​Dựa vào dân để phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm

20/04/2018 18:03

​Ngày 29/12/2017, UBND tỉnh ra Quyết định số 63/2017/QĐ-UBND về việc “Ban hành Quy chế dựa vào nhân dân để phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm, chế độ khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm”. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 8/1/2018.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Quy chế này quy định về cơ chế phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm; việc chi trả tiền cho các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin để phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm; chế độ khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Đối tượng áp dụng bao gồm: các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan; các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Đồng chí Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các quầy bán thức ăn đường phố tại thành phố Kon Tum

 

Để thực hiện tốt Quy chế này, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm được quy định trong Luật An toàn thực phẩm; nguyên nhân, cách nhận biết nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm và các biện pháp phòng, chống sự cố về an toàn thực phẩm. Cung cấp kịp thời về nguy cơ mất an toàn tới nhân dân để nhận thức được đầy đủ tác hại tới sức khỏe của thực phẩm không đảm bảo an toàn. Phát động phong trào đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật an toàn thực phẩm. Hướng dẫn và vận động nhân dân tham gia đảm bảo an toàn thực phẩm, giám sát và phát hiện những tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn để thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

     Căn cứ tình hình thực tế, UBND tỉnh yêu cầu các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm công khai số điện thoại đường dây nóng để nhân dân cung cấp thông tin phản ánh, kiến nghị, tố giác hành vi vi phạm an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức. Sau khi tiếp nhận thông tin, cơ quan tiếp nhận thông tin căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền có trách nhiệm xử lý thông tin, nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết thì chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật và thông báo kết quả giải quyết cho tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin biết. Cơ quan tiếp nhận thông tin có trách nhiệm bố trí địa điểm tiếp công dân để tiếp nhận thông tin do tổ chức, cá nhân cung cấp; tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin vi phạm an toàn thực phẩm được giữ bí mật và được yêu cầu bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù.

     Hình thức cung cấp thông tin có thể trực tiếp phản ánh, khai báo với cơ quan, đơn vị, địa phương có thẩm quyền; bằng văn bản qua bưu điện hoặc fax; bằng điện thoại qua đàm thoại hoặc tin nhắn; qua thư điện tử; qua hòm thư…

Các thông tin được cung cấp bằng một trong các hình thức nói trên và phải được cơ quan có thẩm quyền kết luận có vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật đều được chi trả tiền. Việc chi trả tiền được thực hiện sau khi có kết luận, xử lý của cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm an toàn thực phẩm và không quá 20 ngày kể từ ngày có kết luận, xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

Mức chi trả như hình thức mua tin được thực hiện trên khả năng nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm được trích lại cho đơn vị đảm bảo chi trả nhưng không vượt quá mức theo quy định tại văn bản hợp nhất số 47/VBHN-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thu, nộp, tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của lực lượng xử phạt vi phạm hành chính. Nguồn kinh phí chi trả cho việc cung cấp thông tin được bố trí lại từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và dự toán chi ngân sách địa phương cấp hàng năm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định. Cơ quan, đơn vị, địa phương có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được cung cấp thông tin có trách nhiệm chi trả tiền cho người cung cấp thông tin sau khi có kết luận thông tin được cung cấp là chính xác. Trường hợp nhiều cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm, thì cơ quan đã thực hiện việc xử lý hoặc chủ trì tham mưu người có thẩm quyền thực hiện việc xử lý có trách nhiệm chi trả.

Giám đốc các sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của đơn vị quyết định khen thưởng theo thẩm quyền và UBND cấp huyện quyết định khen thưởng theo trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cho tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm. UBND tỉnh quyết định khen thưởng cho tổ chức, cá nhân trên cơ sở đề nghị của các sở, địa phương liên quan, đồng thời khen thưởng cho các sở, ban, ngành, địa phương có thành tích xuất sắc trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm.

Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum

 

Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, phát hiện, khai báo kịp thời cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm của tổ chức, cá nhân để xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh tăng cường công tác giám sát các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm; vận động nhân dân phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh ngăn chặn các vi phạm về an toàn thực phẩm, khai báo kịp thời khi phát hiện có hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm…

                                                                   Bài và ảnh: Vĩnh Hà

Chuyên mục khác