“Bộ tứ trụ” để đất nước giàu mạnh, hùng cường

26/05/2025 13:07

Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, kinh tế không ngừng tăng trưởng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, Việt Nam ngày càng có uy tín trên trường quốc tế. Tuy nhiên, để tiếp tục tạo ra những động lực mới cho sự phát triển, 4 nghị quyết của Bộ Chính trị mới đây được xem như “Bộ tứ trụ” để đưa đất nước giàu mạnh, hùng cường.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, đất nước ta vẫn còn nhiều khó khăn thách thức trên chặng đường phía trước, chúng ta phải nỗ lực vượt bật hơn nữa để sánh vai với các nước phát triển.

Nhìn rõ thời cơ, thuận lợi và khó khăn thách thức, trong thời gian đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 4 nghị quyết mang tính đổi mới, cải cách tập trung vào 4 đột phá: Thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (Nghị quyết 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024); chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng (Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025); phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025); đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật (Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025). Để thực hiện thắng lợi “Bộ tứ trụ” nghị quyết đó, đòi hỏi phát huy mọi nguồn lực và động lực trong xã hội, trong nhân dân, triển khai một cách sâu sắc, toàn diện, quyết liệt, quyết tâm đạt được các mục tiêu lớn mà các nghị quyết đã đề ra.

Phát huy những thành tựu đạt được của đất nước trong thời gian qua, với khát vọng lớn lao của dân tộc về một tương lai tươi sáng hơn, giàu mạnh hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu, bốn nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị ban hành trong thời gian gần đây chính là những “trụ cột” thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính là đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nghị quyết số 68-NQ/TW xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, và các chủ trương, đường lối khác của Đảng.

Nghị quyết 59-NQ/TW chính là quyết sách đột phá, đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử trong quá trình hội nhập để Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình tới thịnh vượng, hùng cường. Hội nhập quốc tế cũng chính là “cẩm nang hành động”, là kim chỉ nam để đất nước ta từng bước nâng tầm vị thế trên trường quốc tế.

Nghị quyết số 66-NQ/TW xác định mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Có thể nói “điểm nghẽn” của hành lang pháp lý hiện nay chính là rào cản của phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân và thu hút đầu tư của doanh nghiệp. Việc tạo ra hành lang pháp lý thông suốt sẽ giúp cho môi trường đầu tư của Việt Nam thông thoáng hơn.

Bốn nghị quyết lớn của Bộ Chính trị cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Mặc dù mỗi nghị quyết tập trung vào một lĩnh vực trọng yếu, nhưng đều có tính liên kết chặt chẽ, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau và đều hướng đến một mục tiêu: xây dựng nền tảng vững chắc để đất nước phát triển nhanh, bền vững và trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Sự liên kết này không chỉ mang tính định hướng chung mà còn thể hiện rõ sự phụ thuộc lẫn nhau khi triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào dây chuyền sản xuất ở tỉnh ta. Ảnh: D.Đ.N

 

Tại Kon Tum, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng cơ chế thí điểm cho phép thử nghiệm các giải pháp công nghệ mới trong nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh tại một số địa bàn trọng điểm dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn. Ban hành quy định về ưu tiên mua sắm công đối với các sản phẩm, giải pháp công nghệ do doanh nghiệp trong tỉnh nghiên cứu, phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và chế biến nông sản. Đồng thời tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Một mô hình sản xuất rau sạch công nghệ cao ở TP. Kon Tum. Ảnh: D.Đ.N

 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Điển hình là về định danh điện tử, tỉnh đã thu nhận 387.135 hồ sơ, trong đó có 371.342 hồ sơ được duyệt và 282.083 tài khoản được kích hoạt (đạt tỷ lệ 75,96%). Về số hóa hộ tịch, tỉnh đã cập nhật được 89,80% dữ liệu trên hệ thống (561.718/625.517 dữ liệu), đã tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại 100% cơ quan, đơn vị; kết quả, có 80% đơn vị đạt mức độ 3/5 về chuyển đổi số.

Với một tỉnh miền núi như Kon Tum, ngoài các doanh nghiệp lớn và vừa,  tỉnh có hơn 4.500 doanh nghiệp và hàng nghìn hộ kinh doanh cá thể, trong đó có những hộ vừa mới ra khởi nghiệp, hộ kinh doanh người DTTS đang góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Với “Bộ tứ trụ” nghị quyết của Bộ Chính trị sẽ là bước đột phá mạnh mẽ để đưa đất nước trở thành quốc gia hùng mạnh, hùng cường. Tại Hội nghị quán triệt các nghị quyết của Bộ Chính trị được tổ chức vào sáng 18/5, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Những đổi mới, cải cách mà chúng ta đang triển khai không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển mà còn là mệnh lệnh từ tương lai dân tộc. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình; chủ động, sáng tạo, đoàn kết thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân, làm cho nhân dân có đời sống thực sự ngày một tốt hơn. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam phải trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển đất nước. 

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác