuộc nhóm cao trong vùng Tây Nguyên. Năm 2023, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) ước khoảng 18.939 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 7,32%, đứng thứ 22 cả nước và thứ nhất khu vực Tây Nguyên. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP ước đạt 8.165 tỷ đồng, tăng 6,47% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 30/63 tỉnh thành trên cả nước và cao nhất trong khu vực Tây Nguyên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại -dịch vụ, giảm dần về tỷ trọng khu vực nông- lâm nghiệp.

Sự đổi thay và phát triển của tỉnh Kon Tum có thể thấy rõ trên từng thôn, làng, góc phố với diện mạo nông thôn và đô thị không ngừng đổi mới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 49 xã cơ bản đạt chuẩn 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới; 28 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 70 thôn (làng) vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Năm 2023, thành phố Kon Tum được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt đô thị loại II (theo Quyết định số 12/QĐ-TTg, ngày 10/1/2023).

Cơ sở hạ tầng giao thông được xây dựng, nâng cấp, mở rộng ngày càng hiện đại. Kon Tum đã thoát khỏi thế “ngõ cụt” về giao thông và kết nối với các tỉnh trong khu vực, cả nước và với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan…

Văn hóa các DTTS được bảo tồn và phát huy. Ảnh: T.H

 

Cùng với phát triển về kinh tế, bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc được gìn giữ và phát huy; đời sống vật chất của người dân ngày càng được cải thiện. Cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 58,42 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 6,84%.

Toàn tỉnh có 348 trường mầm non và phổ thông, 11 cơ sở đào tạo, 102 trung tâm học tập cộng đồng và 16 trung tâm ngoại ngữ, trung tâm giáo dục ngoài công lập đang hoạt động, đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân trên địa bàn tỉnh. 99% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, 100% trạm y tế có bác sĩ.

Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhìn lại chặng đường 94 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành kể từ ngày chi bộ đầu tiên (Chi bộ binh) ra đời, có thể thấy, Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã chứng tỏ vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi, thành tựu của tỉnh.

Thiên Hương

Chuyên mục khác