25/07/2024 13:11
Từ những ngày đầu mới thành lập và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định ba mặt trận rất quan trọng của cách mạng là chính trị, kinh tế và văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa đã trở thành “ngọn đuốc sáng” cho việc xây dựng chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng.
Văn kiện Đại hội VII (tháng 6/1991) của Đảng ta đã xác định: Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa và bảo vệ môi trường.
Tháng 7/1998 tại Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Đảng ta đã có một nghị quyết riêng về văn hóa - Nghị quyết số 03- NQ/TW về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết xác định vai trò của văn hóa đối với phát triển đất nước: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.
|
Là một nhà văn hóa lớn, một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, Tổng Bí thư luôn thấm nhuần sâu sắc nhiệm vụ và sứ mệnh của văn hóa mà Đảng, Bác Hồ đã xác định. Đồng thời luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của chấn hưng văn hoá bởi "văn hóa còn thì dân tộc còn".
Theo Vnexpress, ngay từ khi là một thanh niên 24 tuổi (năm 1968), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những bài viết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Trong các bài viết ấy đều nêu rõ văn hóa là hồn cốt, nói lên bản sắc dân tộc, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Sau này, trải qua các cương vị lãnh đạo, đến khi giữ trọng trách cao nhất của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục có nhiều bài viết, bài phát biểu có tính khái quát cao, tổng kết lý luận và thực tiễn, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong hầu hết các bài phát biểu tại các hội nghị quan trọng của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư đều dành dung lượng và thời gian để trao đổi, luận giải về văn hóa và khát vọng chấn hưng, phát triển nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh đan xen nhiều mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái cũ và cái mới, giữa hội nhập với phát huy và bảo tồn những giá trị cốt lõi, nhân văn cao đẹp của dân tộc.
Tháng 6/2014, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI ban hành Nghị quyết mới (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đến Đại hội XIII của Đảng, phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, nội dung nổi bật. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội, Đảng đề cập toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược.
Nghiên cứu văn kiện Đại hội XIII của Đảng, có thể thấy rất rõ quan điểm, chủ trương mới, toàn diện và sâu sắc về phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhằm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc.
Bao gồm, lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước; phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là động lực cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam; xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý và tập trung xây dựng Đảng về đạo đức.
Đặc biệt, sáng 24/11/2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Đây là Hội nghị toàn quốc về văn hóa của Đảng lần thứ hai, sau 75 năm, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946).
|
Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Phát triển kinh tế phải hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ nhằm mục tiêu tối thượng là phục vụ đời sống của con người Việt Nam; văn hóa cần được khai thác như động lực nội sinh quan trọng để phát triển kinh tế, phải được đặt ngang hàng và tương xứng với chính trị và kinh tế; văn hóa và kinh tế có sự tác động biện chứng với nhau, trong đó, kinh tế không thể phát triển nếu không có nền tảng văn hóa, đồng thời văn hóa không chỉ phản ánh kinh tế mà còn là nhân tố tác động đến sự phát triển kinh tế”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; khẳng định, nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội.
Theo Tổng Bí thư, Việt Nam là một đất nước có hơn 4.000 năm lịch sử, trải qua không biết bao nhiêu sự biến đổi, thăng trầm do thiên nhiên và con người gây ra, đã tích luỹ, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng của dân tộc, làm nên hồn cốt của dân tộc; đồng thời tiếp thu và đóng góp vào nền văn hóa chung của nhân loại.
Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là: "Văn hoá soi đường cho quốc dân đi"! Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định.
Mặc dù vậy, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hoá, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục trong thời gian tới như vai trò của văn hoá trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc. Trong đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Quán triệt nghiêm túc quan điểm "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội"; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu thường xuyên”, đây là quan điểm chỉ đạo rất cơ bản cần phải được triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt trong nhiệm vụ của các ngành, các cấp.
|
Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nói, trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đồng ý cho xuất bản cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc". Những bài viết, bài phát biểu, bài nói chuyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong cuốn sách là “Bản Tuyên ngôn” định hướng con đường vận động và phát triển của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong bài “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân", Đại tướng Tô Lâm- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước viết: Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, ý thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc,” “Văn hóa còn thì Dân tộc còn,” Nhà văn hóa Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc trên mặt trận văn hóa của Đảng đã dành nhiều tâm huyết xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.
Hôm nay và mai sau, phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn” luôn là “kim chỉ nam” cho sự nghiệp phát triển của nền văn hóa dân tộc.
Hồng Lam