18/06/2024 13:07
Đề án 06 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 6/1/2022 tại Quyết định số 06/QĐ-TTg với mục tiêu tổng quát là thực hiện 5 nhóm tiện ích gồm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế -xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Việc triển khai thành công Đề án 06 có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Vì vậy, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp; đồng thời, tích cực tháo gỡ các “điểm nghẽn” đảm bảo lộ trình thực hiện của Đề án 06. Qua đó, đã mang lại những kết quả tích cực, là “điểm sáng” của chuyển đổi số ở nước ta trong thời gian qua.
Điều đó được thể hiện qua từng con số “biết nói” được nêu ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm tháo gỡ các “điểm nghẽn” của Đề án 06 của Chính phủ với các địa phương vừa diễn ra (ngày 10/6). Cụ thể, theo đánh giá của Chính phủ, đến nay, cả nước đã đơn giản hóa 763/1.084 thủ tục hành chính. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.510 dịch vụ công trực tuyến, chiếm 71,7% tổng số thủ tục hành chính; trong đó, có 3.688 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đã có 15/22 bộ, ngành đã hoàn thành công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình; trong đó, riêng việc cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án số 06 đã giúp hằng năm tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng. 79/100 hệ thống thông tin đáp ứng tất cả các tiêu chí an toàn, an ninh mạng (tương đương 79%); 82/100 hệ thống thông tin đã thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh mạng. Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư đã được kết nối, chia sẻ với 18 bộ, cơ quan và 63 địa phương.
|
Tại tỉnh ta, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện Đề án 06, cùng với cả nước các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai nghiêm túc những yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ của Đề án. Đặc biệt, ngày 18/5/2023, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU về tăng cường triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, đã huy động được sự vào cuộc tích cực, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tạo chuyển biến rõ nét từ nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thực hiện Đề án 06.
|
Vì thế, dù không có nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện, nhưng đến nay, Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể. Nổi bật là nhóm tiện ích giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.371 dịch vụ công trực tuyến đã được cập nhật, cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong đó, có 373 dịch vụ công trực tuyến một phần và 998 dịch vụ dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đảm bảo thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu 80% về cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra, đã đạt và vượt chỉ tiêu 70% cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Một số dịch vụ công trong Đề án 06 được triển khai đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng, lưu trú; cấp và cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu; đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy; cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến; thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh cũng đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả trên môi trường mạng và các thiết bị di động. Công tác tuyên truyền, bảo đảm an ninh, an toàn được chú trọng.
Những kết quả này cho thấy, việc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và ngày càng có đóng góp tích cực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, giải quyết tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Dù vậy, thẳng thắn nhìn nhận, việc thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vẫn còn những điểm hạn chế, nhất là tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến còn thấp so với mặt bằng chung cả nước, chỉ đạt trên 27% trong tổng số hồ sơ tiếp nhận; tỷ lệ số hóa hồ sơ tại một số đơn vị chưa cao. Điều này, đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 06.
Đề án 06 là hợp phần quan trọng trong tổng thế chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Dẫu vẫn còn khó khăn, thách thức phía trước, nhưng với những bước đi vững chắc và những kết quả quan trọng gặt hái được trong thời gian qua, giúp tạo động lực, niềm tin để các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương, trong đó có tỉnh ta tiếp tục triển khai đảm bảo hoàn thành mục tiêu, lộ trình của Đề án 06, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Thiên Hương