06/03/2021 07:53
Bảo hiểm bắt buộc là loại hình bảo hiểm do Chính phủ quy định nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và đảm bảo an sinh xã hội. Căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế xã hội từng thời kì, Chính phủ công bố những loại hình bảo hiểm bắt buộc mà các tổ chức cá nhân có liên quan phải tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện.
Theo đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị nạn trong các vụ tai nạn giao thông, Chính phủ quy định Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là loại hình bảo hiểm bắt buộc: mọi chủ xe cở giới (là các tổ chức, cá nhân sở hữu hay được giao quản lý và sử dụng) bắt buộc phải tham gia loại hình bảo hiểm này, đồng thời những doanh nghiệp được triển khai loại hình bảo hiểm này bắt buộc phải cung cấp dịch vụ bảo hiểm, mức phí và thanh toán bồi thường theo luật định.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 03/2021 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Bộ Tài chính cũng đã ban hành TT 04/2121 quy định chi tiết một số điều của Nghị định. Những quy định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/03/2021, thay thế cho Nghị định 103/2008/NĐ-CP và Nghị định 214/2013/NĐ-CP.
Nguyên tắc bồi thường
Nguyên tắc bồi thường của bảo hiểm xe máy bắt buộc được quy định tại Điều 14 của Nghị định: “Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.
Theo đó, trong trường hợp người được bảo hiểm chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại hoặc người thừa kế của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết) hoặc đại diện của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án hoặc chưa đủ sáu tuổi).
Như vậy, về bản chất, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thay mặt chủ xe máy để bồi thường cho bên thứ ba - bên bị thiệt hại do tai nạn mà chủ xe gây ra. Rõ ràng, mục đích chính của loại hình bảo hiểm này chính là để bảo vệ tài chính cho chủ xe, đảm bảo chủ xe có đủ năng lực tài chính để chịu trách nhiệm dân sự khi lưu thông trên đường, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị nạn trong các vụ tai nạn giao thông, bảo vệ lợi ích công cộng và đảm bảo an sinh xã hội.
Mức bồi thường tối đa
Theo Điều 4, Thông tư 04/2121/TT-BTC có quy định mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người và tài sản do xe máy gây ra. Mức trách nhiệm bảo hiểm được hiểu là số tiền tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả cho thiệt hại về người và tài sản trong mỗi vụ tổn thất xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm.
Theo đó, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150.000.000 VNĐ (một trăm năm mươi triệu đồng) cho một người trong một vụ tai nạn.
Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) gây ra là 50.000.000 VNĐ (năm mươi triệu đồng) trong một vụ tai nạn.
Thời gian chi trả bồi thường và quy định về tạm ứng bồi thường
Khoản 2, Điều 14 của Nghị định quy định: “Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được Bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.
Như vậy, luật quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải lập tức tạm ứng khi chủ xe chưa hoàn thành hồ sơ yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 3 ngày này, doanh nghiệp sẽ phải xác định tai nạn thuộc phạm vi bồi thường hay không để đưa ra mức bồi thường thiệt hại:
* Trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại:
- 70% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong.
- 50% mức bồi thường Bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.
* Trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại:
- 30% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong.
- 10% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.
Việc nhà bảo hiểm tạm ứng cho người bị thiệt hại là một bước tháo gỡ lớn cho các chủ xe. Nhiều chủ xe không thể xoay xở kịp tiền để thanh toán chi phí cấp cứu điều trị cho người bị thiệt hại trong giai đoạn đầu khiến cho nạn nhân và gia đình đã gặp khó càng thêm khó. Như vậy, với quy định này, tất cả các bên đến vụ tai nạn đều sẽ được hỗ trợ kịp thời, trong đó nạn nhân tai nạn giao thông được giúp khắc phục tổn thất về người và tài sản, còn chủ xe và lái xe cũng nhanh chóng ổn định cuộc sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
QUỐC BẢO