26/11/2020 06:02
Cho vay hộ sản xuất, hay còn gọi là chương trình tín dụng hộ, được xem là một hướng đi thành công, tạo dấu ấn, bản sắc của Agribank. Trên địa bàn tỉnh, Agribank Kon Tum là ngân hàng chủ lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Việc phát triển mở rộng hình thức cho vay qua tổ vay vốn là một định hướng của Agribank Kon Tum. Thực tế tổ vay vốn rất phù hợp với địa bàn nông thôn của tỉnh, bởi tại đây có các tổ chức hội, đoàn thể hoạt động mạnh mẽ, uy tín, giúp chi nhánh tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể các cấp. Đồng thời, cùng phối hợp tuyên truyền và triển khai các hoạt động cho vay, quảng bá thương hiệu Agribank.
Để triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn có hiệu quả hơn, Agribank Kon Tum đã ký thỏa thuận phối hợp giữa Agribank với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh về việc cho vay qua tổ vay vốn. Cùng với việc hoàn thiện những văn bản liên quan để việc triển khai cho vay qua tổ, nhóm được thuận tiện, thông suốt, Agribank Kon Tum cũng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để người dân tiếp cận vốn ngân hàng một cách nhanh chóng và an toàn.
|
Tính đến tháng 10/2020, Agribank Kon Tum có gần 440 tổ vay vốn trên địa bàn với trên 4.000 thành viên và dư nợ đạt trên 370 tỷ đồng (giảm 765 triệu đồng so với đầu năm, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19).
Có vai trò quan trọng trong hoạt động của tổ vay vốn là tổ trưởng. Tổ trưởng là người có uy tín, gần gũi với các thành viên tổ, vì vậy có thể theo sát đôn đốc, nắm bắt nhu cầu của các thành viên trong tổ; hỗ trợ các cán bộ tín dụng trong việc mở rộng tín dụng và đôn đốc trả nợ, đảm bảo tỷ lệ lãi thực thu cao, nâng cao chất lượng tín dụng. Nhiều tổ trưởng tổ vay vốn nhiệt huyết, được ngân hàng tập huấn và hiểu về các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, đã trở thành một kênh phân phối sản phẩm dịch vụ hiệu quả tại các địa bàn xã.
Bà Nguyễn Thị Chín - Tổ trưởng tổ vay vốn ở thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy) cho biết: Khi đưa nguồn vốn về cho chị em phụ nữ, tôi cũng tạo điều kiện cho chị em làm hồ sơ để tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế. Nói chung làm hồ sơ theo tổ có lợi cho tổ, cho tổ trưởng. Vì khi làm hồ sơ thì làm đồng loạt, ký giấy tờ lên ngân hàng duyệt, giải ngân 1 lần dễ hơn làm từng cá nhân.
Dưới góc độ một hội viên tìm đến tổ vay vốn để tiếp cận vốn ngân hàng, năm 2016, vợ chồng anh Huỳnh Bá Thịnh (thôn Nghĩa Đông, xã Kroong, thành phố Kon Tum) vay 150 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Điều đáng nói là, thông qua Hội Nông dân xã Kroong, gia đình anh Thịnh dễ dàng tiếp cận vốn vay của ngân hàng mà không cần thế chấp tài sản.
Anh Huỳnh Bá Thịnh cho biết: Việc vay vốn ở Agribank Kon Tum hiện nay có thủ tục đơn giản và nhanh gọn; lãi suất cũng thấp hơn các ngân hàng khác. Tôi đã nhiều lần vay vốn ở ngân hàng này, nên biết thủ tục đơn giản dễ tiếp cận. Nếu sử dụng vốn đúng mục đích thì khả năng trả gốc và lãi cho ngân hàng nằm trong tầm tay.
Tổ vay vốn là một trong những kênh hiệu quả để Agribank dẫn vốn đến người dân, đặc biệt người dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa giúp người dân phát triển sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hà Thị Thanh Hòa - Phó Giám đốc Agribank Kon Tum khẳng định: Tổ vay vốn được tổ chức qua các tổ chức hội và tổ trưởng là thành viên có uy tín trong các tổ hội, nắm rõ về gia cảnh của các hội viên. Vì vậy, có thể giúp ngân hàng lựa chọn được những khách hàng tốt và chăm sóc tốt hơn những khách hàng ở vùng xa, tạo điều kiện cho khách hàng có thể vay vốn một cách thuận tiện. Từ đó, về phía ngân hàng, cho vay qua tổ vay vốn giúp ngân hàng tìm kiếm được những khách hàng có chất lượng, giảm tỷ lệ nợ xấu, giảm tải cho cán bộ tín dụng khi phải quản lý nhiều khách hàng. Đồng thời, khách hàng sẽ yên tâm hơn khi giao dịch, thủ tục, hồ sơ đã hướng dẫn qua tổ và tạo thuận lợi nhiều hơn cho các cá nhân khi tiếp cận vốn vay.
Hiện nay, Agribank Kon Tum không ngừng đa dạng hóa các kênh dẫn vốn đến khách hàng đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng. Ngoài việc cho vay qua tổ vay vốn, Agribank Kon Tum còn triển khai dịch vụ ngân hàng lưu động đến tận địa bàn xã, thôn vùng sâu vùng xa giúp khách hàng có nhiều cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng, từ đó hạn chế việc người dân phải tìm đến tín dụng đen để có vốn phục vụ phát triển kinh tế.
Dương Lê