Để không bị động, bất ngờ trước thiên tai

29/07/2021 13:01

Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường với những yếu tố cực đoan, bất thường gây hậu quả nặng nề cho sản xuất và đời sống. Vì vậy, việc chủ động các phương án ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống thiên tai là cần thiết để hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra.

Công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai luôn là một trong những nhiệm vụ được các cấp, các ngành xác định là trọng tâm hàng đầu trong mùa mưa bão. Nhất là những năm gần đây, tình hình thiên tai của cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng không tuân theo quy luật, diễn biến phức tạp và khó đoán định hơn, khiến công tác phòng tránh gặp nhiều khó khăn, gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản.

Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ, năm 2020, mưa bão, lũ lụt xảy ra liên tiếp, dồn dập và kéo dài chưa từng có trong lịch sử ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhất là ở các tỉnh miền Trung đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu hộ gia đình, cướp đi nhiều sinh mạng của cán bộ, chiến sĩ và người dân. Thiên tai tàn phá nhiều nơi và để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Và cho đến giờ, ở nhiều địa phương vẫn chưa thể khắc phục xong hậu quả của thiên tai.

Chủ động phòng tránh sẽ giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Ảnh: T.H

 

Ngay ở tỉnh ta, năm ngoái, thiên tai cũng đã tác động mạnh đến sản xuất và đời sống, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cả tính mạng người dân. Đơn cử như, nắng nóng kéo dài khiến 14 công trình nước sinh hoạt tập trung và 1.641 giếng của người dân bị khô hạn, ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 2.300 hộ dân; 1.014,61 ha cây trồng bị khô hạn. Đặc biệt, trong mùa mưa bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất đã làm 3 người chết; 3 trường hợp liên quan bị thương, đuối nước; 2.045 nhà ở và hộ gia đình bị ảnh hưởng; 28 điểm trường và 4 phòng học bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái; 3 trạm y tế, 4 công trình văn hóa bị hư hỏng. Diện tích cây cối, hoa màu bị ngập úng, mưa lũ cuốn trôi lên tới 2.644 ha; 205 con gia súc và 7.001 con gia cầm bị chết. 101 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xói lở. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, hư hỏng lớn gây ách tắc giao thông... Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2020 ước tính lên đến 656,15 tỷ đồng.

Đó là con số không hề nhỏ đối với tỉnh ta và là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự tàn phá, tính khốc liệt của thiên tai. Sau thiên tai, việc khắc phục hậu quả luôn rất vất vả và tốn kém. Có những thiệt hại phải mất nhiều thời gian mới khôi phục được, thậm chí, có những mất mát không bao giờ có thể bù đắp được.

Thiên tai ngày càng dị thường, diễn biến khó lường và luôn tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ. Chúng ta không thể loại trừ được thiên tai, nhưng chúng ta có thể tìm ra các giải pháp thích ứng, phòng chống nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Thực tế, những năm gần đây, công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai luôn được các cấp, các ngành chú trọng. Hằng năm, các phương án, kịch bản phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn luôn được xây dựng khá kỹ càng. Ban chỉ huy, các tổ, đội xung kích phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp luôn được kiện toàn, củng cố. Hệ thống hồ, đập được đầu tư sửa chữa, nâng cấp; các điểm xung yếu luôn được gia cố trước mỗi mùa mưa bão. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật cũng như kỹ năng về phòng, chống thiên tai cho người dân cũng luôn được các ngành chức năng, địa phương quan tâm tổ chức…

Theo đánh giá của ngành chức năng, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Kon Tum liên tiếp chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá, lốc xoáy, dông sét, hạn hán…Ảnh hưởng của thiên tai có chiều hướng tăng lên cả về cường độ, số lượng và mức độ nguy hiểm. Trong khi người dân vùng sâu, vùng xa chưa được tiếp nhận thông tin đầy đủ về diễn biến thiên tai, thiếu kiến thức, kỹ năng trong phòng tránh thiên tai. Một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức được tầm quan trọng, tính phức tạp và nguy hiểm của thiên tai nên còn chủ quan; phương châm “bốn tại chỗ” có nơi còn mang tính hình thức, phương án chưa thật sự sát với thực tế. Thế nên khi mưa bão, lũ lụt xảy ra thì lúng túng trong ứng phó và xử lý, dẫn đến thiệt hại lớn.

Tỉnh ta đang bước vào thời gian cao điểm của mùa mưa bão. Mùa mưa bão năm nay, cơ quan Khí tượng-Thủy văn tỉnh dự báo khả năng có từ 2 - 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến thời tiết tỉnh Kon Tum, tập trung từ tháng 8- 10. Vì vậy, việc chủ động triển khai các phương án phòng tránh, kịch bản ứng phó hiệu quả là điều cần thiết để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Bởi, trong công tác phòng tránh thiên tai mọi sự chủ động và cẩn trọng không bao giờ là thừa.

Để tập trung chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, mới đây, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 vừa qua, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, bảo đảm kịp thời, chính xác. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, nâng cao kỹ năng ứng phó thiên tai, sự cố cho người dân, hướng tới xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.

Những ngày qua, thông tin về áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông liên tục được cập nhật, trên địa bàn tỉnh ta mưa lớn cũng xuất hiện ở một số nơi, cho thấy mùa mưa bão đã chính thức bắt đầu. Để không bị động, bất ngờ trước thiên tai, các cấp, các ngành và mỗi người dân cần chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó kịp thời, góp phần hạn chế, giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thiên Hương

Chuyên mục khác