Của chung ai khéo vẫy vùng?

14/06/2017 08:34

​Cha ông ta từ xưa có câu: Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng. Và vì xem môi trường đang là thứ của chung nên người thì vô tình “khéo”, người thì cố “khéo”… đã khiến môi trường ngày càng bị biến đổi. Ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thẳng thắn chỉ ra trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội vào sáng 9/6, ô nhiễm môi trường là 1 trong 6 “nỗi bất an của người Việt Nam”.

1. Nghĩ môi trường là của chung, mà thường “cha chung không ai khóc”, nên không mấy người quan tâm và dẫn đến vô tình “khéo vẫy vùng” dường như ngày một nhiều. Vô tình “khéo vẫy vùng” ở đây chỉ đơn cử bắt đầu từ những chuyện nhỏ - vứt xả rác thải ở nơi công cộng.

Chỉ cần dạo một vòng dọc các tuyến phố, quanh qua bờ kè, các công viên…, chúng ta không khó để bắt gặp nhiều người vô tư quẳng ngay vỏ bánh, vỏ kẹo, hộp sữa, chai nước hay mẩu thuốc lá…; rồi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định. Thậm chí, dù thùng rác ngay cạnh, nhưng có người chẳng bước chân được đến tận nơi đặt bao rác vào thùng, mà đi từ xa xa quẳng lại, trúng đâu thì trúng! Dù chị lao công vừa thấm đẫm những giọt mồ hôi quét dọn sạch đoạn đường, quay lại nhìn đã có người ném chai nước, vỏ bánh, xả rác thải bừa bãi…

Ai cũng nghĩ rằng, vỉa hè, đường phố, nơi công cộng là của chung. Mà của chung thì có người khác lo, chỉ nhà mình sạch, ngõ mình sạch là được; hoặc nếu ai có ý thức bỏ rác, xả thải đúng nơi quy định và nhắc nhở những người xung quanh cùng thực hiện thì lại “được gán” cho những từ: bao đồng, rỗi hơi, lắm chuyện… nên tình trạng vứt xả rác thải, chất bẩn không đúng nơi quy định cứ thế mà hiển nhiên tồn tại.  

Hậu quả của việc vứt xả rác bừa bãi này thì ai cũng thấy rõ: mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường sống và tất nhiên về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi người…

Đáng nói nữa, dù Nghị định 155/2016/NĐ-CP (thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường) tăng mức xử phạt với các hành vi xả rác thải, vứt mẩu thuốc lá, đại tiểu tiện không đúng nơi quy định… có hiệu lực đã 5 tháng nay (từ ngày 1/2/2017)  nhưng mọi chuyện dường như vẫn dẫm chân tại chỗ. Dù khi Nghị định này mới ra đời được kỳ vọng khi tăng mức xử phạt lên hàng chục lần so với trước (mức phạt lớn cho hành vi vốn được xem là nhỏ (?!)) sẽ là giải pháp ngăn ngừa những thói quen xấu, gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị hiện nay. Nhưng, ai phạt và phạt ai cũng như những bất cập về cơ sở hạ tầng đã khiến cho không ít người có đủ lý do để biện minh cho hành động của mình…

2. Không chỉ vô tình “khéo” mà trên thực tế cố tình “khéo” không phải là chuyện hiếm. Chưa hết các vụ khai thác khoáng sản vàng trái phép tại các xã Đăk Long, Đăk Blô (Đăk Glei), Đăk Kan (Ngọc Hồi), Đăk Tờ Re (Kon Rẫy) thì lại đến các vụ khai thác cát, sỏi trái phép.

Thời gian gần đây, Báo Kon Tum liên tục phản ánh chuyện các công ty, cá nhân cố tình “khéo vẫy vùng” nhằm biến tài nguyên, khoáng sản thành của riêng, tư lợi cho mình. Hết Công ty TNHH MTV Xuân Tài thì lại đến doanh nghiệp tư nhân Trí Thành ngang nhiên đắp đập, nắn dòng chảy của sông Đăk Bla để khai thác cát, sỏi ở lòng sông…

Cần ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

 

Rồi, cũng trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tục phát hiện, bắt giữ các vụ khai thác cất giấu, vận chuyển lâm sản trái phép. Bà con ở một số địa phương thì mùa nào thức nấy, sắp đến mùa mưa thì phát đốt rừng làm rẫy trái phép; khi thì tranh thủ nông nhàn hết ồ ạt khai thác lồ ô, ươi, đến các dược liệu dưới tán rừng... Con số thống kê các vụ vi phạm lâm luật với khối lượng gỗ tịch thu ngày một dài hơn.

Đằng thì khai thác theo kiểu tận thu tài nguyên, khoáng sản; đằng thì các doanh nghiệp, nhà máy, bệnh viện… vô tư xả các chất thải rắn, lỏng, khí ra môi trường mà người dân ở các địa phương bức xúc, liên tục phản ánh trong các đợt Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tiếp xúc cử tri đã cho thấy ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng hiện nay.

3. Hệ lụy cho mỗi người “khéo vẫy vùng” mỗi kiểu ấy đã dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên quốc gia, hủy hoại môi trường và gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu.  

Thiên tai hạn hán cấp độ I mà UBND tỉnh công bố vào năm 2016 chính là bài học nhãn tiền. Đợt hạn hán này đã gây thiệt hại 4.194,23ha cây trồng vụ đông xuân; 107 công trình nước sinh hoạt nguồn nước đến các đầu mối cạn kiệt, 8.652 giếng nước bị khô hạn và thiếu nước ảnh hưởng đến nước sinh hoạt của trên 13.300 hộ dân... Sau hạn hán, cũng trong năm 2016, gió lốc, giông sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất làm 3 người chết, 2 người bị thương; 287 ngôi nhà, 22 phòng học nhà ở giáo viên bị tốc mái; ngập úng hư hại 80ha lúa, 17,6ha hoa màu, 44 con gia súc bị chết, cuốn trôi; nhiều tỉnh lộ, quốc lộ, công trình thủy lợi bị thiệt hại nặng. Tổng thiệt hại do thiên tai năm 2016 gây ra trên 270 tỷ đồng.

Tiếp tục trong 5 tháng đầu năm nay, gió lốc, giông sét làm 3 người chết, 3 người bị thương và gây ra một số thiệt hại đối với sản xuất, công trình hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của dân…, ước thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng.

Chưa kể đến con số chung toàn quốc, những con số thiệt hại chỉ của riêng trên địa bàn tỉnh khiến không ít người giật mình lo lắng. Ông Đặng Thuần Phong -  Phó Chủ nhiệm Ủy ban ác vấn đề xã hội của Quốc hội thẳng thắn chỉ ra trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội vào sáng 9/6, thì đó chính là 1 trong 6 nỗi bất an của người Việt Nam. Ông nói rằng: Đừng vì những lợi ích tức thời mà buông bỏ tương lai dân tộc. Tiền có thể nhiều đến đâu cũng không mua lại được môi trường tươi đẹp đã mất.

Chính vì vậy, cùng với việc thực thi nghiêm các chế tài xử phạt hành vi vi phạm thì hàng loạt hoạt động mà các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh triển khai nhân kỷ niệm ngày Môi trường thế giới và Tuần lễ Biển đảo và đại dương năm nay như: Phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, quét dọn đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải, trồng mới hàng nghìn cây xanh các loại, thả hàng chục nghìn con cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản… cũng là một cách tuyên truyền, giáo dục và là hành động cụ thể để bảo tồn, tôn tạo những giá trị của thiên nhiên, bảo vệ môi trường chung của chúng ta.

Nguyên Phúc

 

Chuyên mục khác