16/03/2017 18:54
Đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể.
|
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, từ đầu năm đến nay, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các bộ, ngành, chính quyền địa phương nên tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm cả 3 mặt.
Trong 2 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 3.465 vụ tai nạn giao thông, làm 1.570 người chết và 2.660 người bị thương; so với 2 tháng đầu năm 2016, giảm 153 vụ (giảm 4,23%), giảm 20 người chết (giảm 1,26%) và giảm 707 người bị thương (giảm 21%). Trong đó, đường bộ xảy ra 3.415 vụ, làm 1.534 người chết, 2.635 người bị thương; đường sắt xảy ra 32 vụ, làm 25 người chết, 16 người bị thương và đường thủy xảy ra 18 vụ, làm 11 người chết và 9 người bị thương. Có 34 tỉnh, thành phố giảm số người chết do tai nạn giao thông và 26 tỉnh, thành phố có số người chết tăng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng ở cả đường thủy, đường sắt và đường bộ; tình trạng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra nhiều…
Tại hội nghị, đại diện các địa phương, bộ, ban, ngành đã tham gia thảo luận phân tích nguyên nhân, đưa ra các giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương sự cố gắng, quyết liệt, đồng bộ của các lực lượng chức năng, bộ, ngành, các địa phương trong việc triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong quý I, tình hình tai nạn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực, giảm cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao, số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng còn nhiều, nhất là trong dịp Tết nguyên đán, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong dư luận xã hội…
Phó Thủ tướng yêu cầu: Thời gian thời, để đạt mục tiêu giảm từ 5-10% về tai nạn giao thông cả ba mặt so với năm 2016, các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương cần tiếp tục huy động sức mạnh của các đoàn thể, vận động phong trào nhân dân làm chủ về an toàn giao thông trên địa bàn, nhất là lực lượng trẻ; lên án hành động vi phạm, xây dựng văn hóa về trật tự an toàn giao thông; đổi mới phương pháp tuyên truyền, đưa vào chương trình chính khóa về an toàn giao thông trường học; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền đến mọi đối tượng, chú trọng xây dựng văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành; đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, có biện pháp khắc phục những điểm đen, vị trí mất an toàn trên các tuyến đường; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và tập huấn người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; tiếp tục siết chặt kiểm soát chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô tải, ô tô khách; tăng cường tuần tra, kiểm soát, tập trung xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông; xây dựng và triển khai kế hoạch lập lại trật tự đô thị và tăng cường công tác lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt và tổ chức tháng cao điểm tuyên truyền vận động và giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; các bộ, ngành địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác chỉ đạo lực lượng chức năng của mình trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn… góp phần kiềm chế tai nạn giao thông trong toàn quốc.
Tin, ảnh: Văn Phương