18/10/2021 06:01
Tại Hội thảo “Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt an toàn với đại dịch Covid-19: Khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương” do Chính phủ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương vừa tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học đều thống nhất đánh giá dịch bệnh diễn biến phức tạp thời gian qua đã gây ra những hậu quả nặng nề trên mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Nền kinh tế đã bị tổn thương, đặc biệt, đợt dịch thứ tư bùng phát đã làm đứt gãy các liên kết trong nền kinh tế và trong các hoạt động của đời sống xã hội, dẫn đến đứt gãy sự kết nối giữa tổng cung và tổng cầu.
Vì vậy, khi công tác phòng, chống dịch đạt được những kết quả tích cực thì yêu cầu đặt ra là cần nhanh chóng phục hồi kinh tế, khắc phục và giảm thiểu đứt gãy liên kết. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng để nền kinh tế không bị lỡ nhịp phát triển. Mở cửa chính là bước đi đầu tiên của tiến trình phục hồi kinh tế sau thời gian bị nén lại để thực hiện các biện pháp khống chế, kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, mở cửa để khôi phục và phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo chắc chắn, ổn định và an toàn, bởi chỉ khi dịch bệnh được kiểm soát thì mới có điều kiện để sản xuất, kinh doanh. Đó cũng chính là chìa khóa để thực hiện sự chuyển hướng chiến lược từ “không Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” mà Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã xác định.
|
Quan điểm nhất quán của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là bảo đảm “mục tiêu kép”, nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất. Trong 6 nguyên tắc thích ứng thì y tế được coi là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng. “Công thức” chính để “thích ứng an toàn” là thực hiện 5K + vắc xin, công nghệ và ý thức tự giác của người dân.
Tại tỉnh ta, với “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch bệnh vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, 9 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Các cấp, các ngành chủ động, linh hoạt, kịp thời triển khai đồng bộ, nhịp nhàng các biện pháp phòng, chống dịch thích ứng với tình hình thực tiễn. Nhờ đó, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội duy trì ổn định, phát triển.
Theo báo cáo 9 tháng của UBND tỉnh, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 6,05%; sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ có sự tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu vượt kế hoạch đề ra. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Công tác an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được quan tâm thực hiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định... Tuy nhiên, do tác động chung của tình hình dịch bệnh trong cả nước khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chưa đạt; giải ngân vốn đầu tư công chậm; thu hút đầu tư chưa hiệu quả; khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư chậm được tháo gỡ, thời gian chuẩn bị để thực hiện một dự án đầu tư còn dài... Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra trong 3 tháng còn lại năm 2021 là rất quan trọng, đặc biệt là xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo tính khả thi cao theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt” với dịch Covid-19.
Nhằm đảm bảo vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngày 2/10/2021, UBND tỉnh đã có Văn bản số 3539/UBND-KGVX cho phép tiếp tục nới lỏng một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ trên nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Mới đây, ngày 13/10, UBND tỉnh tiếp tục ban hành văn bản 3690/UBND-HTKT triển khai thực hiện thí điểm các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh từ tỉnh Kon Tum đến 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 13-20/10), nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định phòng, chống dịch…Điều này thể hiện sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh để đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nhưng vẫn đảm bảo công tác chống dịch theo quan điểm nới lỏng chứ không buông lỏng, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Rõ ràng, chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 để khôi phục kinh tế không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ mà còn là đòi hỏi tất yếu, đảm bảo cho việc thực hiện thành công “mục tiêu kép”. Trong đó, việc cách ly y tế, xét nghiệm và điều trị -3 trụ cột quan trọng để khống chế thành công dịch được Trung ương và tỉnh ta xác định là nguyên tắc cơ bản, giải pháp chiến lược lâu dài để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế hiệu quả.
Thùy Hương